Hiệu quả của vắcxin và câu hỏi trước các biến thể COVID-19

Vắcxin AstraZeneca gặp nhiều trở ngại trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất đại trà, xói mòn phần nào những hy vọng về vai trò toàn cầu của loại vắcxin này trong cuộc chiến chống COVID-19.
Hiệu quả của vắcxin và câu hỏi trước các biến thể COVID-19 ảnh 1Vắcxin ngừa COVID-19 do hãng dược phẩm AstraZeneca của Anh phối hợp với Đại học Oxford phát triển. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo trang mạng decanherald.com/cbc.ca/wsj.com, vắcxin AstraZeneca do Đại học Oxford và hãng dược phẩm Anh-Thụy Điển cùng phát triển đã gặp phải nhiều trở ngại trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất đại trà, xói mòn phần nào những hy vọng về vai trò toàn cầu của loại vắcxin này trong cuộc chiến nhằm chấm dứt đại dịch COVID-19.

Hoài nghi càng gia tăng sau khi Nam Phi tuyên bố tạm hoãn kế hoạch tiêm vắcxin hôm 7/2, sau các nghiên cứu cho thấy vắcxin AstraZeneca không mấy hiệu quả với các biến thể COVID-19 tại quốc gia châu Phi này.

Vắcxin AstraZeneca cũng đứng trước dấu hỏi về hiệu quả với người được tiêm ở độ tuổi trên 65, khi một số quốc gia châu Âu giới hạn độ tuổi tiêm chủng vắcxin trong nhóm người trưởng thành có độ tuổi thấp hơn, dù cơ quan y tế Liên minh châu Âu (EU) công bố cấp phép việc tiêm vắcxin AstraZeneca cho mọi độ tuổi.

Cuối tháng 1. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thậm chí còn đưa ra thông điệp gây hoang mang khi cho rằng vắcxin này chỉ “có hiệu quả ở chừng mực nào đó với người trên 65 tuổi.”

Nhiều nước nghèo trên thế giới đang trông chờ vào các lợi thế về kho vận của vắcxin do AstraZeneca sản xuất, vốn không cần lưu trữ trong nhiệt độ đặc biệt thấp.

[WHO cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với vắcxin của AstraZeneca]

Tại Anh, nơi hơn 12 triệu mũi tiêm đã được thực hiện theo chương trình vắcxin lớn nhất cả nước, giới chức đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến tiêm chủng loại vắcxin của AstraZeneca và của Pzifer-BioNTech.

Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 7/2 đã lên tiếng trấn an hàng triệu công dân Anh đã tiêm vắcxin khẳng định với báo giới rằng các quan chức Anh tin tưởng cả 2 loại vắcxin của AstraZeneca và Pzifer-BioNTech đều “hiệu quả trong việc chống lại các dịch bệnh nghiêm trọng và nguy cơ tử vong từ tất cả các biến thể (của virus gây COVID-19).”

Đại học Witwatersrand, Johannesburg, nơi tiến hành thử nghiệm cho thấy vắcxin của AstraZeneca không hiệu quả với biến thể Nam Phi B1351.

Theo cbc.ca, đồng Chủ tịch Ủy ban Cố vấn Bộ trưởng Nam Phi Salim Abdool Karim, Nam Phi sẽ triển khai vắcxin của Johnson&Johnson thay thế nguồn cung từ AstraZeneca, vì vậy những diễn biến mới sẽ không tác động nhiều đến tốc độ chương trình vắcxin tại quốc gia này.

Ông khẳng định vắcxin của AstraZeneca cũng sẽ vẫn được tiếp tục triển khai trong tương lai theo từng bước để đánh giá hiệu quả.

Andrew Pollard, nhà điều tra hàng đầu trong chương trình thử nghiệm vắcxin của Oxford, nhận định: “Nghiên cứu cho thấy dịch COVID-19 luôn tìm được cách để lây nhiễm ngay cả trong các cộng đồng đã được tiêm chủng, và đây là điều đã được dự tính trước…. Tuy nhiên, với những kết quả hứa hẹn từ các nghiên cứu khác ở Nam Phi, sử dụng cùng loại vector virus, vắcxin vẫn có thể hiệu quả trong việc giảm gánh nặng cho hệ thống y tế bằng cách ngăn chặn một số dịch bệnh nghiêm trọng.”

Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với vắcxin của AstraZeneca, nhấn mạnh loại v giúp bảo vệ người được tiêm chủng trước “hầu hết các biến thể” của virus. Giới chức Đức và Astralia cũng có những thông báo mang tính trấn an dư luận.

Tiến sỹ Katherine O'Brien - bác sĩ chuyên về bệnh truyền nhiễm trẻ em và là nhà dịch tễ học của WHO tại Geneva - trao đổi với báo giới rằng điều quan trọng là phải xem xét những bằng chứng khi biến thể mới xuất hiện.

Tiến sỹ O'Brien nói: “Chúng tôi đang vẽ phác thảo bức tranh theo từng phần và từng mảnh nhỏ… Việc tổng hợp tất cả các bằng chứng này giúp chúng ta có thể hình dung con đường rõ ràng về cách mà chúng ta có thể sử dụng vắcxin một cách hiệu quả nhất.”

Alyson Kelvin, nhà virus học, làm việc tại Trung tâm vắcxin Canada ở Halifax, nhấn mạnh mục tiêu của việc tiêm chủng và các biện pháp y tế công cộng là ngăn chặn sự lây truyền của loại virus, và hạn chế cơ hội để hình thành các biến thể mới.

Theo Kelvin, vắcxin mRNA của Moderna có quy trình sản xuất khoảng 90 ngày và hy vọng trong mốc thời gian tương tự người ta cũng có thể định dạng lại vắcxin mRNA cho các biến thể mới.

Biến thể B1351, còn được gọi là 20I / 501Y.V2, đang phổ biến ở Nam Phi và đã xuất hiện ở ít nhất 40 quốc gia khác, trong đó có cả Canada và Mỹ. Các biến thể khác bao gồm một biến thể đầu tiên được tìm thấy ở Anh, được gọi là 20I / 501Y.V1 hoặc B117, và một được tìm thấy ở Brazil được gọi là P.1.

Giáo sư ngành tiêm chủng học Sarah Gilbert, Đại học Oxford, cho biết các chuyên gia đang nỗ lực phát triển một thế hệ vắcxin có lộ trình tiêm nhắc lại cho phép cơ thể người có được sự bảo vệ chống lại các biến thể mới.

Bà nhấn mạnh: "Đây cũng là vấn đề mà tất cả các nhà phát triển vắcxin phải đối mặt và chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi sự xuất hiện của các biến thể mới để sẵn sàng cho một sự thay đổi vắcxin trong tương lai”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục