Trước hành động quả cảm và tử nạn trong khi bắt cướp của hai hiệp sỹ Tân Bình (Thành phố Hồ Chí Minh) Nguyễn Hoàng Nam (29 tuổi, sống tại Gò Vấp) và Nguyễn Văn Thôi (42 tuổi, quê Bình Định), nhiều ý kiến cho rằng họ xứng đáng được tôn vinh, truy tặng danh hiệu liệt sỹ.
Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã trao đổi với ông Nguyễn Duy Kiên, Phó Cục trưởng Cục Người có công (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) để làm rõ các quy định của luật pháp liên quan đến nội dung này.
Phó Cục trưởng Cục người có công Nguyễn Duy Kiên nhận định hiện Việt Nam có phong trào toàn dân phòng, chống tội phạm, việc động viên khuyến khích người dân tích cực tham gia phong trào này là cần thiết nhằm mang lại bình yên cho xã hội.
Có thể có những ý kiến trái chiều về việc nên hay không nên liều mình bắt cướp, nhưng xã hội rất cần những người xả thân vì lẽ phải. Vì vậy, không phải bỗng dưng họ được gọi là "hiệp sỹ."
Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và Nghị định 31/2013/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng đã quy định rõ người hy sinh thuộc một trong các trường hợp được xem xét, xác nhận là liệt sỹ là trực tiếp tham gia đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi nguy hiểm cho xã hội thuộc các tội được quy định trong Bộ luật Hình sự; dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng và an ninh; dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân...
[Công an TP.HCM thông tin về quá trình truy bắt 2 nghi can đâm hiệp sỹ]
Quy định đã đầy đủ, còn thực hiện là do cơ quan lập hồ sơ trình; trên cơ sở hồ sơ, các cơ quan chức năng sẽ xem xét. Hai trường hợp như báo chí phản ánh là đủ điều kiện công nhận. Đây là những hành động xứng đáng được tôn vinh, truy tặng danh hiệu liệt sỹ.
Ủy ban Nhân dân thành phố nơi xảy ra vụ việc phải là nơi đề nghị truy tặng danh hiệu liệt sỹ cho các cá nhân trên, ông Nguyễn Duy Kiên khẳng định
Theo ông Nguyễn Duy Kiên, trước đây những trường hợp được công nhận liệt sỹ là những người trực tiếp chiến đấu trong thời chiến. Sau này, cùng với sự phát triển của xã hội, có nhiều trường hợp được tôn vinh, cụ thể như dũng cảm cứu cứu người, cứu tài sản nhân dân trong chữa cháy...
Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và Nghị định 31 cũng có các quy định về các trường hợp xác nhận là thương binh, liệt sỹ trong thời bình, không nhất thiết phải trong chiến đấu; điển hình như trong diễn tập có tính nguy hiểm cao.
Thực tế, Cục Người có công, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ nhiều trường hợp dũng cảm hy sinh, cứu người trong thời bình; trong đó đa phần là công an, bộ đội, chiến sỹ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ; cũng có một số vụ việc người dân hy sinh khi cứu người được phong tặng liệt sỹ; đây không phải trường hợp đầu tiên./.