Hiệu quả rõ rệt từ dự án bảo vệ môi trường cấp tỉnh

Sau gần 4 năm triển khai dự án “Quản lý nhà nước cấp tỉnh,” đến nay, nhiều điểm nóng ô nhiễm môi trường đã từng bước được cải thiện.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau gần 4 năm triển khai dự án “Quản lý nhà nước cấp tỉnh,” do Chính phủ Canada tài trợ, đến nay, những vấn đề nóng về ô nhiễm môi trường tại nhiều khu công nghiệp, làng nghề trên cả nước đã từng bước được cải thiện thông qua các mô hình xanh hóa, sản xuất sạch hơn.

Chỉ tính trong giai đoạn 2011- 2013, dự án đã giúp các doanh nghiệp tham gia tiết kiệm được 29,7 tỷ đồng nhờ giảm tiêu thụ nguyên nhiên liệu, điện, nước và hóa chất. Cụ thể, giảm 73.247 m3 nước thải; 1.116 tấn rác thải rắn; 22,8 tấn rác thải hóa chất; 8.257 tấn CO2; và 74.025 kg bụi.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị tổng kết dự án Quản lý nhà nước về môi trường cấp tỉnh tại Việt Nam (VPEG), do Bộ Tài nguyên và Môi trường phố hợp với Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế (CIDA) tổ chức chiều nay (13/6) tại Hà Nội.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến cho biết, trong những năm qua, thực hiện nghiêm chỉnh bản ghi nhớ của đại diện hai chính phủ, Tổng cục Môi trường cùng các Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Dương, Sóc Trăng, Long An đã triển khai nhiều hoạt  động nâng cao năng lực quản lý nhà nước về môi trường.

Đặc biệt là quản lý ô nhiễm công nghiệp thể hiện qua việc xây dựng các văn bản pháp luật; các kế hoạch quản lý ô nhiễm; các quy chế phối hợp các sở, ngành trong quản lý ô nhiễm công nghiệp; nâng cao năng lực quan trắc môi trường; xây dựng hệ thống thông tin tư liệu về môi trường, tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường...

Theo ông Lê Kế Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), dự án “Quản lý nhà nước cấp tỉnh” là một bước tiến quan trọng, giúp người dân các địa phương có trách nhiệm bảo vệ môi trường, từng bước đẩy lùi tình trạng ô nhiễm đồng thời phát triển kinh tế theo các mô hình xanh hóa, sản xuất sạch.

“Đến nay, sau gần 4 năm triển khai, kết quả các hoạt động đã và đang có những đóng góp trong việc hoàn thiện các chính sách về bảo vệ môi trường và nâng cao năng lực quản lý nhà nước ở cấp trung ương và địa phương đồng thời tạo nên những chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ môi trường,” ông Sơn đánh giá.

Cũng theo ông Sơn, dự án VPEG nhận thức rõ tầm quan trọng của sở tài nguyên và môi trường trong công tác phòng ngừa ô nhiễm môi trường và đã hỗ trợ kỹ thuật để xây dựng năng lực đánh giá sản xuất sạch hơn cho cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường.

Nhìn nhận ở góc độ địa phương, ông Hà Minh Họa, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Bắc Ninh cho biết, qua gần 4 năm triển khai dự án tại địa phương với nguồn tài trợ 2,7 tỷ đồng để đầu tư kỹ thuật, nâng cao nhận thức cộng đồng, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp, làng nghề đã từng bước được cải thiện.

"Thực tế, thông qua mô hình quản lý môi trường làng nghề dựa vào cộng đồng, Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Ninh đã xây dựng được một công cụ để cải tiến công tác quản lý tại các địa phương theo cách thay đổi từ trên xuống sang từ dưới lên. Đây là yếu tố quyết định thành công của dự án xanh hóa, sản xuất sạch này," ông Họa hồ hởi nói.

Ở phương diện nhà tài trợ, bà Deborah Chatsis cho biết, VPEG đã đánh dấu 40 năm quan hệ giữa hai nước một cách đặc biệt đồng thời hoàn thiện nỗ lực trong 18 năm của Việt Nam- Canada về quản lý ô nhiễm công nghiệp, bảo vệ môi trường.

"Thời gian qua, dự án đã thực hiện nhiều hoạt động tích cực góp phần giảm tình trạng ô nhiễm và xanh hóa các mô hình. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế đang khó khăn, Việt Nam cần xây dựng chính sách, phát triển các chương trình bảo vệ môi trường. Đặc biệt, thời gian tới cần thúc đẩy hơn nữa việc xây dựng các chính sách cùng có lợi cho nhà nước, doanh nghiệp và người dân, để vấn nạn ô nhiễm môi trường sớm được xóa bỏ," bà Deborah Chatsis khuyến nghị./.


Dự án Quản lý nhà nước về môi trường cấp tỉnh tại Việt Nam được thực hiện từ năm 2009 đến năm 2013 tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước (Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Dương, Sóc Trăng, Long An) với tổng số vốn 15 triệu CAD (đô la Canada) của Chính phủ Canada và 3 triệu CAD đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
 

Hùng Võ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục