Hiệp định thương mại Bắc Mỹ: Mỗi nước tự đặt một tên gọi khác nhau

Trên website chính thức của Chính phủ Canada, “NAFTA mới” được gọi là CUSMA - Hiệp định Canada-Mỹ-Mexico, tức “Canada” được đặt lên trên đầu thay vì ở cuối như USMCA.
Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Canada Justin Trudeau chính thức ký Hiệp định USMCA tại thủ đô Buenos Aires (Argentina) ngày 30/11/2018. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, Canada, Mỹ và Mexico đã ký Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) phiên bản mới bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20) tại Argentina hôm 30/11.

Tuy nhiên, dường như các bên vẫn không thống nhất được tên gọi của hiệp định đồ sộ này.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã không nhắc đến hiệp định thương mại mới là Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) - tên gọi mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố hôm 1/10/2018. Thủ tướng Canada gọi hiệp định này là “NAFTA mới.” 

Rắc rối về cái tên chưa dừng lại ở đó. Trên website chính thức của Chính phủ Canada, “NAFTA mới” được gọi là CUSMA - Hiệp định Canada-Mỹ-Mexico, tức “Canada” được đặt lên trên đầu thay vì ở cuối.

Trong khi đó, Mexico sẽ chính thức gọi hiệp định thương mại vừa ký kết với Mỹ và Canada là Tratado México Estados Unidos Canadá (TMEUC), trong khi truyền thông Mexico gọi là “T-MEC,” được rút gọn từ TMEUC.

Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland giải thích với báo giới hôm 30/11 rằng Canada đang gọi Hiệp định thương mại Bắc Mỹ là CUSMA, và để tránh nhầm lẫn, bà chọn gọi hiệp định là “NAFTA mới."

Cuối tháng 9 vừa qua, Mỹ, Mexico và Canada đã hoàn tất việc nâng cấp, hiện đại hóa NAFTA sau gần một năm thương lượng khó khăn.

Để đổi lấy thỏa thuận thương mại mới này, Canada đã phải nhượng bộ trong lĩnh vực dược phẩm: chi phí sản xuất thuốc tăng do thời hạn bảo hộ dài hơn đối với bản quyền thuốc sinh học.

Canada cũng có những nhượng bộ nhất định trong ngành sữa mà một số ý kiến cho rằng sẽ làm suy yếu ngành sữa quốc gia.

Trong khi đó, thuế đánh vào nhôm, thép nhập khẩu từ Canada chưa được Mỹ dỡ bỏ. Nông dân Canada cũng cảnh báo rằng hiệp định mới sẽ lấy đi nhiều việc làm tại “xứ sở lá phong.” 

Tuy nhiên, hiệp định thương mại mới được cả ba nước kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho tầng lớp trung lưu và tạo ra nhiều cơ hội mới cho hơn 570 triệu cư dân sinh sống dưới "mái nhà" Bắc Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục