Hiểu hơn về chữ quốc ngữ qua công trình nghiên cứu từng được in tại Pháp

Cuốn sách “Lịch sử chữ quốc ngữ 1615-1919” của Tiến sỹ Phạm Thị Kiều Ly đưa người đọc trở về buổi bình minh của ngôn ngữ tiếng Việt.

Cuốn sách được phát hành nhân kỷ niệm 400 năm (1624-2024) giáo sỹ Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes), đặt chân đến Hội An (Đàng Trong). Ông được xem là người có công lớn trong việc phổ biến chữ quốc ngữ. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Cuốn sách được phát hành nhân kỷ niệm 400 năm (1624-2024) giáo sỹ Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes), đặt chân đến Hội An (Đàng Trong). Ông được xem là người có công lớn trong việc phổ biến chữ quốc ngữ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cuốn sách “Lịch sử chữ quốc ngữ 1615-1919” của Tiến sỹ Phạm Thị Kiều Ly vừa được Nhà xuất bản Văn học và Công ty Omega Plus phát hành.

Sách chia thành 6 chương: Quá trình mô tả các ngôn ngữ trên thế giới; Phiên âm tiếng Đàng Trong bằng chữ Latin (1615-1631); Phiên âm tiếng Đàng Ngoài bằng chữ Latinh; Hệ thống nguyên âm trong Dictionarium (Từ điển) của de Rhodes (1651) và chuẩn hóa chính tả; Chữ quốc ngữ thời kỳ Hội Thừa sai Paris (1658-1858); Chữ quốc ngữ thời thuộc địa.

Cuốn sách khảo cứu trong khung thời gian trải dài hơn 300 năm, từ năm 1615 - thời điểm các giáo sỹ dòng Tên tới truyền giáo ở Đàng Trong và kết thúc vào năm 1919 - năm cuối cùng của khoa thi Hội tổ chức ở kinh đô Huế. Đây cũng là năm đánh dấu chữ quốc ngữ được đón nhận và sử dụng rộng rãi bởi mọi thành phần người Việt cho đến ngày nay.

Đây được đánh giá là công trình nghiên cứu quy mô về lịch sử hình thành và phát triển của chữ quốc ngữ, góp thêm kênh tham khảo quý giá cho bất cứ bạn đọc nào muốn hiểu hơn về cội nguồn chữ viết mà mọi người Việt Nam đang dùng trong đời sống hàng ngày.

kieuly.jpg
Tiến sỹ Phạm Thị Kiều Ly đã xuất bản công trình nghiên cứu về chữ quốc ngữ của mình tại Pháp. (Ảnh: NVCC)

Tác phẩm được phát triển từ chính luận án tiến sỹ của tác giả Phạm Thị Kiều Ly, bảo vệ năm 2018 tại Đại học Sorbonne Nouvelle (Cộng hòa Pháp) và được trao giải thưởng luận án xuất sắc năm 2020 của GIS Asie (Nhóm nghiên cứu khoa học về châu Á).

Sau khi bảo vệ luận án, tác giả đã tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung luận án và được Nhà xuất bản Les Indes Savantes in ở Pháp năm 2022 dưới tựa đề “Histoire de l’écriture romanisée du Vietnamien 1615-1919” (Lịch sử chữ quốc ngữ 1615-1919).

Với bản in bằng tiếng Việt lần này, tác giả cho hay chị không chỉ vinh dự và hạnh phúc, mà còn bồi hồi, xúc động.

“Cho dù có nói và viết tiếng Pháp tốt đến đâu, việc được đọc công trình của mình bằng tiếng mẹ đẻ vẫn khiến tôi rất cảm động. Cuốn sách này trước tiên là dành cho người Việt, bởi nó viết về lịch sử chữ viết mà chúng ta tuy vẫn dùng hàng ngày nhưng lại ít khi đặt câu hỏi về nguồn gốc của nó," Tiến sỹ Phạm Thị Kiều Ly bày tỏ.

Giáo sư Dan Savatovsky, Đại học Sorbonne Nouvelle, Viện Nghiên cứu Lịch sử các lý thuyết ngôn ngữ đánh giá cuốn sách không chỉ tập trung vào lịch sử ngôn ngữ mà còn đề cập đến các liên kết mà lịch sử nội tại của Việt ngữ gắn với lịch sử chính trị và văn hóa của đất nước.

“Tác phẩm còn cho thấy mối quan tâm sâu sắc của tác giả đối với lịch sử âm vị học của tiếng Việt. Và ở đây, bên cạnh những phẩm chất của một nhà sử học nghiên cứu ngôn ngữ, Phạm Thị Kiều Ly cũng chứng tỏ những phẩm chất không thể phủ nhận của một nhà ngôn ngữ học,” ông nhận xét.

100-cau-hoi-ve-lich-su-chu-quoc-ngu.jpg
Cuốn sách sắp ra mắt có cách tiếp cận về chữ quốc ngữ dưới dạng hỏi đáp. (Ảnh: Omega Plus)

Nhà nghiên cứu ngôn ngữ Nguyễn Quang Diệu thì nhận định: “Công trình ‘Lịch sử chữ quốc ngữ 1615-1919’ của tác giả Kiều Ly mang đến cho độc giả nhiều thông tin mới và hữu ích, trong đó có giải đáp những câu hỏi về Hội Thừa sai Paris được khai sinh năm 1658, sự tồn tại song song (cùng dòng Tên) đóng góp, thúc đẩy như thế nào trong tiến trình phát triển lịch sử chữ quốc ngữ…”

Trong tháng Bảy, nhà nghiên cứu Phạm Thị Kiều Ly cũng ra mắt tác phẩm “100 câu hỏi về lịch sử chữ quốc ngữ” như một cách tiếp cận về chữ quốc ngữ dưới dạng hỏi đáp./.

Tiến sỹ Phạm Thị Kiều Ly là giảng viên Trường Khoa học liên ngành và nghệ thuật - Đại học Quốc gia Hà Nội; thành viên Viện Nghiên cứu lịch sử các lý thuyết ngôn ngữ - Trung tâm Nghiên cứu khoa học Quốc gia Pháp.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục