Hiệp sĩ giải cứu loài “sách đỏ” ở Vườn Quốc gia Cúc Phương

Chiều cuối năm, khi người người đang háo hức về nhà sum họp bên mâm cơm gia đình, thì "hiệp sĩ tê tê" Nguyễn Quang Phương vẫn phải ở lại giữa núi rừng để chăm sóc cho loài “sách đỏ” của đất nước.
Hiệp sĩ giải cứu loài “sách đỏ” ở Vườn Quốc gia Cúc Phương ảnh 1Anh Trần Quang Phương (áo đen) trong một lần đi tái thả tê tê về rừng tự nhiên. (Nguồn: CPCP)

Khi những vòng quay cuối cùng của chiếc kim đồng hồ báo hiệu thời khắc chuyển giao năm mới, ai ai cũng háo hức về nhà sum họp bên mâm cơm gia đình, gửi lời chúc đón mừng Xuân sang, thì vẫn có những người phải ở lại giữa núi rừng để chăm sóc cho hàng trăm cá thể tê tê - loài “sách đỏ” của đất nước.

Một trong số đó là Trần Quang Phương, quản lý Chương trình bảo tồn thú ăn thịt và tê tê (một chương trình hợp tác giữa Vườn Quốc gia Cúc Phương và Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn động vật hoang dã), nhằm bảo tồn các loài động vật hoang dã quý hiếm khỏi nguy cơ bị tuyệt chủng.


Vững lòng ngày cuối năm

Chiều Đông, những luồng gió se sắt của núi rừng thổi mạnh vào ngôi nhà nhỏ nằm lọt thỏm giữa Vườn Quốc gia Cúc Phương thêm phần buốt giá, những vạt cây thay nhau gầm rú như “hăm dọa” những con người nhỏ bé ở giữa núi rừng. Ấy nhưng, vượt qua tất cả, những cán bộ bảo tồn vẫn vững chí chăm sóc cho “đàn con” của rừng.

Khi chúng tôi đến, anh Trần Quang Phương đang cùng các nhân viên khác dọn dẹp “nhà” cho những cá thể tê tê đang được chăm sóc tại đây. Mặc dù công việc đơn giản, nhưng lại cần sự khéo léo như khe khẽ để “lũ con” yên giấc ngủ ngày.

Sau khi xong việc, anh bước ra khỏi “ngôi nhà” nhỏ, hồ hởi tiếp đón chúng tôi bằng ngôn ngữ tiếng Anh lưu loát như tiếng mẹ đẻ, rồi dẫn đoàn đi khám phá “biệt phủ” của hàng trăm cá thể tê tê đang được chăm sóc tại đây. Chờ đến lúc mọi người đang mê mẩn với loài “sách đỏ,” tôi kéo anh Phương lại làm quen.

Trong câu chuyện với tôi, anh Phương bảo, anh dành tình yêu cho động vật hoang dã từ hồi còn rất nhỏ. Cũng vì tình yêu ấy, chàng trai quê Ninh Bình đã nuôi ước mơ lớn lên trở thành một cán bộ kiểm lâm, làm công tác bảo tồn các loài thú quý, hiếm khỏi các hành vi săn bắn, đưa thú ra khỏi rừng.

Quyết tâm theo đuổi, cuối cùng ước mơ của anh cũng thành hiện thực và sau đó vào làm việc tại Vườn quốc gia Cúc Phương. Tuy nhiên, đến năm 2005, anh mới chính thức được cấp trên phân công quản lý Chương trình cứu hộ thú ăn thịt nhỏ từ năm, khi những cá thể tê tê đầu tiên được cứu hộ tại Việt Nam.

“Thật sự mà nói là, tê tê-nó cũng như những người bạn, người con của mình, đặc biệt là những cá thể do chính tôi nuôi bộ, từ ngày chúng còn mới lọt lòng. Hơn nữa, chúng cũng là những cá thể sống, một phần của đa dạng sinh học, của thiên nhiên, cần được sống và bảo vệ,” anh Phương trải lòng.

Thông thường, một ngày làm việc của anh Phương bắt đầu từ lúc 7 giờ sáng và kết thúc vào lúc đêm khuya, bởi đặc thù của loài tê tê chủ yếu hoạt động về đêm.

“Công việc của bọn mình thường ngày là dọn dẹp chuồng vào ban ngày và cho tê tê ra ngoài ăn vào ban đêm. Trong quá trình ăn đêm, mình phải theo dõi sát sao xem tê tê có ăn hay không, nếu bỏ ăn thì phải kiểm tra sức khỏe ngay để còn cứu chữa,” anh Phương chia sẻ thêm.

Hiệp sĩ giải cứu tê tê cũng cho biết, sau hơn 15 năm gắn bó với công việc chăm sóc tê tê, đến nay, hàng trăm cá thể tê tê có tên trong “sách đỏ” (như tê tê Java và tê tê vàng - hai loài tê tê quý, hiếm của Việt Nam) đã được anh cứu sống, đưa về Vườn quốc gia Cúc Phương chăm sóc, phục hồi sức khỏe rồi tái thả chúng về tự nhiên.

Chỉ tính riêng trong năm 2015, hơn 200 cá thể tê tê đã được cứu hộ, chăm sóc ở Chương trình bảo tồn thú ăn thịt và tê tê (Vuờn quốc gia Cúc Phương). Và cũng trong năm qua, nhờ sự chăm sóc của anh Phương và các nhân viên tại đây, hơn 60 cá thể tê tê đã được thả về với môi trường tự nhiên.

Hiệp sĩ giải cứu loài “sách đỏ” ở Vườn Quốc gia Cúc Phương ảnh 2Tê tê đang được chăm sóc tại Vườn quốc gia Cúc Phương. (Ảnh: CPCP cung cấp)

Đảm bảo tương lai cho loài “sách đỏ”

Mặc dù đã có công lớn trong việc cứu hộ hàng trăm cá thể tê tê thoát khỏi các vụ buôn bán động vật bất hợp pháp trên cả nước, đưa về chăm sóc tại “ngôi nhà tê tê” ở Vườn Quốc gia Cúc Phương, song anh Trần Quang Phương vẫn luôn trăn trở vì đâu đó trên đất nước, thi thoảng vẫn còn xảy ra những vụ buôn bán tê tê trái phép.

Theo anh Phương, trong bối cảnh động vật hoang dã đang bị đe dọa sự sống như vậy, Chương trình bảo tồn thú ăn thịt và tê tê được thành lập đã cam kết đảm bảo tương lai cho các loài thú ăn thịt nhỏ và tê tê đang bị đe dọa tại Việt Nam khỏi nguy cơ bị tuyệt chủng.

Đối với những cá thể tê tê sau khi cứu hộ sẽ được các bác sĩ chăm sóc, phục hồi sức khỏe. Một số cá thể đủ điều kiện tái thả về tự nhiên sẽ được trung tâm thả ở Vườn Quốc gia Cúc Phương. Tại đây, chúng sẽ được gắn chíp và theo dõi bằng sóng radio để xác định thêm những thông tin về các loài này trong tự nhiên cũng như mức độ đe dọa của tình trạng săn bắn.

“Là cán bộ bảo tồn, chúng tôi luôn đặt mục tiêu là làm việc để tăng sự hiểu biết, quý trọng các loài động vật quý hiếm và môi trường sống của chúng cũng như thúc giục người dân hành động để bảo tồn chúng,” hiệp sĩ giải cứu tê tê nói.

Anh Phương cũng cho biết, khi làm việc cho Chương trình bảo tồn thú ăn thịt và tê tê, anh luôn dành thời gian làm việc chủ yếu với các vấn đề bảo tồn loài, bao gồm các hoạt động bảo tồn thực thế như chương trình nâng cao nhận thức, thực đại, đào tạo cho lực lượng kiểm lâm, công an môi trường, bộ đội biên phòng và sinh viên…

Đặc biệt hơn là, ngoài công tác bảo tồn, anh Phương còn triển khai và quản lý các chương trình nhân giống bảo tổn ưu tiên đối với các loài thú ăn thịt nhỏ và tê tê bị đe dọa toàn cầu.

“Với tôi, mỗi con vật và mỗi loài vật đều có tính cách riêng và câu chuyện đặc biệt về việc chúng đến trung tâm phục hồi như thế nào. Tất cả chúng đều đóng vai trò đặc biệt trong hệ sinh thái. Để duy trì sự cân bằng trong hệ sinh thái và giúp cuộc sống của con người bền vững hơn, chúng ta cần dừng phá hoại môi trường và các loài động vật hoang dã và bắt đầu bảo vệ chúng,” anh Phương nói.

Chiều cuối năm, cái lạnh như ngấm sâu vào da thịt, khi những bóng dáng những vị khách thích thú với việc khám phá núi rừng có phần vắng hơn vì ai ai cũng đang hướng tới bữa cơm Tết niên, thì anh Trần Quang Phương và những cán bộ đồng hành vẫn miệt mài với công việc chăm sóc cho “đàn con” của núi rừng, đảm bảo tương lai cho loài “sách đỏ” quý, hiếm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục