Hiệp hội Mỹ đánh giá cao ngành bán dẫn của Việt Nam

Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ rất quan tâm, coi trọng ngành bán dẫn của Việt Nam và đã có ý kiến đóng góp đối với dự thảo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm dây chuyền sản xuất chíp bán dẫn của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hana Micro Vina (vốn đầu tư của Hàn Quốc) chuyên sản xuất chíp bán dẫn tại Khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm dây chuyền sản xuất chíp bán dẫn của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hana Micro Vina (vốn đầu tư của Hàn Quốc) chuyên sản xuất chíp bán dẫn tại Khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Tham tán Công sứ-Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam Lê Đình Bá ngày 9/9 đã chủ trì tiếp và làm việc với đại diện Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA) do bà Carrie Esko, Giám đốc Chính sách toàn cầu của SIA làm Trưởng đoàn, cùng đại diện một số thành viên như Apple, TSMC, ITI (Hội đồng ngành công nghệ thông tin Mỹ).

Đây là hoạt động bên lề nhân dịp SIA tham gia chủ trì phiên thảo luận về vấn đề vai trò của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong việc phục hồi chuỗi cung ứng của ngành bán dẫn tại Diễn đàn Cộng đồng của WTO, diễn ra từ ngày 10-13/9/2024.

Tại buổi làm việc, Tham tán Công sứ Lê Đình Bá hoan nghênh SIA và các doanh nghiệp liên quan đã đến thăm và làm việc tại Phái đoàn Việt Nam và có trao đổi, cập nhật thông tin về những nội dung liên quan đến chuỗi cung ứng của ngành.

Trong khi đó, bà Carrie Esko - đại diện SIA - đã điểm lại các hoạt động tiếp xúc giữa SIA với các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt là buổi làm việc tại Washington D.C vào tháng 9/2023 giữa Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính với Chủ tịch SIA và đại diện của các doanh nghiệp bán dẫn của Mỹ, buổi làm việc bên lề Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 13 (MC13) tại UAE vào tháng 4/2024 giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên với Chủ tịch SIA...

Bên cạnh đó, bà Carrie Esko cho biết SIA rất quan tâm, coi trọng ngành bán dẫn của Việt Nam và đã có ý kiến đóng góp đối với dự thảo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.

Đại diện SIA cho rằng Việt Nam đóng vai trò ngày càng quan trọng trong lĩnh vực thiết kế chip bán dẫn, đặc biệt là phân khúc ATP (lắp ráp, thử nghiệm, đóng gói), và gần đây đã thu hút nhiều tập đoàn bán dẫn lớn trong ngành đầu tư vào Việt Nam.

Bà Carrie cũng đề cập tới báo cáo nghiên cứu vừa ban hành đầu tháng Tám vừa qua của SIA về những yếu tố mà các công ty trong ngành quan tâm khi đầu tư vào các thị trường khác nhau, trong đó đưa ra các khuyến nghị về các chính sách mà chính phủ các nước có thể cân nhắc để thu hút đầu tư tốt hơn.

Ngoài ra, phía SIA cũng đề cập đến vấn đề chính sách thương mại, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của WTO đối với ngành bán dẫn, trong đó các Hiệp định Công nghệ thông tin ITA1 và ITA2, Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại (TFA) và thông lệ không đánh thuế hải quan đối với truyền tải điện tử (E-com moratorium) được SIA đánh giá là khuôn khổ hỗ trợ cho sự phát triển của ngành bán dẫn.

Phía SIA cũng chia sẻ thông tin về xu hướng các nước tham gia Hiệp định công nghệ thông tin mở rộng (ITA2) (với phạm vi sản phẩm được điều chỉnh rộng hơn so với ITA1) và một số nước hiện cũng thúc đẩy việc tham gia ITA3 để thu hút đầu tư và phát triển ngành công nghiệp điện tử.

ttxvn_ban_dan.jpg
Giới thiệu bo vi mạch bán dẫn tại sự kiện Ngày Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng năm 2024. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

SIA cũng cho rằng Việt Nam là một trong những “câu chuyện” thành công trong việc tận dụng đàm phán thương mại để đem lại những lợi ích cho nền kinh tế.

Cũng tại buổi làm việc, đại diện tập đoàn TSMC bày tỏ mong muốn mở rộng phạm vi địa lý và phạm vi sản phẩm khi đầu tư để có thể thu hút nhiều nước tham gia vào chuỗi giá trị.

TSMC chia sẻ một trong những vấn đề mà tập đoàn xem xét khi đầu tư vào một thị trường là chính sách liên quan đến sản phẩm công nghệ thông tin (Hiệp định ITA), tạo thuận lợi thương mại do đây là những yếu tố quan trọng trong chuỗi giá trị, giúp đa dạng hoá, tái cân bằng chuỗi cung ứng.

Đại diện Apple đánh giá Việt Nam nổi lên là một thị trường xuất khẩu mới, đặc biệt là trong lĩnh vực sản phẩm công nghệ thông tin trong khi nhiều nước hiện áp dụng các rào cản thương mại đối với các sản phẩm này, như hạn chế cấp phép hoặc đưa ra các mức thuế mới, do đó, cần theo sát việc các nước thực thi các quy định của WTO.

Apple đã đầu tư sản xuất nhiều ở Việt Nam và bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề Hiệp định mua sắm chính phủ WTO, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia ký kết 2 Hiệp định CPTPP và EVFTA có nội dung về mua sắm công.

Tham tán Công sứ Lê Đình Bá đã gửi lời cảm ơn và đánh giá cao sự hợp tác, đầu tư của các doanh nghiệp SIA đối với ngành bán dẫn Việt Nam.

Đại diện Phái đoàn Việt Nam tại Geneva cũng ghi nhận những ý kiến của SIA, nhấn mạnh Việt Nam coi ngành bán dẫn là một phần quan trọng của nền kinh tế và hoan nghênh sự quan tâm, tham gia của ngành đối với những vấn đề tại WTO, trong đó có vấn đề thực thi các Hiệp định và mong muốn SIA sẽ tiếp tục phối hợp chia sẻ thông tin./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục