Hiệp định CPTPP: Động lực mạnh mẽ thúc đẩy thương mại, đầu tư Việt Nam-Anh

Kể từ khi Việt Nam và Vương quốc Anh tuyên bố nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2010 đến nay trao đổi thương mại giữa hai quốc gia tăng trưởng hơn 3 lần, đạt mức 6,84 tỷ USD năm 2022.
Thông quan hàng hóa xuất khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Theo ông Tạ Hoàngh Linh, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương), cùng với việc Hiệp định Thương mại Tự do song phương Việt Nam-Anh (UKVFTA) và mới đây nhất là việc Vương quốc Anh chính thức ký thỏa thuận gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào ngày 16/7, đây sẽ là những động lực mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại-đầu tư hai chiều tiếp tục phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

Thông tin trên được ông Tạ Hoàng Linh đưa ra tại “Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Vương quốc Anh 2023” diễn ra ngày 24/11, tại Hà Nội.

Thương mại tăng trưởng mạnh mẽ

Hiện nay, Vương quốc Anh là thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 trên thế giới và lớn thứ 4 của Việt Nam ở khu vực châu Âu, châu Mỹ. Kể từ khi hai nước Việt Nam và Vương quốc Anh tuyên bố nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2010 đến nay, theo số liệu của Hải quan Việt Nam, trao đổi thương mại giữa hai quốc gia tăng trưởng hơn 3 lần, đạt mức 6,84 tỷ USD năm 2022.

Nhấn mạnh về hiệp định UKVFTA và CPTPP, ông Tạ Hoàng Linh cho biết mặc dù từ đầu năm đến nay, trao đổi thương mại của Việt Nam với hầu hết các thị trường xuất khẩu trọng điểm tại khu vực châu Âu chứng kiến đà sụt giảm do căng thẳng địa chính trị và những khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu, tuy nhiên thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh vẫn tiếp tục ghi nhận là một trong những điểm sáng, khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều trong 10 tháng năm 2023 đạt 5,87 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng lưu ý, từ đầu năm đến nay, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có sự tăng trưởng tốt, như sản phẩm từ cao su (66%), dây điện và dây cáp điện (55,5%), điện thoại các loại và linh kiện (21%), máy móc thiết bị (15,5%), bên cạnh các nhóm hàng nông sản như rau quả (15,5%), hạt điều (7,2%), càphê (5,7%)… Cùng với đó, Việt Nam cũng tăng cường nhập khẩu nhiều mặt hàng từ Vương quốc Anh, đặc biệt là dược phẩm và máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng phục vụ sản xuất.

Mặc dù có nhiều cơ hội trong lĩnh vực thương mại với Vương Quốc Anh, song ông Nguyễn Cảnh Cường, nguyên Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Vương Quốc Anh cũng nhấn mạnh những thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam cần phải quan tâm và chuyển đổi khi muốn xuất khẩu vào thị trường này, trong đó có “cơ chế điều chỉnh biên giới carbon” (CBAM) của Liên minh châu Âu (EU) nhưng cũng đồng thời được thực thi tại Anh.

“Nước Anh là một đất nước tiên phong trong xu hướng sản xuất và tiêu dùng thân thiện với môi trường, bảo vệ môi trường, và xu hướng đó ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế, đến người tiêu dùng, đến hành vi tiêu dùng của nước Anh và trong một số ngành thì xu hướng tiêu dùng đấy sẽ dẫn tới sự thay đổi về sản xuất, phân phối… do vậy các sản phẩm của Việt Nam nếu đi theo xu hướng này là sẽ có cơ hội tại Anh…,” ông nói.

Tối ưu việc khai thác lợi thế các FTA

Là một doanh nghiệp xuất khẩu khá thành công tại thị trường Anh những năm gần đây về các sản phẩm dược mỹ phẩm thảo dược, bà Nguyễn Thị Hương Liên, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phầnSao Thái Dương đánh giá cao vai trò của các Tham tán, Cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, trong đó chính là việc nắm vững về thị trường, các quy định của thị trường và hoạt động xúc tiến thương mại…

Ông David Johnstone, Trưởng bộ phận thực thi FTAs, Bộ Kinh doanh và Thương mại Vương quốc Anh nhấn mạnh, ngoài các lợi ích rõ rệt về mặt thuế quan, bổ sung thêm nhiều ưu đãi hấp dẫn so với Hiệp định song phương hiện có, hiệp định CPTPP còn tạo ra những lợi ích to lớn cho cả hai nước trong việc tích hợp sâu hơn vào chuỗi cung ứng của nhau, thuận lợi hóa quá trình kinh doanh của doanh nghiệp hai bên.

Tính đến ngày 20/10/2023, Vương quốc Anh có 550 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 4,28 tỷ USD, đứng thứ 15 trong số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam.

Các diễn giả trao đổi tại Diễn dàn Việt Nam-Vương Quốc Anh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bà Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ cho biết nhờ Hiệp định FTAgiữa Việt Nam và Vương quốc Anh có hiệu lực trong vòng 2 năm rưỡi qua, Vương Quốc Anh là nước có dự án được cấp mới nhiều nhất trong số các quốc gia đầu tư tại Việt Nam, tức là trong giai đoạn 2 năm rưỡi đấy đã có 129 dự án được cấp phép với tổng vốn đầu tư là 360 triệu USD Mỹ.

Các địa bàn đầu tư chính của Vương quốc Anh tại Việt Nam đứng đầu là thành phố Hồ Chí Minh, sau đó là tỉnh Đồng Nai và các thành phố khác là Hà Nội, Hải Dương, Long An và Bình Dương…

Các dự án đầu tư của Vương quốc Anh tại Việt Nam khá đa dạng, trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo, công nghiệp, xử lý môi trường đến tài chính ngân hàng, kinh doanh bất động sản, bán lẻ, giáo dục, y tế… Ở chiều ngược lại, Việt Nam hiện có 14 dự án đầu tư sang Vương quốc Anh với tổng vốn đầu tư đạt 17,3 triệu USD.

“Cùng với Hiệp định FTA song phương đã có, chúng tôi tin tưởng hoạt động trao đổi thương mại, đầu tư giữa hai nước sẽ ngày càng phát triển trong thời gian tới, đồng thời, xung lực kép từ hai Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới này sẽ tạo thêm nhiều ưu đãi cho các nhóm hàng hóa và dịch vụ của Vương quốc Anh tại thị trường Việt Nam, cũng như tăng thêm dư địa và sức hút trong lĩnh vực đầu tư tại địa bàn của nhau,” lãnh đạo Vụ thị trường châu Âu-châu Mỹ nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục