Hiệp hội Ngân hàng Malaysia kỳ vọng sự mở cửa trở lại của Trung Quốc

Hiệp hội Ngân hàng Malaysia dự báo xuất khẩu và nhập khẩu của Malaysia sẽ tăng 9,2% và 9,5% trong năm 2023 so với 27,1 và 32% vào năm 2022, một phần nhờ việc Trung Quốc mở lại biên giới.
Hiệp hội Ngân hàng Malaysia kỳ vọng sự mở cửa trở lại của Trung Quốc ảnh 1Việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ giúp hỗ trợ nền kinh tế Malaysia. (Ảnh: THX/TTXVN)

Hiệp hội Ngân hàng Malaysia khẳng định việc mở lại biên giới của Trung Quốc được coi là chất xúc tác cho các hoạt động ngoại thương và du lịch của Malaysia.

Trong báo cáo nghiên cứu công bố ngày 16/1, Hiệp hội dự báo xuất khẩu và nhập khẩu của Malaysia sẽ tăng 9,2% và 9,5% trong năm 2023 so với 27,1 và 32% vào năm 2022.

Bên cạnh đó, báo cáo cho rằng, việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào tháng 3/2022 và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào tháng 10/2022 sẽ tiếp tục thúc đẩy hoạt động ngoại thương của Malaysia vào năm 2023 và hơn thế nữa.

Đặc biệt, tăng trưởng nhập khẩu của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng đều đặn, hỗ trợ cải thiện các hoạt động kinh tế địa phương. Tuy nhiên, tăng trưởng xuất khẩu có thể gặp một số thách thức sau khi nhu cầu toàn cầu suy yếu do tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt.

Thị trường và Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi với mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên 4%.

Bên cạnh đó, báo cáo cho biết, tác động của các biện pháp giảm thiểu hạn chế được thể hiện trong các xu hướng thương mại quốc tế hàng tháng của Trung Quốc.

[Chuyên gia dự đoán kinh tế Trung Quốc phục hồi ổn định trong năm 2023]

Xuất khẩu của Trung Quốc năm 2022 tăng 7,8%, thấp hơn đáng kể so với 36,8% của một năm trước đó.

Nhập khẩu cũng tăng 2% so với 30,6% vào năm 2021. Tăng trưởng nhập khẩu thấp hơn chủ yếu là do hàng loạt lệnh phong tỏa được áp dụng trong suốt cả năm.

Tuy nhiên, xuất khẩu của Trung Quốc giảm mạnh trong tháng 12/2022 do nhu cầu toàn cầu hạ nhiệt.

Nhập khẩu cũng sụt giảm do số ca mắc COVID-19 gia tăng và suy thoái bất động sản đè nặng lên nhu cầu trong nước, làm nổi bật những rủi ro đối với quá trình phục hồi kinh tế của nước này trong năm nay.

Xuất khẩu của Trung Quốc là một trong số ít điểm sáng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong đại dịch.

Tuy nhiên, hoạt động này đã yếu đi nhanh chóng kể từ cuối năm 2022 khi người tiêu dùng ở nước ngoài cắt giảm chi tiêu để đối phó với các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương nhằm kiềm chế lạm phát./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục