Hiệu quả thu hút đầu tư trong chuyển đổi kinh tế Trung Quốc

Sau khi điều chỉnh chính sách chống dịch COVID-19, nhiều địa phương của Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt chính sách mới để thu hút đầu tư, gia tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế.
(Nguồn: Reuters)

Bài viết trên trang Bình luận Trung Quốc nhận định sau khi điều chỉnh chính sách chống dịch COVID-19, nhiều địa phương của Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt chính sách mới để thu hút đầu tư.

Một số tỉnh thành còn tổ chức các đoàn đi ra nước ngoài thu hút, kêu gọi đầu tư. Đây là một động thái lớn của Trung Quốc nhằm gia tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế, đồng thời nó cũng phản ánh những vấn đề mới mà Trung Quốc đang phải đối mặt trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế.

Trong giai đoạn đầu tiến hành cải cách mở cửa, do Trung Quốc còn thiếu vốn và công nghệ nên việc thúc đẩy đầu tư chủ yếu tập trung vào thu hút vốn và công nghệ từ nước ngoài vào Trung Quốc.

Bước sang thế kỷ XXI, Trung Quốc đã có bước nhảy vọt về chất cả về nguồn vốn và công nghệ, Trung Quốc đã trở thành nước xuất khẩu nguồn vốn. Trong bối cảnh đó, chính sách thu hút đầu tư quy mô lớn rõ ràng không phải là nhằm tận dụng nguồn vốn nước ngoài, mà là sử dụng các kế hoạch của nước ngoài để phát triển kinh tế Trung Quốc.

Tuy nhiên, nếu chỉ thu hút các công ty đa quốc gia đến Trung Quốc và tận dụng thị trường khổng lồ của Trung Quốc để đạt được tăng trưởng kinh tế, thì điều đó sẽ không mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Nếu câu chuyện về vấn đề thu hút đầu tư trong quá khứ bị lặp lại, sẽ rất khó để chuyển đổi và nâng tầm nền kinh tế Trung Quốc.

Những lợi thế so sánh độc nhất

Trung Quốc có đủ vốn, nhiều nhân tài, công nghệ tương đối trưởng thành, thứ duy nhất Trung Quốc thiếu là một nền tảng quy mô lớn để kết hợp các yếu tố sản xuất khác nhau, đó chính là một kế hoạch phát triển kinh tế quy mô lớn.

Trên thực tế, trong quá trình phát triển kinh tế, cả chính phủ và chính quyền địa phương Trung Quốc đều hy vọng đạt được sự phát triển kinh tế nhanh chóng bằng cách triển khai các dự án quy mô lớn.

Tuy nhiên, do cần có sự đầu tư với quy mô tương đối lớn vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng nên chu kỳ này kéo dài khá lâu. Vì vậy, đối với một số quan chức địa phương, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng không thể mang lại lợi ích kinh tế và chính trị ngắn hạn. Họ sẽ có tư duy là thà ra nước ngoài và mời chào các công ty đa quốc gia đến Trung Quốc thay vì trau dồi tốt nền tảng và thực hiện tốt công việc xây dựng cơ sở hạ tầng.

[Kinh tế Trung Quốc năm 2022 tăng trưởng ở mức thấp nhất kể từ năm 1976]

Nhiệm vụ chính kinh tế của Trung Quốc hiện nay là huy động toàn dân suy nghĩ, tìm ra những vấn đề tồn tại trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, tận dụng triệt để lợi thế về vốn, công nghệ và nhân tài của Trung Quốc để đẩy nhanh tốc độ xây dựng cơ sở hạ tầng.

Trung Quốc đã có những bước đột phá lớn, thực chất trong lĩnh vực công nghệ đường sắt đệm từ tốc độ cao, tốc độ di chuyển lên đến 600km/h có thể giúp nâng cao hiệu quả vận tải.

Nếu một mạng lưới đường sắt đệm từ tốc độ cao được xây dựng, kết nối các thủ phủ cấp tỉnh của Trung Quốc để giải phóng năng lực vận tải của hệ thống đường sắt hiện thời, thì nó không chỉ giải quyết vấn đề thiếu hụt phương tiện giao thông của Trung Quốc, mà quan trọng hơn, nó có thể thay đổi hoàn toàn mô hình lưu thông của thị trường nội địa Trung Quốc, giảm đáng kể chi phí vận tải và nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Ngành năng lượng điện cũng là ngành Trung Quốc có lợi thế. Hơn nửa thế kỷ tập trung đầu tư phát triển đã biến Trung Quốc trở thành quốc gia phát triển nhanh nhất trên thế giới trong ngành công nghiệp năng lượng điện.

Trong những năm gần đây, các công ty điện lực truyền thống của Trung Quốc đã đầu tư vào lĩnh vực năng lượng xanh theo sự triển khai của chính quyền trung ương và đã đạt được những lợi ích đáng kể. Các công ty điện lực có thể phát triển một thế hệ công nghệ điện mới dựa trên sự tích lũy các công nghệ hiện có, tạo nền tảng vững chắc cho nguồn dự trữ tài nguyên điện của Trung Quốc.

Nền kinh tế kỹ thuật số đang đi lên mạnh mẽ. Là quốc gia đông dân nhất thế giới và có nền sản xuất công nghiệp lớn, Trung Quốc có một lượng lớn dữ liệu tiêu dùng và dữ liệu công nghiệp.

Trung Quốc có thể thành lập một ủy ban phát triển kỹ thuật số để tích hợp dữ liệu công nghiệp do các bộ ngành nắm giữ và dữ liệu tiêu dùng của các doanh nghiệp thương mại điện tử, đồng thời tận dụng tối đa dữ liệu do chính phủ nắm giữ để xây dựng cơ sở dữ liệu lớn nhất thế giới; đẩy nhanh tốc độ phát triển nền kinh tế kỹ thuật số trên cơ sở đảm bảo an ninh dữ liệu.

Nếu Trung Quốc có thể tận dụng triệt để nguồn dữ liệu lớn của mình để phát triển các ngành công nghiệp mới nổi và tổ chức tốt hơn công tác quản trị, thì kinh tế và xã hội của Trung Quốc sẽ có thể có những thay đổi rất lớn.

Đầu tư ra nước ngoài

Nhờ các dự án quy mô lớn của các tập đoàn đa quốc gia, Trung Quốc có thể đạt được tăng trưởng kinh tế, tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong ngắn hạn, nhưng nó không mang lại nhiều lợi ích trong việc cải thiện đời sống người dân và đạt được sự phát triển kinh tế bền vững.

Lý do là GDP không giống Tổng sản phẩm quốc dân (GNP). GNP bao gồm cả tổng sản phẩm quốc nội và thu nhập từ đầu tư ra nước ngoài. GDP của các nước phát triển phương Tây tương đối cao, là kết quả của quá trình tích lũy lâu dài. Trong khi đó, mức sống của người dân tương đối cao là kết quả của việc tăng GNP.

Trung Quốc không nên chỉ quan tâm tới GDP mà còn cần tính tới GNP. Nếu các dự án đầu tư nước ngoài quy mô lớn được triển khai, lợi nhuận sẽ thuộc về các công ty lớn nước ngoài, điều này sẽ không giúp cải thiện mức sống của người dân trong nước.

Cách tiếp cận đúng đắn là trên cơ sở bảo vệ lợi ích đầu tư ra nước ngoài một cách hiệu quả, khuyến khích các công ty Trung Quốc tiến ra các thị trường nước ngoài nhiều hơn, tận dụng triệt để phân công lao động quốc tế để tăng thu nhập từ đầu tư ra nước ngoài. Vì chỉ có như vậy, chất lượng cuộc sống của người dân Trung Quốc mới không ngừng được nâng cao.

Trước đây, Trung Quốc chủ yếu dựa vào xuất khẩu lao động để tăng thu nhập, nhưng hiện nay Trung Quốc đã xuất khẩu dự án. Vì vậy, Trung Quốc không thể một mặt đầu tư ra nước ngoài, mặt khác lại hạ mình thu hút đầu tư ra nước ngoài với những điều kiện hết sức ưu đãi.

Các chính sách nên xem xét nghiêm túc vấn đề đầu tư ra nước ngoài và thành lập một số nhóm đầu tư quy mô lớn để đầu tư vào các dự án ở nước ngoài, qua đó giúp tăng lợi nhuận đầu tư ra nước ngoài và đảm bảo GNP Trung Quốc tăng trưởng nhanh.

Tận dụng hiệu quả các yếu tố sản xuất

Quản lý dự án và hoạch định chiến lược hiệu quả là những điều kiện cần thiết để tận dụng hiệu quả các yếu tố sản xuất nhằm đạt được tăng trưởng kinh tế. Hiện nay, Trung Quốc thiếu nhân tài quản lý dự án và hoạch định chiến lược.

Khi đối mặt với tình trạng dư thừa các yếu tố sản xuất trong nước, một số cán bộ địa phương thiếu năng lực tổ chức và hoạch định chiến lược. Vì vậy, họ hướng ra bên ngoài, cố gắng nâng tốc độ phát triển kinh tế bằng cách thu hút đầu tư. Lối suy nghĩ “bụt chùa nhà không thiêng” này cần được thay đổi, và nên tìm cách tận dụng lượng lớn vốn dư thừa trong nước để đẩy nhanh tốc độ phát triển của doanh nghiệp tư nhân.

Trên cơ sở tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh chính của mình, các doanh nghiệp nhà nước nên chủ động khám phá lĩnh vực kinh tế kỹ thuật số từ quan điểm chiến lược, đóng vai trò là người tiên phong tốt cho sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc.

Trung Quốc đã tích lũy được số lượng quyền sở hữu trí tuệ phong phú trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ. Doanh nghiệp nhà nước cần nắm bắt cơ hội để thương mại hóa công nghệ vũ trụ, cố gắng phát triển các sản phẩm chất lượng cao để không ngừng đáp ứng nhu cầu vật chất ngày càng tăng của người dân.

Quản lý dự án và hoạch định chiến lược có liên quan đến sự sống còn của một doanh nghiệp, cũng như tương lai và vận mệnh của một quốc gia. Nếu thiếu năng lực hoạch định chiến lược khoa học thì sẽ dễ dẫn đến ôm đồm, bừa bãi trong quá trình phát triển kinh tế.

Tăng trưởng kinh tế càng khó khăn, căng thẳng thì càng phải bình tĩnh. Nếu thu hút đầu tư nước ngoài theo kiểu tâm lý đám đông mà không có sự lựa chọn thì rất có thể sẽ xảy ra những phản ứng ngược.

Không loại trừ rằng một số quan chức chính quyền địa phương nhân cơ hội này để đi thăm quan danh lam thắng cảnh, cũng không thể bỏ qua việc một số quan chức chính quyền địa phương đã đưa ra một số dự án không phù hợp với sự phát triển lâu dài của nền kinh tế địa phương để theo đuổi những lợi ích chính trị ngắn hạn. Xúc tiến đầu tư cần dựa trên lợi ích dài hạn, nhất định không thể chấp nhận những đòi hỏi phi lý của nhà đầu tư nước ngoài vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế trước mắt.

Thu hút đầu tư dựa trên cơ sở cùng có lợi và đôi bên cùng thắng, có lợi cho quá trình chuyển đổi của nền kinh tế Trung Quốc và sự phát triển bền vững. Thu hút đầu tư không thể là một dự án phù phiếm. Không thể hy sinh môi trường thị trường cạnh tranh công bằng ở địa phương để thu hút các dự án quy mô lớn.

Tránh cách tiếp cận “bình mới rượu cũ”

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc không thể đạt được với cách tiếp cận “bình mới rượu cũ.” Trước áp lực tăng trưởng kinh tế, một số chính quyền địa phương và cơ quan tài chính đã ban hành các chính sách để đẩy nhanh tốc độ phát triển bất động sản.

Từ góc độ đô thị hóa, ngành bất động sản Trung Quốc vẫn còn dư địa phát triển. Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ mâu thuẫn cung cầu trên thị trường, hiện tượng cung vượt cầu bất động sản tại nhiều đô thị Trung Quốc đang rất phổ biến.

Nhiệm vụ cấp bách lúc này là hấp thụ nhà ở dư thừa, tận dụng các khu nhà ở thương mại đã trở thành những khu rừng bê tông, hồi sinh nguồn vốn và đưa vào tái sản xuất thay vì nới lỏng tiền tệ để giúp các công ty bất động sản giải quyết nợ nần.
Nếu tiếp tục dựa vào ngành bất động sản để kích thích tăng trưởng kinh tế thì ngoài việc gây ra lạm phát, nó sẽ không mang lại kết quả nào khác.

Để giải quyết những vấn đề tồn tại trong quá trình phát triển kinh tế, Trung Quốc cần tránh lặp lại những sai lầm tương tự. Phát triển ngành bất động sản cần có kế hoạch dài hạn, một mặt vừa thay đổi cơ cấu phân bổ của thị trường bất động sản và thiết lập cơ chế phát triển bất động sản công bằng, hợp lý; mặt khác cần hoàn toàn loại bỏ nạn tham nhũng trong ngành bất động sản, giải quyết vấn đề người dân và chính quyền địa phương cạnh tranh vì lợi nhuận thì ngành bất động sản Trung Quốc mới có thể phát triển một cách lành mạnh.

Là một nước đang phát triển, Trung Quốc rõ ràng có “lợi thế của người đi sau.” Việc phát triển kinh tế và đô thị hóa cần học hỏi kinh nghiệm và bài học của các nền kinh tế thị trường phát triển phương Tây, tránh đi vào vết xe đổ. Quá trình phát triển đô thị của Trung Quốc nên tránh sự xuất hiện của những “khu ổ chuột” rộng lớn. Mô hình đô thị hiện đại kiểu Trung Quốc nên được hình thành trên cơ sở quy hoạch hợp lý.

Trong tương lai gần, Trung Quốc có thể sẽ bắt đầu cải cách chế độ hành chính. Ngoài việc điều chỉnh các thể chế chính phủ, trọng tâm của việc cải cách sẽ là cắt giảm cấp chính quyền. Việc điều chỉnh các đơn vị hành chính đòi hỏi việc xây dựng một số thành phố hiện đại mới.

Cấu trúc mạng lưới đường sắt cao tốc đệm từ và mạng lưới hàng không dân dụng, đường bộ được xây dựng phù hợp với việc điều chỉnh các đơn vị hành chính và bố cục đô thị của Trung Quốc. Trung Quốc cần có một kế hoạch chi tiết cho việc này và đảm bảo tuyệt đối không có hiện tượng tự tung tự tác, mạnh ai nấy làm.

Điều Trung Quốc thiếu không phải là dự án, mà là kế hoạch. Chỉ bằng cách kết hợp các yếu tố sản xuất với tầm nhìn sáng suốt, nền kinh tế Trung Quốc mới có thể phát triển nhanh chóng. Ưu hàng đầu của chính phủ là lấy người dân làm trung tâm, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh, phát triển các dự án công nghiệp mới để phát triển kinh tế bền vững.

Chính phủ nên ban hành những chính sách đặc biệt để xử lý hiện tượng "ham thành công sớm, ham lợi ích tức thời" ở nhiều địa phương Trung Quốc, một mặt yêu cầu chính quyền các địa phương đẩy nhanh tốc độ xây dựng kinh tế, nhưng mặt khác mặt khác nhắc nhở chính quyền các địa phương phải tính đến các vấn đề phát triển dài hạn trong quá trình thu hút đầu tư, không được mở rộng quy mô thu hút đầu tư bằng những dự án không đáp ứng được nhu cầu của thị trường Trung Quốc khiến con đường phát triển kinh tế của Trung Quốc gặp phải những khúc quanh mới.

Các sở khoa học, giáo dục, văn hóa, y tế và các sở khác nên tổ chức các hội nghị liên ngành để thảo luận toàn diện với các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế về các vấn đề nảy sinh trong phát triển kinh tế của Trung Quốc và tìm ra hướng đầu tư cho Trung Quốc trên cơ sở phát huy đầy đủ đến lợi thế so sánh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục