Hiệp định EVFTA: Gia Lai xuất khẩu lô càphê đầu tiên sang châu Âu

Đợt này, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Hiệp đã xuất khẩu 14 container với số lượng 296 tấn càphê sang Cảng đến Hamburg, Antwerp của Bỉ và Đức.
Phát lệnh xuất khẩu lô cà phê đầu tiên của Việt Nam sang châu Âu. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Ngày 16/9, tại Gia Lai, lô càphê đầu tiên của Việt Nam đã chính thức xuất khẩu sang thị trường EU theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).

Ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ 1/8/2020, toàn bộ các sản phẩm càphê bao gồm chưa rang, đã rang, các loại càphê chế biến đều được xóa bỏ thuế về 0%. Đồng thời, EU cam kết bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho càphê Việt Nam.

Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho ngành càphê Việt Nam tại thị trường EU.

Đợt này, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Hiệp đã xuất khẩu 14 container với số lượng 296 tấn sang Cảng đến Hamburg, Antwerp của Bỉ và Đức.

Phát biểu tại buổi Lễ xuất khẩu càphê đi châu Âu theo Hiệp định EVFTA do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Hiệp (thành phố Pleiku, Gia Lai) tổ chức, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết, càphê là một trong 13 nông sản chủ lực quốc gia, với lợi thế cạnh tranh cao, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên, nơi tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo.

Ngành càphê đóng góp 3% GDP cả nước, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 600.000 hộ nông dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo ở Tây Nguyên và các vùng trồng càphê khác của Việt Nam.

Từ nhiều năm nay, Việt Nam luôn là quốc gia xuất khẩu càphê lớn thứ 2 thế giới và đứng đầu thế giới về xuất khẩu càphê Robusta, đạt kim ngạch xuất khẩu thường xuyên trên 3 tỷ USD/năm.

Càphê Việt Nam đã có mặt ở hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ và EU là thị trường tiêu thụ nhiều càphê nhất của Việt Nam, chiếm 40% trong tổng lượng và 38% về tổng kim ngạch xuất khẩu.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, triển khai Hiệp định EVFTA cho thấy những kết quả tích cực.

Tháng 8/2020, giá trị xuất khẩu mặt hàng càphê của Việt Nam vào thị trường EU ước đạt gần 76 triệu USD, tăng 34,7% so với tháng 7/2020.

Trong thời gian tới, ngành càphê Việt Nam sẽ đảm bảo đáp ứng được yêu cầu của thị trường EU, đặc biệt các tiêu chuẩn về chất lượng và phát triển bền vững, đưa Việt Nam là điểm tham chiếu cho càphê Robusta toàn cầu.

Để tiếp tục triển khai Hiệp định EVFTA có hiệu quả, đặc biệt trong ngành hàng càphê, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương tiếp tục hướng dẫn người dân sản xuất càphê được chứng nhận do các nhà nhập khẩu châu Âu yêu cầu, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, minh bạch.

Cùng đó, đẩy nhanh áp dụng các tiến bộ về khoa học, kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, thu hoạch, sở chế bảo quản các sản phẩm càphê; chuyển đổi bộ giống càphê theo hướng nâng cao chất lượng, tăng thị phần càphê đặc sản, tiếp tục đăng ký chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của địa phương mình.

Ngoài ra, Hiệp hội càphê ca cao Việt Nam cần nắm bắt, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; cung cấp thông tin kịp thời cho các thành viên về cơ chế, chính sách ưu đãi, hàng rào về kỹ thuật, thông tin thị trường để các doanh nghiệp sớm nắm bắt và có điều chỉnh kịp thời.

Lô càphê đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Các doanh nghiệp chủ động chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định EVFTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và cam kết của EU, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế quan theo Hiệp định này đối với các sản phẩm càphê.

Bên cạnh đó, đổi mới công nghệ, mẫu mã sản phẩm đặc biệt là công nghệ chế biến sâu để đa dạng hóa sản phẩm càphê xuất khẩu sang châu Âu.

[Cơ hội và thách thức với nông sản Việt Nam khi EVFTA được thực thi]

Doanh nghiệp cũng phải đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, tuân thủ các quy định về sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm càphê.

Cũng tại buổi lễ, đại diện thành viên EU tại Việt Nam đánh giá cao lợi thế của ngành càphê Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Nếu Việt Nam tổ chức thực hiện được chứng nhận đảm bảo nguồn gốc xuất xứ thì xem như đã làm được 50% yêu cầu trong quy trình xuất khẩu sang EU.

Tại buổi lễ, các đại biểu tham dự đã tiến hành đi thăm dây chuyền chế biến càphê của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Hiệp, chứng kiến hoạt động xếp hàng vào container.

Ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Hiệp cho biết, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Hiệp là doanh nghiệp sản xuất-xuất khẩu càphê của Việt Nam vinh dự xuất lô sản phẩm càphê đầu tiên đi châu Âu.

Để vào được thị trường châu Âu theo Hiệp định EVFTA, sản phẩm càphê phải đảm bảo không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo tất cả các quy định hết sức khắt khe của thị trường khó tính này.

Khi sản phẩm càphê được vào thị trường các nước EU, các hàng rào thuế quan đã được dỡ bỏ, theo đó thuế trở về bằng 0%, giá trị đem lại cho nông dân, doanh nghiệp và nhà nhập khẩu được bền vững.

Tuy nhiên, sản phẩm càphê bắt buộc phải có truy xuất nguồn gốc, chất lượng cao, có chỉ dẫn địa lý, thực thi các quy trình của Hiệp định EVFTA đã được kiểm soát từ nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu.

Hằng năm, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Hiệp xuất khẩu khoảng 50-70 tấn càphê các loại cho thị trường thế giới, trong đó, xuất sang thị trường châu Âu chiếm 60%. Doanh thu kim ngạch xuất khẩu đạt 150 triệu USD.

Niên vụ 2019-2020, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Hiệp đã xuất sang thị trường châu Âu khoảng 34.000 tấn càphê, gồm các sản phẩm như càphê rang xay, càphê hòa tan, càphê tinh và càphê sạch.

Hiện, sản phẩm càphê của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Hiệp đã đạt toàn bộ các chứng chỉ Quốc tế cho 25.000 ha càphê của đơn vị.

Từ các chứng chỉ của Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu, Hàn Quốc, kể cả chứng chỉ của các tổ chức bền vững; trong đó, có Hà Lan về FOSI, DELFORES.

Đặc biệt, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Hiệp là doanh nghiệp càphê đầu tiên của Việt Nam đạt được chứng nhận USDA của Hoa Kỳ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục