Hiệp định Thương mại Việt Nam-Chile tạo đà tăng trưởng thương mại

Năm 2020, tổng kim ngạch giữa Việt Nam-Chile đạt 1,28 tỷ USD, tăng 4,43% so với năm 2019, gấp 2,5 lần so với kim ngạch năm 2013 - thời điểm trước khi FTA giữa hai nước đi vào hiệu lực.
Hiệp định Thương mại Việt Nam-Chile tạo đà tăng trưởng thương mại ảnh 1Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải ký kết Biên bản phiên họp tại đầu cầu Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Nhằm tiến hành rà soát tình hình thực thi Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam-Chile trong giai đoạn 2018-2021 và cập nhật tình hình trao đổi thương mại giữa hai nước, sáng 6/5 phiên họp lần IV Hội đồng Thương mại tự do Việt Nam-Chile đã được tổ chức dưới hình thức trực tuyến tại hai đầu cầu Hà Nội và Santiago.

Phiên họp do Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải và Thứ trưởng phụ trách Thương mại, Bộ Ngoại giao Chile Rodrigo Yanez đồng chủ trì.

Thành phần tham dự về phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam được bổ nhiệm tại Cộng hòa Chile Phạm Trường Giang, đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Theo Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương), quan hệ Việt Nam-Chile đang trên đà phát triển và đạt những kết quả tích cực.

Năm 2020, mặc dù khó khăn do dịch COVID-19, kim ngạch trao đổi thương mại song phương giữa hai nước đã đạt được kết quả khả quan, đánh dấu lần đầu tiên xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt trên 1 tỷ USD.

[Quan hệ hữu nghị Việt Nam và Chile ngày càng gắn bó, phát triển mạnh]

Cụ thể, tổng kim ngạch giữa hai nước đạt 1,28 tỷ USD, tăng 4,43% so với năm 2019 và gấp 2,5 lần so với kim ngạch năm 2013 - thời điểm trước khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Chile đi vào hiệu lực.

Hiện nay, Chile là một trong bốn đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Chile tại ASEAN.

Thống kê cho thấy, chỉ riêng 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch thương mại giữa hai nước tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt, đạt 401,1 triệu USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Chile đạt 321,3 triệu USD, tăng 11,8%, nhập khẩu của Việt Nam từ Chile đạt 79,8 triệu USD, tăng 31,6%.

Hai bên ghi nhận nỗ lực trong việc triển khai thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Chile với những con số tăng trưởng ấn tượng thể hiện tác động to lớn mà Hiệp định đã mang lại cho quan hệ thương mại song phương.

Mặc dù chỉ bao gồm các cam kết về hàng hóa, không bao gồm các cam kết về dịch vụ, đầu tư nhưng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Chile đã tạo nên cú hích cho quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước.

Hiệp định Thương mại Việt Nam-Chile tạo đà tăng trưởng thương mại ảnh 2Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tại đầu cầu Hà Nội và Thứ trưởng phụ trách Thương mại, Bộ Ngoại giao Chile Rodrigo Yanez tại đầu cầu Santiago de Chile ký kết Biên bản ghi nhớ phiên họp. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp đang tận dụng rất hiệu quả ưu đãi của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Chile và hiện Chile đang là một trong những thị trường đứng đầu về tỷ lệ tận dụng ưu đãi với tỷ lệ sử dụng C/O mẫu VC lên tới 65,5%.

Đối với Tiểu ban Thương mại hàng hoá, hai bên đã trao đổi các nội dung kỹ thuật về biểu thuế, xuất xứ hàng hóa, xem xét việc triển khai áp dụng chứng nhận xuất xứ điện tử để đơn giản hoá quy trình, thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hai bên trong hoạt động xuất nhập khẩu. Điều này nhằm tận dụng hiệu quả các ưu đãi của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Chile.

Ngoài ra, với Tiểu ban Vệ sinh và kiểm dịch thực vật, hai bên trao đổi thông tin về quy trình, thủ tục nhập khẩu một số mặt hàng nông sản.

Việt Nam thông báo đã bắt đầu tiến hành quy trình đánh giá nguy cơ dịch hại đối với quả kiwi của Chile và phía Chile cho biết quy trình đánh giá nguy cơ dịch hại đối với quả chôm chôm sẽ bắt đầu được tiến hành vào tháng 7 năm 2021.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đã và đang để lại những tác động nặng nề tới nền kinh tế toàn cầu, phiên họp lần IV Hội đồng Thương mại tự do Việt Nam-Chile là thời điểm thích hợp để hai bên cùng rà soát những kết quả đã đạt được và thống nhất những nội dung hợp tác.

Qua đây, hai bên cũng hướng tới việc nâng cao hiệu quả, đẩy mạnh tuyên truyền thông tin cũng như đề xuất các giải pháp để giúp doanh nghiệp hai nước tận dụng hiệu quả cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Chile cũng như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) khi được Chile phê chuẩn trong thời gian tới, qua đó góp phần thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục