Hiệp hội Lương thực sẽ tiêu thụ hết lúa hàng hóa cho nông dân

Dù dự báo tình hình xuất khẩu gạo tiệp tục ảm đạm trong năm 2015 nhưng Hiệp hội Lương thực Việt Nam vẫn đặt ra mục tiêu tiêu thụ hết lúa gạo hàng hóa cho nông dân.
Hiệp hội Lương thực sẽ tiêu thụ hết lúa hàng hóa cho nông dân ảnh 1Chế biến gạo xuất khẩu. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), năm 2014, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 6,3 triệu tấn gạo và thu về gần 2,8 tỷ USD (trị giá FOB).

Năm 2015, mặc dù dự báo tình hình xuất khẩu vẫn khá ảm đạm nhưng VFA vẫn đặt ra mục tiêu tiêu thụ hết lúa gạo hàng hóa cho nông dân.

Ông Nguyễn Hùng Linh, Chủ tịch VFA, cho biết hiện nay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 30% lượng gạo xuất khẩu qua đường chính ngạch.

Bên cạnh đó, năm 2014, lượng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch ước đạt 1 triệu tấn. Tuy nhiên, năm 2015, quốc gia này sẽ tiến hành kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu qua biên giới và đẩy mạnh nhập khẩu chính ngạch. Phía Trung Quốc đã đấu thầu cho các doanh nghiệp của mình có quota (hạn ngạch) nhập khẩu. Điều này sẽ gây khó khăn không nhỏ cho những doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, áp lực cạnh tranh gay gắt cả về chất lượng lẫn giá cả từ phía các cường quốc xuất khẩu gạo như Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan sẽ là thách thức đối với việc xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Trong năm 2014, đã có thời điểm giá gạo Thái Lan thấp hơn gạo Việt Nam từ 10-20 USD/tấn, Ấn Độ, Pakistan cũng đang giảm giá mạnh đối với phân khúc gạo cấp trung bình và thấp để cạnh tranh với Việt Nam. Điều này đã khiến cho thị phần xuất khẩu gạo của Việt Nam bị sụt giảm ở một số thị trường như châu Phi.

Mặt khác, Thái Lan hiện đang có một lượng gạo tồn kho lớn và nhiều khả năng sẽ bán ra trong năm 2015. Việc một cường quốc về xuất khẩu gạo bán ra một số lượng lớn như vậy sẽ gây ảnh hưởng đến giá gạo thế giới theo hướng giảm. Đây là điều mà nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam đang lo ngại.

Ngoài ra, xuất khẩu khẩu gạo của Việt Nam vẫn đang tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức nội tại. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo gặp khó khăn về tài chính, vùng nguyên liệu; công tác quy hoạch vùng sản xuất, tổ chức sản xuất lúa theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và quy trình sản xuất, chế biến lúa gạo… chưa thật sự hiệu quả; việc nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu gạo chưa được quan tâm đúng mức.

Cũng theo ông Nguyễn Hùng Linh, năm nay, các nước nhập khẩu gạo sẽ giữ nguyên sản lượng nhập và thậm chí cao hơn năm trước. Vì vậy, đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước phải có cách quan hệ, đàm phán, đấu thầu để bán được gạo.

Hiệp hội cũng như các doanh nghiệp đang nắm thông tin, theo dõi tình hình để tìm đầu ra càng nhiều càng tốt, giá cả hợp lý. Các doanh nghiệp đang tìm kiếm các thị trường thuận lợi để mở rộng xuất khẩu, đồng thời chuẩn bị về chiến lược để bán được hàng, không chịu ảnh hưởng quá nhiều từ phía Thái Lan.

Tại thời điểm này, gạo Thái Lan đang cao hơn gạo Việt Nam. Đây là thuận lợi đối với gạo Việt Nam và khả năng sẽ cạnh tranh tốt. Vì vậy, theo ông Linh, quyết tâm tiêu thụ hết lúa hàng hóa cho nông dân trong năm 2015 rất là khả thi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục