Hiệp ước Schengen sẽ sụp đổ nếu Thổ Nhĩ Kỳ không "chặn" người di cư

EU đã bày tỏ quan ngại rằng hiệp ước Schengen, cho phép đi lại tự do trong khối, có thể sẽ sụp đổ nếu Thổ Nhĩ Kỳ không có biện pháp cắt giảm số người di cư vào châu Âu.
Hiệp ước Schengen sẽ sụp đổ nếu Thổ Nhĩ Kỳ không "chặn" người di cư ảnh 1Người tị nạn và di cư đợi kiểm tra an ninh sau khi vượt qua Macedonia tới Serbia để xin tị nạn tại các nước châu Âu khác. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tại cuộc họp Bộ trưởng Nội vụ và Nhập cư các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) hôm 25/2 ở Brussels (Bỉ), các bộ trưởng đã nhất trí áp dụng kiểm soát chặt chẽ biên giới bên ngoài đối với tất cả những người nhập cảnh vào EU.

Công dân châu Âu cũng sẽ được kiểm tra đồng bộ và điều này sẽ khiến thời gian chờ đợi tại sân bay dài hơn. Đây là biện pháp mà Pháp và Bỉ đặc biệt yêu cầu nhằm ngăn chặn các chiến binh trở về từ Syria.

Từ lâu, châu Âu đã áp dụng hệ thống “biên giới thông minh”, cho phép sử dụng công nghệ tiên tiến nhằm cải thiện việc kiểm soát. Đặc biệt, kể từ sau vụ khủng bố ở Paris hồi tháng 11/2015, việc kiểm soát biên giới được tăng cường và các quốc gia thành viên đã đề nghị Ủy ban châu Âu (EC) chuẩn bị văn bản pháp lý cho phép tiến hành kiểm soát toàn bộ công dân.

Theo Bộ trưởng về Nhập cư và Tị nạn Bỉ, Theo Francken, với việc áp dụng kiểm soát, thời gian chờ đợi tại sân bay sẽ tăng lên nhiều. Các quốc gia không muốn mất nhiều thời gian kiểm soát tại sân bay có thể áp dụng việc kiểm soát mang tính mục tiêu hơn là kiểm soát theo hệ thống. Bộ trưởng Francken cho biết thỏa thuận với Nghị viện châu Âu (EP) có thể đạt được trước cuối năm nay.

Sau thời hạn chuyển giao sáu tháng, việc kiểm soát có thể được bắt đầu từ giữa năm 2017.

Ngoài ra, tại cuộc họp này, các Bộ trưởng EU tiếp tục gặp gỡ với phía Thổ Nhĩ Kỳ để đánh giá về những nỗ lực của Ankara nhằm hạn chế làn sóng người nhập cư tràn vào châu Âu, trước khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh EU-Thổ Nhĩ kỳ vào ngày 7/3 ở Brussels.

Trước thềm hội nghị này, EU đã bày tỏ quan ngại rằng hiệp ước Schengen cho phép đi lại tự do trong khối có thể sẽ sụp đổ nếu Thổ Nhĩ Kỳ không có biện pháp cắt giảm số người di cư vào châu Âu thông qua “cửa ngõ” Hy Lạp.

Trong một diễn biến có liên quan, giới chức Đức ngày 25/2 thông báo hiện có trên 130.000 người tị nạn “biến mất” và các trường hợp này chưa bao giờ tới các cơ sở tiếp nhận tị nạn được phân bổ.

Theo số liệu của Bộ Nội vụ liên bang Đức, khoảng 13% số người đã đăng ký tị nạn trong năm 2015 không tới các cơ sở tị nạn được phân bổ. Như vậy, trong số 1,1 triệu người tị nạn đăng ký lần đầu tiên qua hệ thống đăng ký tị nạn Easy, có trên 130.000 người không ở các cơ sở tị nạn mà họ được phân.

Giới chức Đức cho rằng có thể các trường hợp này đã tiếp tục hành trình tới một nước khác để xin tị nạn. Số liệu này đặt ra những thách thức cho giới chức Đức trong việc đăng ký, quản lý và phân bổ người tị nạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục