Hiệp định EVFTA: Chuyển đổi số, chất xúc tác hỗ trợ cho xuất nhập khẩu

Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế, tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức.
Chế biến tôm xuất khẩu tôm của Công ty TNHH Thông Thuận chi nhánh Ninh Thuận. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Nhằm tìm giải pháp thúc đẩy xuất khẩu trên nền tảng thương mại điện tử, Bộ Công Thương sẽ phối hợp cùng Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) và Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) đồng tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa, tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) (VOIEF - Vietnam Online Import-Export Forum) lần thứ hai vào ngày 28/7 tại Hà Nội.

Theo Bộ Công Thương, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã và đang triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu, cũng như các doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn hoạt động trao đổi thương mại gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

Xuất khẩu 6 tháng cuối năm có thể hy vọng từ việc thực thi Hiệp định EVFTA, đây là cơ hội lớn để Việt Nam tiếp cận thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới với dân số hơn 508 triệu người, GDP khoảng 18.000 tỷ USD.

Như vậy, sau khi dịch bệnh được kiểm soát tại châu Âu, Hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi thế rất lớn từ việc giảm/xóa bỏ hàng rào thuế quan vào thị trường EU để khai thác thị trường này.

Để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin của người dân và doanh nghiệp trên cả nước về Hiệp định EVFTA một cách thuận lợi và hiệu quả, Bộ Công Thương đã xây dựng và đưa vào vận hành chuyên trang thông tin điện tử về Hiệp định EVFTA tại địa chỉ: http://evfta.moit.gov.vn/.

Đây là Cổng thông tin chính thức của Bộ Công Thương, đăng tải các thông tin tổng quan về EVFTA, cam kết chính của EVFTA trong các lĩnh vực chủ chốt như hàng hóa, dịch vụ - đầu tư,…, các thông tin hữu ích cho nhà xuất khẩu, toàn bộ văn kiện Hiệp định EVFTA (tiếng Anh và bản dịch tiếng Việt).

Cùng với đó là nhiều hoạt động tuyên truyền, giới thiệu nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương đã được Bộ Công Thương tổ chức trong thời gian qua nhằm đảm bảo tận dụng tối đa các cơ hội mà Hiệp định mang lại.

Diễn đàn VOIEF là cơ hội để các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trao đổi về xu hướng xuất nhập khẩu hàng hóa trực tuyến, các hành động cần triển khai để phát huy những lợi thế của thương mại điện tử trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa.

Đồng thời, tạo cơ hội cho các bên liên quan tới lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa đẩy mạnh chuyển đổi số, nắm bắt những cơ hội có được từ các hiệp định thương mại tự do, bao gồm Hiệp định EVFTA, hạn chế cao nhất trở ngại và ảnh hưởng từ COVID -19.

Bộ Công Thương cho biết chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu là quá trình áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp xuất nhập khẩu tham gia vào thủ tục hành chính.

[Khai mạc diễn đàn Chuyển đổi số và các mô hình kinh tế mới cho báo chí]

Theo cách truyền thống, thủ tục hành chính được thực hiện bằng hình thức hồ sơ giấy, nhưng khi áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin, thủ tục hành chính sẽ được thực hiện và xử lý trực tuyến, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho người tham gia thủ tục hành chính.

Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin từ rất sớm để cải cách thủ tục hành chính nhằm thúc đẩy xuất khẩu.

Hiệp định Thương mại Tự do EVFTA sẽ là cơ hội lớn cho cho ngành da giày của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU. (Ảnh: TTXVN)

Điển hình là Hệ thống chứng nhận xuất xứ điện tử eCoSys của Bộ Công Thương cho phép thương nhân xuất khẩu nộp chứng từ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) trực tuyến.

Đến nay, trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, 6 thủ tục hành chính đã thực hiện hoàn toàn dưới hình thức trực tuyến và kết nối Hệ thống một cửa quốc gia (2 thủ tục cấp phép nhập khẩu các chất làm suy giảm tầng ozon, thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi Mẫu D, thủ tục cấp giấy chứng nhận quy trình Kimberley đối với kim cương thô, 2 thủ tục về cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) đối với sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu thuộc quyền quản lý của Bộ Công Thương.

Ngoài ra, còn có 11 thủ tục hành chính được thực hiện hoàn toàn dưới hình thức trực tuyến cấp độ 4 (2 thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh xuất khẩu gạo (cấp mới, cấp đổi), thủ tục cấp giấy phép tạm xuất, tái nhập hàng hóa theo hình thức khác, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh chuyển khẩu.

Đặc biệt, có 3 thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu ôtô (cấp mới, cấp đổi, cấp lại); 3 thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam (cấp mới, cấp lại, gia hạn); thủ tục cấp phép nhập khẩu tự động thuốc lá điếu, xì gà).

Trên cơ sở đó, quá trình chuyển đổi số hay điện tử hóa trong lĩnh vực xuất nhập khẩu góp phần làm giảm khối lượng công việc và hồ sơ giấy phải lưu tại cơ quan, tổ chức xử lý thủ tục hành chính. Nhờ vậy, góp phần tăng chất lượng dịch vụ công và thời gian để giải quyết các hồ sơ của các thủ tục hành chính.

Lợi ích to lớn của chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu là tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế, tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức. Từ đó, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương cam kết sẽ mở rộng và phát triển nhiều dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 hơn nữa, xứng đáng là một trong những đơn vị tiên phong trong cải cách hành chính, triển khai Chính phủ điện tử, thực hiện phương châm Chính phủ kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục