Chiều ngày 30/6, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA) chính thức được ký kết tại Hà Nội dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, việc chính thức ký hai Hiệp định quan trọng là EVFTA và EVIPA, mở ra chân trời mới hợp tác rộng lớn, toàn diện và phát triển mạnh mẽ hơn của Việt Nam và EU, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp hai bên.
EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU. Khi thực thi, EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.
Những cam kết dành đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau trong Hiệp định EVIPA cũng sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, từ đó Việt Nam sẽ thu hút nhiều hơn nhà đầu tư đến từ EU và các nước khác.
Về mặt chiến lược, việc đàm phán và thực thi các Hiệp định này cũng gửi đi một thông điệp tích cực về quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới trong bối cảnh tình hình kinh tế địa chính trị đang có nhiều diễn biến phức tạp và khó đoán định.
Thông tấn xã Việt Nam giới thiệu chùm bài phân tích, đánh giá tổng hợp xung quanh hai Hiệp định này của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp, các ngành hàng về những lợi thế, tác động đối với nền kinh tế của Việt Nam; đồng thời, đưa ra những lưu ý giúp doanh nghiệp xuất khẩu tận dụng cơ hội để tiếp cận thị trường châu Âu, đối tác xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ sau Hoa Kỳ.
Bài 1: Tận dụng tối đa lợi ích
Sau quá trình đàm phán kéo dài 6 năm, Hiệp định EVFTA đã khép lại và được ký kết vào ngày 30/6.
Đây là cơ hội lớn để doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường EU với 508 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18.000 tỷ USD. Dự báo năm 2019, xuất khẩu của Việt Nam vào EU sẽ tăng thêm 4-6% (so với chưa có EVFTA), tương đương khoảng 19 tỷ USD và tăng thêm hơn 75 tỷ USD đến năm 2028.
Tuy nhiên, để tận dụng được lợi thế của Hiệp định này, Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số thách thức trong việc nâng cao tiêu chuẩn chất lượng và đáp ứng các yêu cầu ngặt nghèo của thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng này.
Lực đẩy tăng trưởng
Trở về với thời điểm tháng 10/2010, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA sau khi hai bên hoàn tất các công việc kỹ thuật. EVFTA là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU. Thực hiện chỉ đạo của hai nhà lãnh đạo, Việt Nam và EU đã chính thức tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA vào ngày 26/6/2012.
Ngày 1/12/2015, EVFTA đã chính thức kết thúc đàm phán và đến ngày 1/2/2016 văn bản Hiệp định đã được công bố. Ngày 26/6/2018, một bước đi mới của EVFTA được thống nhất. Theo đó, EVFTA được tách làm hai Hiệp định là Hiệp định về thương mại và Hiệp định về đầu tư. Tháng 6/2018, hai bên công bố chính thức hoàn tất việc rà soát pháp lý đối với Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA).
EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 và là một trong 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch thương mại song phương đạt 50,4 tỷ USD trong năm 2018. Sau khi được ký kết, EVFTA sẽ là đòn bẩy tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam cũng như cả cộng đồng doanh nghiệp.
[Ký kết EVFTA-EVIPA: Thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế Việt Nam-EU]
Với 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính gồm thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, các vấn đề pháp lý-thể chế, Hiệp định EVFTA được coi là một hiệp định đầu tiên thuộc dạng các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, chất lượng cao. Tức là nó không chỉ bao gồm các vấn đề thương mại mà còn liên quan tới các vấn đề về đầu tư, quản trị, bảo vệ quyền lợi người lao động, môi trường.
EVFTA cũng đảm bảo cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên.
Mức cam kết trong EVFTA có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã được ký kết cho tới nay. Điều này càng có ý nghĩa khi hiện nay, mới chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).
Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu. Cụ thể, khoảng 15,28% vào năm 2020; 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030.
Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18-3,25% (năm 2019-2023); từ 4,57-5,30% (năm 2024-2028) và từ 7,07-7,72% (năm 2029-2033).
Theo ông Trần Ngọc Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương), những mặt hàng chế biến, chế tạo có mức cắt giảm thuế quan lớn hơn những mặt hàng thô, sơ chế. Tuy nhiên, khó có thể nói mặt hàng nào có lợi thế hơn khi Hiệp định có hiệu lực.
Ngoài ra, việc thực thi các cam kết trong Hiệp định EVFTA sẽ mở ra các cơ hội tiếp cận thị trường rất lớn giữa hai bên; đồng thời, cũng tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi cho các nước tham gia Hiệp định trong việc kinh doanh và tiếp cận thị trường.
Hiệp định này cũng đưa ra một số quy tắc trong việc tạo môi trường kinh doanh, giúp cho doanh nghiệp hai bên có thể tiếp cận thị trường một cách thuận lợi.
Tuy nhiên, với sân chơi bình đẳng được quy định trong Hiệp định này, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp EU ở ngay tại thị trường trong nước.
Do vậy, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng vào Việt Nam để sản xuất, tận dụng ưu đãi xuất sang EU nên ngay bản thân các doanh nghiệp trong nước có thể được coi là thách thức tích cực, bởi khi doanh nghiệp Việt Nam vượt qua thách thức này sẽ trưởng thành hơn.
Hiện tại, xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam vẫn chịu nhiều áp lực về các tiêu chuẩn kỹ thuật do yêu cầu cao về vấn đề kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm, quy tắc xuất xứ. Vì thế, nếu hàng hóa Việt Nam đáp ứng được những tiêu chuẩn này thì khi xuất sang EU sẽ không còn rào cản thuế.
Sự chuẩn bị kỹ càng
Ngày 25/6, Hội đồng châu Âu đã thông báo chấp thuận hai hiệp định giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam là Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA); đồng thời ủy nhiệm cho Ủy ban châu Âu ký kết với Việt Nam vào ngày 30/6, tại Hà Nội.
Theo lịch trình, sau khi được ký kết, EVFTA và EVIPA sẽ được trình lên Nghị viện châu Âu (EP) và Nghị viện 28 nước thành viên EU bỏ phiếu thông qua. Theo đánh giá, EVFTA sẽ được EP thông qua vào cuối năm 2019 hoặc đầu năm 2020. Còn EVIPA sẽ mất nhiều thời gian hơn, ít nhất là hai năm để EP và Nghị viện của các quốc gia thành viên thông qua.
Theo Đại sứ-Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu Vũ Anh Quang, để đi đến ký kết hai Hiệp định này, cả Việt Nam và EU đều đã rất cố gắng vận động để gỡ bỏ các rào cản pháp lý, kỹ thuật, đồng thời đẩy nhanh tốc độ thông qua tại các uỷ ban của EU.
Các cuộc vận động được tiến hành tại tất cả các cấp, kể cả cấp cao nhất, tại tất cả các diễn đàn song phương và đa phương. Đồng thời, trong hơn một năm qua, Bộ Ngoại giao và Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các phái đoàn ngoại giao Việt Nam tại EU và các nước châu Âu giành ưu tiên cao nhất cho việc vận động EVFTA.
Phía châu Âu, đặc biệt là từ các Hiệp hội doanh nghiệp và tổ chức tư vấn, cũng vận động mạnh cho hai Hiệp định này thông qua việc tổ chức hàng loạt các cuộc hội thảo về EVFTA cũng như đưa nhiều doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp châu Âu đang làm ăn tại Việt Nam sang trình bày về môi trường kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam.
Tuy nhiên, là một tổ chức có 28 nước thành viên nên quy trình ký kết và thông qua các Hiệp định của EU rất phức tạp, khi các tài liệu cần phải dịch ra ngôn ngữ của tất cả các nước thành viên và phải được rà soát kỹ tại nhiều nước và nhiều Ủy ban của khối.
Các khó khăn này lại đến trong bối cảnh EU phải dồn toàn lực cho hồ sơ Brexit, đồng thời EU có đến 30 văn bản cần phải được hoàn tất để Nghị viện châu Âu thông qua trước thời điểm cuối nhiệm kỳ và trước cuộc bầu cử châu Âu tháng 5/2019.
Vì các lý do đó, đến đầu tháng 6/2019, tất cả nước thành viên EU mới kết thúc việc rà soát về mặt pháp lý và ngôn ngữ các văn bản dịch của hai Hiệp định và lần lượt bật đèn xanh cho việc ký kết.
Tại buổi gặp gỡ giữa Bộ trưởng Trần Tuấn Anh với một số Phòng Thương mại, hiệp hội doanh nghiệp châu Âu, hầu hết các doanh nghiệp châu Âu đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam hình thành một mạng lưới kết hợp với doanh nghiệp châu Âu để thúc đẩy quan hệ Việt Nam-EU.
Trên cơ sở đó, cộng đồng doanh nghiệp EU đã tích cực tham gia vận động cho Hiệp định EVFTA và EVIPA sớm được ký kết và phê chuẩn. Cụ thể, đại diện các hiệp hội cho biết đã cùng ký thư gửi Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Cao ủy Thương mại châu Âu và lãnh đạo các nước Thành viên EU để ủng hộ các Hiệp định này.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định nếu tranh thủ được cơ hội kinh tế khi Hiệp định EVFTA được ký kết cùng với cải cách thể chế, môi trường kinh doanh, Việt Nam sẽ nâng cao được chất lượng tăng trưởng.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, với kết quả đạt được, cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam-EU. Bên cạnh đó, EVFTA có thể coi là một bước hội nhập thành công lớn đối với Việt Nam bởi Việt Nam-EU đã thống nhất ngay từ trước khi chính thức đàm phán một nguyên tắc đó là “nguyên tắc bất cân xứng.”
Hàm ý là do có sự chênh lệch về trình độ phát triển, Việt Nam sẽ được hưởng những linh hoạt nhất định đối với các cam kết trong EVFTA. Các linh hoạt này có thể là lộ trình tự do hóa dài hơn, có thời gian chuyển đổi đủ dài để chuẩn bị thực thi cam kết, được duy trì những ngoại lệ phù hợp.
Ngoài ra, hai bên cũng đã thống nhất một khuôn khổ hợp tác và xây dựng năng lực để hỗ trợ Việt Nam thực thi Hiệp định. Hơn thế nữa, vì thị trường hai bên có tính bổ trợ cao nên các doanh nghiệp của Việt Nam và EU có nhiều điều kiện để hợp tác hơn là cạnh tranh.
Tuy nhiên, đây là sức ép cạnh tranh lành mạnh, có chọn lọc và theo lộ trình phù hợp. Quan trọng hơn, do cơ cấu kinh tế của EU và Việt Nam mang tính bổ sung rất cao, không đối đầu trực tiếp nên dự kiến sức ép cạnh tranh sẽ không lớn.
Mặt khác, EVFTA cũng bao gồm những quy định, quy tắc chặt chẽ về thủ tục đầu tư, hải quan, thuận lợi hóa thương mại, tiêu chuẩn kỹ thuật, các biện pháp kiểm dịch động, thực vật, sở hữu trí tuệ, mua sắm của chính phủ, phát triển bền vững... nên để thực hiện đầy đủ các quy định này đòi hỏi cải cách hệ thống pháp lý của Việt Nam.
Tuy nhiên, về cơ bản việc này cũng phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính, tăng cường hiệu quả của mua sắm công, đổi mới mô hình tăng trưởng.
Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng sẽ đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền, giới thiệu trong các khung khổ và nội dung lớn cũng như phân tích và tư vấn pháp lý về EVFTA và EVIPA, bên cạnh đó có những cơ chế cụ thể để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong những điều kiện cụ thể.
Tuy nhiên, điều quan trọng là sự chủ động của doanh nghiệp. Bản thân doanh nghiệp phải chuẩn bị tâm thế để đi ra “biển lớn” bằng những phương tiện hiện đại nhưng phải làm chủ được các công cụ đó.
Vì vậy, để khai thác được tối đa lợi ích mà hai Hiệp định này mang lại, các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất…để đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật và về vệ sinh an toàn động thực vật của EU.
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, EVFTA có thể coi như là một công cụ quan trọng để nâng cao thương hiệu cho đồ gỗ Việt.
Để tận dụng tốt cơ hội, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam lưu ý các doanh nghiệp gỗ Việt Nam tập trung nguồn lực để đổi mới công nghệ, đặc biệt có kế hoạch cụ thể để triển khai khâu thiết kế sản phẩm và xây dựng thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam.
Đại diện Tập đoàn Hòa Phát cho hay, trong bối cảnh hội nhập, nhất là EVFTA được ký kết, ngay tại thị trường nội địa và để giữ được thị phần, bản thân doanh nghiệp cần nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm của chính mình, có thể thông qua nâng cao chất lượng, giảm giá thành, hay đảm bảo thời gian, dịch vụ cung ứng sản phẩm. Vấn đề này, doanh nghiệp cũng đã ý thức được và có các biện pháp để nâng cao chất lượng.
Cho tới nay, Việt Nam đã ký 12 hiệp định tự do song phương, nhưng có thể nói EVFTA rất quan trọng vì EU là một thị trường rất lớn của Việt Nam bên cạnh các thị trường như Mỹ và Nhật Bản. Ngoài ra, EU cũng là đối tác mà Việt Nam coi trọng trong việc thúc đẩy chính sách đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa./.