Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU và những kỳ vọng

Với tính chất bổ sung lẫn nhau của hai nền kinh tế, Hiệp định EVFTA và EVIPA được kỳ vọng sẽ giúp hai bên tận dụng tối đa lợi thế và tiềm năng của nhau để cùng phát triển.
Chiều 20/5 vừa qua, Quốc hội họp trực tuyến thảo luận việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do EVFTA, EVIPA. (Ảnh: TTXVN)
Chiều 20/5 vừa qua, Quốc hội họp trực tuyến thảo luận việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do EVFTA, EVIPA. (Ảnh: TTXVN)

Dự kiến Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu-EU (EVFTA) sẽ được Quốc hội Việt Nam bỏ phiếu thông qua vào ngày 28/5 tới, tại Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV.

Đây là một tin vui với cộng đồng doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh.

Việc sớm phê chuẩn EVFTA cùng với các biện pháp hỗ trợ được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất.

Kỳ vọng EVFTA

Với tính chất bổ sung lẫn nhau của hai nền kinh tế, Hiệp định EVFTA và EVIPA được kỳ vọng sẽ giúp hai bên tận dụng tối đa lợi thế và tiềm năng của nhau để cùng phát triển.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang gây ra những ảnh hưởng nặng nề đến việc sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, việc sớm phê chuẩn EVFTA cùng với các biện pháp hỗ trợ được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tiếp cận thị trường, phục hồi sản xuất.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, dịch COVID-19 tác động sâu sắc đến kinh tế, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, đòi hỏi phải khẩn trương kích hoạt lại nền kinh tế ở trạng thái bình thường mới, đặc biệt là khai thác và phát triển những thị trường tiềm năng, có ý nghĩa chiến lược như thị trường của EU.

Đây cũng là cơ hội rất lớn để chúng ta không những tăng sức chống chịu cho nền kinh tế mà còn tăng năng lực cạnh tranh, đặc biệt là tiếp tục đa dạng hóa các thị trường, tránh sự phụ thuộc vào một số thị trường nhất định.

Xét về tổng thể, EVFTA sẽ góp phần giúp đa dạng hóa thị trường để không bị phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường nào, từ đó giúp bảo đảm an ninh kinh tế của Việt Nam.

Với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản, đồ gỗ… là rất đáng kể.

Đáng lưu ý, ông Lương Hoàng Thái cho biết, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, các mặt hàng như trang thiết bị y tế mà rất nhiều nước hạn chế xuất khẩu, Việt Nam lại thể hiện là một đối tác tin cậy.

[Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực khi EVFTA có hiệu lực]

Thời gian tới, Việt Nam không chỉ kỳ vọng ở một số mặt hàng thế mạnh như dệt may, da giày mà sẽ vươn lên những mặt hàng khác với hàm lượng công nghệ cao hơn.

Theo tính toán của Bộ Công Thương, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có hiệp định. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu.

Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% vào năm 2023 và 7,07-7,72% vào năm 2033. Đây là tác động lớn hơn nhiều so với tất cả các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) trước đây mà Việt Nam đã tham gia, kể cả so với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Ngoài ra, EVFTA cũng giúp người tiêu dùng Việt Nam được tiếp cận nguồn cung các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao từ EU trong các lĩnh vực như dược phẩm, chăm sóc sức khỏe, xây dựng hạ tầng và giao thông công cộng…

Đặc biệt, trong một nghiên cứu mới đây nhất của Ngân hàng Thế giới đã nhấn mạnh đến khía cạnh về xóa đói giảm nghèo cũng như khả năng các hộ gia đình vươn lên đạt mức tầng lớp trung lưu.

Theo đó, nếu lấy chuẩn xóa đói giảm nghèo cao của Ngân hàng Thế giới sẽ có khoảng 800.000 người Việt Nam có thể thoát nghèo nhanh hơn so với kịch bản không có EVFTA.

Mở ra nhiều cơ hội nhưng EVFTA cũng đặt ra không ít thách thức đặc biệt là với Việt Nam là nền kinh tế có trình độ phát triển thấp nhất so với các nước trong khu vực đã ký FTA với EU. Trong khi đó, EU là một trong những thị trường có đòi hỏi cao nhất trên thế giới.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, bên cạnh những cơ hội lớn, đứng trước hai Hiệp định, Việt Nam cũng phải đối diện với các thách thức đi kèm, nhất là trong bối cảnh khi hệ thống thể chế, pháp luật còn những vướng mắc nhất định.

Cơ sở hạ tầng đầu tư của chúng ta chưa được đảm bảo đáp ứng được yêu cầu; năng lực cạnh tranh còn hạn chế. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được.

Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp khả năng cạnh tranh còn hạn chế, với quy mô, vốn đầu tư nhỏ; khả năng công nghệ, năng suất lao động và chất lượng nguồn nhân lực chưa tương xứng với yêu cầu...

Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU và những kỳ vọng ảnh 1Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo thuyết minh Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu-EVFTA. (Ảnh: TTXVN)

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khuyến cáo, việc bước qua được các rào cản thuế quan không có nghĩa là hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam sẽ được thị trường EU chấp nhận mà phải vượt qua được hàng rào phi thuế quan nghiêm ngặt.

EU có nhiều quy định không chỉ liên quan đến tiêu chuẩn sản phẩm mà cả đối với quy trình sản xuất ra sản phẩm đó. Chẳng hạn, không được dùng hải sản được đánh bắt bất hợp pháp hay không được dùng gỗ khai thác từ rừng tự nhiên mà chưa được phép, vấn đề an toàn thực phẩm, dịch bệnh phải đảm bảo...

Ngoài ra, còn rất nhiều rào cản về kiểm dịch động thực vật, chống bán phá giá, sở hữu trí tuệ…; những tiêu chuẩn về lao động, môi trường của EU cũng thuộc hàng cao nhất thế giới.

Cần chuẩn bị điều kiện tốt nhất

Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, ở góc nhìn hậu dịch và nhất là trung và dài hạn, EVFTA chắc chắn là cơ hội lớn đối với kinh tế Việt Nam. Do đó, đây là thời điểm mọi sự chuẩn bị vẫn cần phải được nhắc đến để việc tận dụng cơ hội là tốt nhất, cả từ phía Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho hay, xuất khẩu tăng là hiệu ứng đầu tiên, dễ nhận thấy nhất, nhưng cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư cả từ trong nước và nước ngoài, nhằm nâng cao năng lực sản xuất mới là hiệu ứng được trông đợi nhất, bởi sẽ giúp GDP tăng trưởng bền vững hơn, trong dài hạn. Do đó, nhiệm vụ của ta là chuẩn bị điều kiện tốt nhất, đặc biệt là giải tỏa những điểm nghẽn về hạ tầng, nhân lực, cơ chế để đón dòng đầu tư này.

Để tận dụng tối đa các cơ hội từ EVFTA, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Chính phủ đã có chỉ đạo kiên quyết, liên tục để đảm bảo được tiến độ chung của hai hiệp định.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu sớm xây dựng, hoàn thiện chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện hiệp định. Bên cạnh đó, thời gian qua, các bộ, ngành đã tích cực thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng.

Đến nay, phần lớn các địa phương, bộ, ngành đã có chương trình hành động riêng, căn cứ theo chỉ đạo chung của Thủ tướng để hoàn thiện kế hoạch hành động cùng Chính phủ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc tổ chức thực hiện Hiệp định là vấn đề quan trọng nhất, trong đó có việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, để đáp ứng được yêu cầu phát triển, giải quyết triệt để những điểm nghẽn, vướng mắc hiện nay.

Đồng thời, hệ thống hạ tầng cần được khẩn trương đầu tư, nâng cấp. Song song đó, các vấn đề còn tồn tại trong quy hoạch, đất đai, năng lượng, nguồn nhân lực.. cần có giải pháp tháo gỡ để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU và những kỳ vọng ảnh 2Sản xuất sản phẩm may mặc. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Đặc biệt, vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phải được quan tâm đúng mức, tạo bệ đỡ cho doanh nghiệp Việt Nam để nâng cao sức chống chịu và năng lực, từ đó tham gia được vào các thị trường trong nước và vươn ra thị trường nước ngoài. Riêng đối với doanh nghiệp, cần phải đổi mới công nghệ, có hệ thống quản trị hiệu quả, nâng cao năng suất lao động, có nguồn nhân lực chất lượng cao...

Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione nhận định, nếu hành động kiên quyết nhằm thu hẹp khoảng cách về năng lực triển khai và tính tương thích pháp lý, Việt Nam có thể tận dụng tối đa hiệp định thương mại này, với những lợi ích trực tiếp ước tính ở mức chưa từng có trong lịch sử.

EVFTA và EVIPA: mốc thời gian chính và những cam kết

Liên minh châu Âu (EU) hiện bao gồm 27 nước thành viên: Bỉ, Đức, Hà Lan, Luxembourg, Pháp, Ý, Đan Mạch, Ireland, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Áo, Phần Lan, Thụy Điển, Ba Lan, Estonia, Hungary, Latvia, Litva, Malta, Séc, Síp, Slovakia, Slovenia, Bulgaria, Romania và Croatia.

Tháng 6/2012, Việt Nam và EU chính thức tuyên bố khởi động đàm phán EVFTA. Sau khi kết thúc 15 phiên đàm phán, tháng 12/2015, hai bên khởi động tiến trình rà soát pháp lý chuẩn bị ký kết.

Tháng 6/2018, EVFTA được tách thành hai hiệp định là Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA), đồng thời kết thúc quá trình rà soát pháp lý.

Tháng 10/2018, Ủy ban châu Âu chính thức thông qua EVFTA và EVIPA. Ngày 30/6/2019, hai Hiệp định này chính thức được ký kết tại thủ đô Hà Nội.

Ngày 12/2 vừa qua, Nghị viện châu Âu đã phê chuẩn hai hiệp định này. Dự kiến Quốc hội Việt Nam sẽ thông qua ngày 28/5 tới.

EVFTA và EVIPA được thông qua, Việt Nam sẽ là quốc gia đang phát triển duy nhất trên thế giới và là quốc gia thứ hai trong ASEAN có Hiệp định thương mại tự do với EU - cộng đồng kinh tế hàng đầu trên thế giới với quy mô GDP lên gần 18.300 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 40% ngoại thương toàn cầu.

EVFTA cũng là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay.

Theo Bộ Công Thương, ngoài các nội dung chính về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư, mua sắm Chính phủ, sở hữu trí tuệ, EVFTA còn bao gồm các chương liên quan tới cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, pháp lý-thể chế...

Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU và những kỳ vọng ảnh 3Hoạt động bốc dỡ hàng hóa và thông quan. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Các nội dung này phù hợp với hệ thống pháp luật của Việt Nam, tạo khuôn khổ pháp lý để hai bên tăng cường hợp tác, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của thương mại và đầu tư giữa hai bên.

Theo các cam kết trong hiệp định, khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.

Sau 7 năm, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2 số dòng thuế, tương đương với 99,7 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn.

Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay.

Đối với hàng xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế; sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế được xóa bỏ; sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu từ EU).

Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, ta áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.

Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên thuộc Bộ Công Thương, theo quy trình của Quốc hội sẽ có bước ban hành Nghị quyết của Quốc hội trước khi hoàn thành quá trình phê chuẩn.

Ngoài ra, hai bên sẽ chính thức xác nhận với nhau về thời điểm Hiệp định có hiệu lực qua kênh ngoại giao. Hiệp định có hiệu lực từ ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau khi có Nghị quyết phê chuẩn của Quốc hội và văn bản trao đổi qua kênh ngoại giao.

Hiện Việt Nam đang thúc đẩy bàn với EU để Hiệp định được thực thi sớm nhất. Vì vậy, nếu Quốc hội có Nghị quyết ban hành vào cuối tháng Năm này, hai bên sẽ xác định ngày có hiệu lực của Hiệp định sau đó khoảng 2 tháng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục