Hiệp hội Du lịch Hải Dương: Chú trọng công tác xúc tiến du lịch

Cùng với việc phát triển du lịch về số lượng, Hiệp hội từng bước nâng cao chất lượng để có những sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh mang đặc trưng riêng của tỉnh Hải Dương để thu hút du khách.
Hiệp hội Du lịch Hải Dương: Chú trọng công tác xúc tiến du lịch ảnh 1Đền Kiếp Bạc. (Ảnh: Việt Đức/Vietnam+)

Trong nhiệm kỳ 2019-2024, Hiệp hội Du lịch Hải Dương tiếp tục hợp tác với Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm giúp các cơ sở, doanh nghiệp trong tỉnh nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.

Hiệp hội tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách, có chiến lược phát triển du lịch dài hạn qua đó thu hút các doanh nghiệp du lịch vào đầu tư xây dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng của Hải Dương.

Cùng với việc phát triển du lịch về số lượng, Hiệp hội từng bước nâng cao chất lượng để có những sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh mang đặc trưng riêng của tỉnh để thu hút du khách.

Đây là những nhiệm vụ trọng tâm được Hiệp hội Du lịch tỉnh Hải Dương đề ra tại Đại hội lần thứ II, nhiệm kỳ 2019-2024 diễn ra tại Hải Dương trong hai ngày 21 và 22/11.

Tại Đại hội, Hiệp hội Du lịch tỉnh Hải Dương đã bầu Ban chấp hành mới gồm 35 thành viên.

[Gần 12 vạn lượt du khách về với Khu Di tích quốc gia Côn Sơn-Kiếp Bạc]

Dịp này, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tặng bằng khen cho 6 tập thể, 9 cá nhân. Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương tặng bằng khen cho 1 tập thể và 5 cá nhân.

Hiệp hội Du lịch tỉnh Hải Dương cũng tặng giấy khen cho 15 cá nhân có thành tích xuất sắc.

Nhiệm kỳ qua, Hiệp hội Du lịch tỉnh Hải Dương xác định công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Thông qua các hoạt động du lịch lớn, các chương trình xúc tiến du lịch của ngành, của Hiệp hội giúp hội viên giới thiệu hình ảnh du lịch Hải Dương và những cơ hội đầu tư hợp tác và phát triển du lịch của tỉnh.

Hiệp hội đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia khu vực Đồng bằng sông Hồng-Hải Phòng năm 2013, đặc biệt quảng bá hình ảnh các lễ hội lớn trong năm ở tỉnh như Lễ hội mùa xuân Côn Sơn, làng gốm cổ Chu Đậu, lễ hội mùa thu Kiếp Bạc, lễ hội về nguồn tại đền thờ Chu Văn An.

Hằng năm, Hiệp hội vận động các đơn vị, hội viên tổ chức các chương trình giảm giá, khuyến mại, giao lưu tặng quà cho du khách, vận động các đơn vị quảng bá hình ảnh của các danh lam thắng cảnh đặc trưng của Hải Dương trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Để phát huy những lợi thế du lịch của tỉnh, Hiệp hội đã liên kết phát triển du lịch vùng với các tỉnh Quảng Ninh, Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Phòng và tích cực thực hiện các hoạt động liên kết phát triển du lịch với các tỉnh khác trong cả nước.

Tính đến năm 2019, lĩnh vực du lịch đã thu hút được trên 7.000 lao động trực tiếp và trên chục nghìn lao động gián tiếp.

Tiềm năng du lịch xứ Đông (Hải Dương) là rất lớn, bởi từ xa xưa, mảnh đất này đã là nơi hình thành và sản sinh ra nhiều những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể như Côn Sơn-Kiếp Bạc, một quần thể di tích độc đáo, quan trọng bậc nhất của xứ Đông; Văn miếu Mao Điền, Chùa Giáng, Đền Bia – gắn với cuộc đời của đại danh y, thiền sư Tuệ Tĩnh…

Không gian văn hóa trong các lễ hội ở vùng xứ Đông mang đậm yếu tố lịch sử, tín ngưỡng và tôn giáo của vùng châu thổ sông Hồng. Tiêu biểu phải kể tới lễ hội Côn Sơn, Kiếp Bạc (Chí Linh), Văn miếu Mao Điền (Cẩm Giàng ), Đền Cao (Kinh Môn), Đền Tranh (Ninh Giang)…

Cùng với những lễ hội dân gian, xứ Ðông còn nổi tiếng là một trong những cái nôi của nghệ thuật hát chèo, hát ca trù, hát chầu văn, múa rối nước.

Về vị trí địa lý, Hải Dương nằm giữa vùng kinh tế trọng điểm phía bắc (Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh). Từ bao đời, Hải Dương là "phên dậu phía Đông" của kinh thành Thăng Long.

Mảnh đất này cũng gắn bó với tên tuổi của nhiều anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa như Khúc Thừa Dụ, Trần Hưng Đạo, Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trãi,… với trên 2.207 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 144 di tích được xếp hạng quốc gia, 04 khu di tích đã được xếp hạng quốc gia đặc biệt (khu di tích và danh thắng Côn Sơn – Kiếp Bạc đã được Chính phủ đưa vào danh mục xây dựng thành khu du lịch quốc gia).

Trên địa bàn tỉnh có nhiều danh lam thắng cảnh, hang động kỳ thú như núi Côn Sơn, núi Phượng Hoàng, núi An Phụ, núi Dương Nham, động Kính Chủ, sông Lục Đầu,… và những vùng sinh thái hấp dẫn như sông Hương, Đảo Cò Chi Lăng Nam, Bến Tắm…

Ngoài ra, Hải Dương còn có nhiều làng nghề truyền thống danh tiếng như: chạm khắc gỗ Đông Giao (Cẩm Giàng), gốm Chu Đậu (Nam Sách), kim hoàn Châu Khê (Bình Giang), Khắc ván in Hùng Lục, Liễu Tràng (Gia Lộc), thêu Xuân Nẻo (Tứ Kỳ), dệt chiếu Tiên Kiều (Thanh Hà)… và nhiều món đặc sản nổi tiếng khắp trong, ngoài nước như bánh đậu xanh, bánh khảo, bánh cuốn (thành phố Hải Dương), bánh gai (Ninh Giang), vải thiều (Thanh Hà)…

Có thể thấy, xứ Đông (Hải Dương) có đầy đủ tiềm năng cùng thế mạnh để phát triển các loại hình du lịch đang được ưa chuộng hiện nay như du lịch tâm linh; du lịch sinh thái; du lịch làng nghề./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục