Hiệp định hạt nhân dân sự Hàn-Mỹ kéo dài thêm hai năm

Ngày 19/3, thỏa thuận về việc kéo dài thời hạn thêm hai năm đối với Hiệp định hạt nhân dân sự Hàn-Mỹ đã chính thức có hiệu lực.
Nhà máy điện hạt nhân Kori, Hàn Quốc. (Nguồn: rt.com)

Ngày 19/3, thỏa thuận về việc kéo dài thời hạn thêm hai năm đối với Hiệp định hạt nhân dân sự Hàn-Mỹ (thường được gọi tắt là Hiệp định 123) đã chính thức có hiệu lực, theo đó hiệp định này sẽ có hiệu lực đến ngày 19/3/2016 nhằm tạo điều kiện cho hai bên có thêm thời gian đàm phán về việc sửa đổi hiệp định này.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết Chính phủ nước này sẽ tiếp tục nỗ lực nhằm sửa đổi nội dung hiệp định trên theo hướng có lợi cho cả hai bên.

Hiệp định hạt nhân dân sự Hàn-Mỹ được hai bên ký kết vào tháng 6/1974 và có hiệu lực trong vòng 40 năm, trong đó quy định cấm Seoul làm giàu uranium và tái chế nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng nếu không có sự đồng ý của Washington. Đây được cho là biện pháp của Mỹ nhằm thực hiện mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và Seoul không thể là ngoại lệ.

Trong những năm qua, Seoul nhiều lần lên tiếng đề nghị Washington tiến hành sửa đổi hiệp định trên theo hướng “hợp lý và công bằng hơn” so với thỏa thuận giữa Mỹ với các nước khác, ám chỉ việc Mỹ đồng ý cho Nhật Bản có quyền tái chế nhiên liệu hạt nhân và làm giàu uranium nồng độ thấp vào năm 1988.

Hàn Quốc đề nghị nước này được quyền làm giàu uranium và tái chế nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng ở nồng độ thấp nhằm khắc phục tình trạng thiếu nhiên liệu hạt nhân, trong khi các bãi chứa chất thải hạt nhân đang dần đến hồi quá tải khiến nước này chịu nhiều tổn thất vì vừa phải nhập nhiên liệu hạt nhân vừa phải khắc phục các tác động về môi trường tại các bãi chứa chất thải hạt nhân.

Theo các nhà quan sát, bên cạnh lý do trên Hàn Quốc cũng muốn nhân cơ hội này để tăng vị thế cạnh tranh của mình trên thị trường điện hạt nhân quốc tế với tư cách là một trong năm nước xuất khẩu lò phản ứng điện hạt nhân trên thế giới.

Vào năm 2009, nước này đã giành được hợp đồng xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân tại Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) và hiện đang xúc tiến nhằm giành được các hợp đồng khác tại khu vực Đông Nam Á, Trung Đông và Bắc Âu.

Seoul và Washington cũng đã tiến hành 5 vòng đàm phán kể từ tháng 8/2010 nhằm sửa đổi hiệp định trên song không đạt được tiến triển do Mỹ tiếp tục tỏ ra quan ngại về vấn đề chống phổ biến vũ khí hạt nhân nhất là trong bối cảnh Triều Tiên tiếp tục đẩy mạnh phát triển chương trình hạt nhân của nước này.

Do còn khác biệt quan điểm quá lớn giữa Mỹ và Hàn Quốc, vào tháng Tư năm ngoái, hai bên đã nhất trí kéo dài thời hạn của hiệp định thêm hai năm để tiếp tục đàm phán. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng chừng nào vấn đề hạt nhân của Triều Tiên chưa được giải quyết thì Washington sẽ rất khó nhân nhượng với Seoul trong vấn đề này do lo ngại sẽ có thể làm phát sinh vấn đề chạy đua vũ khí hạt nhân trong khu vực một khi tình hình Bán đảo Triều Tiên hoặc khu vực Đông Bắc Á bùng phát căng thẳng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục