Hiệp định CPTPP: Nhiều vấn đề nan giải với nhân tố mới Trung Quốc

Việc Trung Quốc gia nhập CPTPP có thể được xem là cách tạo ra một phiên bản "RCEP-II" cao cấp hơn nếu các điều khoản trong "RCEP-I" được nâng cấp lên mức tương đương với các điều khoản trong CPTPP.
Tàu hàng cập cảng ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng eastasiaforum.org đưa tin tại Thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) hôm 20/11/2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trở thành tâm điểm chú ý của báo chí quốc tế khi tuyên bố Trung Quốc đang cân nhắc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vốn có hiệu lực từ tháng 12/2018.

Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh "bức tranh" thương mại của khu vực châu Á-Thái Bình Dương có xu hướng "chuyển gam màu" do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung kéo dài và Hiệp định đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký 5 ngày trước đó.

Đi ngược lại chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của cựu Tổng thống Donald Trump, chính quyền Tổng thống Biden đang đưa Mỹ trở lại vai trò quản trị toàn cầu bằng cách đưa Mỹ tái gia nhập các thể chế đa phương, trong đó có Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

[Chuyên gia EIU: Mỹ vẫn giàu hơn Trung Quốc trong 50 năm tới]

Chủ trương "xoay trục" trở lại châu Á của chính quyền Tổng thống Biden có thể dẫn đến khả năng Mỹ sẽ tái gia nhập CPTPP sau khi khắc phục các vấn đề cấp bách trong nước, trong đó có nỗ lực xóa tan tinh thần phản đối quá trình toàn cầu hóa diễn ra công khai tại Mỹ.

Mỹ đã đánh mất rất nhiều uy tín lãnh đạo tại châu Á trong vấn đề bảo vệ trật tự thương mại tự do.

Bất chấp việc nước này rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thỏa thuận này vẫn được cứu vãn nhờ nỗ lực không mệt mỏi của Nhật Bản.

Kết quả là các nước thành viên chủ chốt còn lại nhất trí từ bỏ hoặc thỏa hiệp về một số điều khoản nhạy cảm để đi đến ký kết thỏa thuận cuối cùng.

Ngoài Trung Quốc thì Anh, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan và Đài Loan cũng muốn gia nhập CPTPP. Các nền kinh tế lớn là thành viên của TPP và RCEP cũng là các thành viên của APEC.

Nếu những nước muốn tham gia một CPTPP mở rộng, trong đó có Trung Quốc, đều cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn cao trong hiệp định này, ngay cả khi rào cản tái gia nhập hiệp định ngày càng khó khăn hơn thì điều này sẽ giúp thúc đẩy tiến bộ trong nỗ lực đạt được mục tiêu thành lập một khu vực thương mại tự do của châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP). Đây là mục tiêu mà lãnh đạo các nước thành viên APEC đặt ra từ năm 2004.

Có tới 7/11 thành viên của CPTPP, trong đó có Nhật Bản và Australia, cũng là các nền kinh tế thành viên thuộc RCEP.

Việc Trung Quốc gia nhập CPTPP mà không có Mỹ có thể được xem là cách tạo ra một phiên bản "RCEP-II" cao cấp hơn nếu các điều khoản trong "RCEP-I" được nâng cấp lên mức tương đương với các điều khoản trong CPTPP.

Do đó, với sự trở lại của Mỹ và sự tham gia của Trung Quốc, cùng với những thành viên khác thuộc RCEP cũng muốn tham gia CPTPP, một CPTPP mở rộng có thể dẫn tới một FTAAP.

Điều này đáng được hoan nghênh là một khu vực thương mại tự do lý tưởng hướng tới mục tiêu bị trì hoãn lâu nay của WTO về việc xây dựng chủ nghĩa đa phương dựa trên nguyên tắc tối huệ quốc.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc Trung Quốc gia nhập CPTPP lại phức tạp hơn. Nếu các nước đối tác bất đồng về những thành tố chính của điều khoản "sân chơi công bằng," thì những nỗ lực hướng tới quá trình hội nhập kinh tế sẽ khó mang lại kết quả. Có rất nhiều vấn đề nan giải đối với các nước có nguyện vọng gia nhập CPTPP, đặc biệt là Trung Quốc.

Những vấn đề này bao gồm việc cấm nhà nước trợ cấp cho doanh nghiệp nhà nước, giải quyết tranh chấp đầu tư nhà nước, quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm sinh học, các điều kiện lao động trong dự án mua sắm của chính phủ, những hạn chế đối với dòng tự do dữ liệu và địa phương hóa cũng như thương mại số.

Bức tranh về một khu vực thương mại tự do hiện đại trở nên phức tạp hơn và thiếu thực tế khi xét đến những tiêu chuẩn minh bạch để triển khai hiệp định tự do thương mại và các yếu tố an ninh chiến lược đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Một số tiêu chuẩn minh bạch đã được đưa vào Hiệp định Đầu tư Toàn diện EU-Trung Quốc (CAI), vốn được hoàn tất trên nguyên tắc hôm 30/12/2020, cho phép Liên minh châu Âu (EU) tăng cường khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, những cam kết của Trung Quốc trong CAI lại không đáp ứng đủ những tiêu chuẩn cao của CPTPP.

Ban đầu, TPP được Mỹ thiết kế nhằm chống lại sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc.

Đáp lại, Trung Quốc đã tỏ ra nhiệt tình đối với việc hoàn tất RCEP. Ban đầu, ASEAN và Nhật Bản coi RCEP là đối thủ cạnh tranh với TPP.

Nếu Mỹ và Trung Quốc vẫn cùng duy trì động lực của họ đối với tham vọng bá chủ khu vực, thì Washington và Bắc Kinh sẽ khó "ngồi chung" trên một "con thuyền" CPTPP mở rộng.

Với khả năng Mỹ có thể trở lại CPTPP trong tương lai, Washington và các quốc gia thành viên chủ chốt khác của TPP có thể "sàng lọc" những thành viên mới, đồng thời soạn thảo các quy định thương mại chặt chẽ hơn. Khi đó, CPTPP sẽ trở thành một hiệp định thương mại gắn kết các nước có cùng chí hướng chính trị hơn trước.

Trong bối cảnh đối đầu Mỹ-Trung về chính trị-kinh tế như hiện này, việc Trung Quốc gia nhập CPTPP sẽ là một chặng đường dài phía trước.

Một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc đang có động lực thúc đẩy tham gia CPTPP khi tiến hành chương trình cải cách trong nước hướng đến các tiêu chuẩn cao của CPTPP.

Tuy nhiên, vẫn cần chờ xem Trung Quốc sẽ triển khai chương trình cải cách này như thế nào để đáp ứng các tiêu chuẩn gia nhập CPTPP.

Trong bối cảnh đầy thách thức và khó đoán định này, việc Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sớm hoàn tất một thỏa thuận thương mại ba bên có thể giúp tạo ra một sự hội tụ của hai thỏa thuận thương mại lớn này.

Nói cách khác, điều này có thể giúp Trung Quốc dễ bước chân vào CPTPP hơn.

Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc bắt đầu đàm phán về một thỏa thuận thương mại ba bên từ năm 2012 bất chấp quan hệ gay gắt giữa ba nước.

Lãnh đạo ba nước Đông Bắc Á này cũng cam kết thực hiện một "môi trường thương mại và đầu tư tự do, không phân biệt, minh bạch, ổn định và dễ kiểm soát" tại Thượng đỉnh Ba bên ở Thành Đô năm 2020.

Nhiều nền kinh tế RCEP đang trải qua giai đoạn suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng do đại dịch COVID-19.

Các nền kinh tế này muốn tránh rơi vào tình thế bị phụ thuộc vào nền kinh tế Mỹ hoặc Trung Quốc trong những năm tới. Chỉ khi hai cường quốc này hợp tác, các vấn đề khẩn cấp toàn cầu như đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu mới có thể được xử lý hiệu quả.

Để đưa hai nước lại gần nhau, các "quốc gia cầu nối" trong CPTPP và RCEP cần "đồng thanh tương ứng" bảo vệ một trật tự tự do thương mại khu vực gắn kết sâu rộng hơn và dựa vào luật lệ.

Ngoài ra, các quốc gia này cần đóng vai trò là những trung gian hòa giải thực tâm. Từ đó, các cường quốc thương mại trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương cần tỏ thái độ ôn hòa, đa phương và chân thành.

Để xây dựng một khuôn khổ FTAAP vững chắc và rộng lớn tại châu Á-Thái Bình Dương, sự tin cậy lẫn nhau là yếu tố then chốt./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục