Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) sẽ tiếp tục kiến nghị với các cơ quan quản lý Nhà nước điều chỉnh một số điều của Thông tư liên tịch số 44/2013 giữa Bộ Công Thương và Bộ Khoa học Công nghệ về quy định về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu.
Tại buổi tổng kết ngành thép Việt Nam năm 2014, triển vọng 2015 được tổ chức ngày 20/1 tại Hà Nội, Chủ tịch VSA Hồ Nghĩa Dũng cho biết trong năm 2015, để nâng cao hiệu quả hoạt động và cạnh tranh của ngành thép trong nước, hiệp hội sẽ tăng cường thu thập thông tin và tham gia góp ý, phản biện đề xuất các chính sách, cơ chế của Nhà nước.
Liên quan thông tư liên tịch số 44/2013, ông Dũng cho biết những kiến nghị này liên quan đến cắt việc giảm thủ tục kiểm tra, giám sát hàng hóa, mà có thể áp dụng chính sách hậu kiểm đối với chất lượng thép nhập khẩu để tránh ách tắc hàng hóa, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Đồng thời bổ sung những quy định rõ ràng hơn tiêu chuẩn cho mặt hàng thép, tôn mạ… để việc sản xuất, lưu thông của doanh nghiệp được thuận lợi, tránh hiện tượng gian lận thương mại, làm hàng giả.
Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng sẽ kiến nghị với cơ quan chức năng quy định rõ tiêu chuẩn, áp mã thuế và điều chỉnh thuế suất nhập khẩu cho các sản phẩm cột chống lò, thép đặc biệt; thuế suất, quy tắc xuất xứ mặt hàng thép trong các hiệp định thương mại; đồng thời kiến nghị các gian lận thương mại đối với mặt hàng tôn mạ kim loại và sơn phủ màu…
Theo VSA, năm qua, ngành thép đã có bước phát triển tốt, tiêu thụ đạt hơn 13,8 triệu tấn, tăng gần 17% so với năm 2013. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp ngành thép, bên cạnh con số về sự tăng trưởng thì ngành thép Việt Nam vẫn phải đối mặt với thách thức đến tư gian lận thương mại, nhập khẩu lượng lớn thép chứa nguyên tố Bo từ Trung Quốc và những hạn chế của logistic, hải quan hay từ Thông tư 44 quy định về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu…
Theo ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng giám đốc Tôn Hoa Sen, đối với việc nhập khẩu thép giá rẻ từ Trung Quốc, Thông tư 44 là hàng rào kỹ thuật ngăn hàng kém chất lượng vào Việt Nam.
Tuy nhiên, Thông tư 44 vẫn chưa thực sự phát huy hết hiệu quả do các tiêu chuẩn vẫn chưa rõ ràng. Các tiêu chuẩn theo hợp đồng nhập khẩu dẫn đến hai bên mua-bán tự thỏa thuận nên rất khó kiểm soát và giám định.
Do đó, hiệp hội ngành thép có thể tham vấn, kiến nghị với cơ quan chức năng xây dựng lại quy chuẩn để xiết chặt hơn “hàng rào” này, giúp các doanh nghiệp trong nước ổn định sản xuất.
Cùng quan điểm trên, đại diện Công ty BlueScope Steel Việt Nam cho hay hiện Thông tư 44 mới chỉ thực hiện bảo vệ cho thép xây dựng, mà chưa bảo vệ được lĩnh vực tôn mạ và sơn phủ màu, lượng nhập khẩu vẫn ở mức cao.
Để giúp doanh nghiệp và bảo vệ hàng trong nước, hiệp hội thép kiến nghị các cơ quan chức năng để xem xét phân loại rõ ràng hơn về mã thuế cho hàng tôn mạ và sơn phủ màu, với thuế suất phù hợp.
Tại buổi tổng kết ngành, các doanh nghiệp cũng nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong phòng vệ thương mại của doanh nghiệp khi Việt Nam ký kết các Hiệp định thương mại và hội nhập sâu rộng trong năm 2015, đồng thời mong muốn hiệp hội thép nâng cao năng lực, chuyên môn hơn để thực sự là cầu nối vững chắc cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý, giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả./.