Sau 2 năm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đi vào thực thi đã giúp kim ngạch xuất khẩu sang thị trường các nước trong khối đã tăng trưởng mạnh mẽ.
Cùng với đó, CPTPP đã và đang trở thành động lực mở đường cho hàng Việt sang thị trường các nước châu Mỹ vốn còn rất mới mẻ và tiềm năng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định như vậy tại hội thảo "CPTPP-Cơ hội mở rộng thị trường châu Mỹ cho hàng xuất khẩu Việt Nam" do Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ, tổ chức sáng 27/4 dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến nhằm nhìn lại chặng đường hai năm thực thi Hiệp định CPTPP và tác động đối với việc phát triển thị trường tại các nước thành viên CPTPP thuộc khu vực châu Mỹ.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, trong những năm gần đây, quan hệ kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và các nước châu Mỹ đã không ngừng phát triển.
Hiệp định CPTPP được phê chuẩn vào 30/12/2018 và có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ ngày 14/1/2019 được coi là bước ngoặt quan trọng tạo ra xung lực mới để thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các nước đối tác thành viên nói chung và các nước khu vực châu Mỹ nói riêng.
Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực châu Mỹ vẫn đạt nhiều kết quả đáng khích lệ và trở thành điểm sáng trong trao đổi thương mại giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.
Theo đó, năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và châu Mỹ đạt gần 111,5 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2019; trong đó, xuất khẩu đạt 89,7 tỷ USD, tăng 21,7% và chiếm tỷ trọng 31,7% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam.
[Điểm danh các ứng cử viên tiềm năng cho việc mở rộng CPTPP]
Sau hai năm đi vào thực thi, kim ngạch xuất khẩu sang hai quốc gia đã phê chuẩn Hiệp định CPTPP là Canada và Mexico đã tăng trưởng mạnh mẽ, lần lượt đạt kim ngạch 4,4 tỷ USD, tăng 45% và 3,17 tỷ USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2018.
Các nước còn lại dù chưa phê chuẩn Hiệp định nhưng cũng chứng kiến tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Đơn cử như xuất khẩu sang thị trường Chi lê tăng 30%, Peru tăng 21%... so với năm 2018.
Tiếp đà tăng trưởng, trong 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sang các đối tác Hiệp định CPTPP của Việt Nam tại khu vực châu Mỹ cũng tăng trưởng tích cực.
Thống kê cho thấy trong quý 1 vừa qua, xuất khẩu sang Canada tăng 15%, đạt 1,13 tỷ USD, xuất khẩu sang Chile tăng 12% đạt 321 triệu USD, Mexico tăng 17% đạt 931 triệu USD và Peru tăng 35% đạt 134 triệu USD…
"Những con số trên đã và đang trở thành động lực mở rộng đường cho hàng Việt sang thị trường các nước châu Mỹ vốn còn rất mới mẻ và tiềm năng," Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, ngoài việc khai thác thị trường CPTPP, các doanh nghiệp còn có thể nghiên cứu khả năng tận dụng những ưu đãi, các mỗi liên kết kinh tế và cơ sở hạ tầng sẵn có của các nước nước thành viên CPTPP. Qua đó, đưa hàng Việt Nam thâm nhập và mở rộng sang các thị trường khác thuộc khu vực châu Mỹ. Bởi đây là khu vực tiềm năng, khu vực này có mối liên kết kinh tế thông qua các hiệp định thương mại tự do với mối ràng buộc chặt chẽ với nhau.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho rằng doanh nghiệp nếu tận dụng tốt các cơ chế liên kết kinh tế và ưu đãi thương mại này, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể tìm thấy những cơ hội kinh doanh thuận lợi, đa dạng hóa mặt hàng và thị trường xuất khẩu trong bối cảnh hiện nay.
Chia sẻ tại hội thảo, bà Đỗ Thị Thu Hương, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Canada cho biết Canada là thị trường khá tiềm năng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Với dân số hơn 36 triệu người và mức tăng trưởng GDP ổn định (3%/ năm), Canada là một trong số những thị trường phát triển. Giá trị nhập khẩu trên đầu người tại Canada luôn luôn cao gấp đôi Mỹ dù quy mô dân số chỉ bằng 1/10.
Chính phủ Canada cũng ban hành nhiều chính sách khuyến khích hấp dẫn, với nhiều mặt hàng được miễn thuế đến 0% và những dự án hỗ trợ đưa hàng Việt Nam tiếp cận thị trường Canada thuận lợi hơn.
Mặt khác, Việt Nam cũng được Canada xem là đối tác thương mại ưu tiên nhờ việc tham gia tích cực vào các Hiệp định thương mại tự do và nền kinh tế năng động. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam tại Canada bao gồm thủy hải sản, nông sản, hàng dệt may, giầy dép, gỗ và các chế phẩm từ gỗ….
Tuy nhiên, để thâm nhập được sâu hơn vào thị trường này, bà Đỗ Thị Thu Hương lưu ý doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động hơn nữa trong việc tìm hiểu về Hiệp định CPTPP. Ngoài ra, doanh nghiệp cần tìm hiểu sâu, rõ hơn về thuế nhập khẩu ưu đãi; thích ứng với quy tác xuất xứ, thủ tục lưu trữ, chứng minh xuất xứ. Doanh nghiệp Việt Nam phải tiếp tục sử dụng những nền tảng thương mại điện tử để giao lưu, kết nối hợp tác với các doanh nghiệp Canada trong bối cảnh dịch COVID-19.
Tương tự, ông Lưu Vạn Khang, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mexico cũng khẳng định xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mexico có sự bật tăng mạnh trong 2 năm đầu tiên Hiệp định CPTPP có hiệu lực.
Theo đó, xuất khẩu bình quân của Việt Nam sang Mexico tăng 19% trong năm 2019-2020. Năm 2019, xuất khẩu sang Mexico đạt 2,83 tỷ USD, tăng 26% so với 2018; sang năm 2020 đạt 3,17 tỷ USD, tăng 12,2%... 3 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mexico tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 931 triệu USD.
Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, tại hội thảo, các chuyên cũng chỉ ra rằng, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác trong Hiệp định CPTPP và khu vực châu Mỹ vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong hợp tác kinh tế kinh doanh như: khoảng cách địa lý xa, chưa có tuyến vận tải hàng hóa và hành khách trực tiếp, sự khác biệt về ngôn ngữ và việc thiếu thông tin cập nhật về tiếp cận thị trường.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đang gặp phải một số khó khăn trong việc đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ, vấn đề chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường… Do đó, các chuyên gia và doanh nghiệp đã đưa ra những phân tích, nhận định và giải pháp tăng cường kết nối với các doanh nghiệp, nhà nhập khẩu nước ngoài. Điều này nhằm xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường, chiến lược kinh doanh bài bản hơn cũng như tận dụng những ưu đãi đang có với các nước thành viên Hiệp định CPTPP./.