Báo cáo mới đây của Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) cho thấy các hiện tượng thời tiết cực đoan đã gây thiệt hại 2.000 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu trong thập kỷ qua.
Thông tin này được đưa ra giữa bối cảnh các nhà ngoại giao thế giới đang tham gia cuộc tranh luận căng thẳng về vấn đề tài chính trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 29 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 29) diễn ra tại Baku, Azerbaijan.
Báo cáo trên phân tích 4.000 sự kiện thời tiết cực đoan liên quan đến khí hậu, từ lũ quét cuốn trôi nhà cửa trong chớp mắt đến hạn hán kéo dài làm thiệt hại mùa màng trong nhiều năm qua, và ghi nhận mức thiệt hại kinh tế đạt 451 tỷ USD chỉ trong hai năm gần đây.
Những con số này phản ánh toàn bộ thiệt hại kinh tế do thời tiết cực đoan, chứ không phải phần thiệt hại mà các nhà khoa học có thể quy trực tiếp cho biến đổi khí hậu.
Các con số này được công bố khi các nhà lãnh đạo thế giới đang tranh luận về trách nhiệm của các quốc gia giàu có trong việc hỗ trợ các nước nghèo chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, thích nghi với tình trạng Trái Đất ấm lên và đối phó với thiệt hại từ các hiện tượng thời tiết ngày càng khắc nghiệt.
Ông John Denton, Tổng thư ký ICC, cho biết: “Dữ liệu trong thập kỷ qua chứng minh rõ ràng rằng biến đổi khí hậu không phải là vấn đề của tương lai. Nền kinh tế thực đang phải gánh chịu những tổn thất lớn về năng suất do các hiện tượng thời tiết cực đoan ngay tại thời điểm này.”
Báo cáo cho thấy xu hướng tăng dần trong chi phí thiệt hại từ các hiện tượng thời tiết cực đoan từ năm 2014 đến năm 2023, với mức tăng đột biến vào năm 2017 khi mùa bão hoạt động mạnh gây thiệt hại lớn cho khu vực Bắc Mỹ.
Mỹ là quốc gia chịu thiệt hại kinh tế lớn nhất do các hiện tượng thời tiết cực đoan trong giai đoạn 10 năm qua, lên tới 935 tỷ USD, tiếp theo là Trung Quốc với 268 tỷ USD và Ấn Độ 112 tỷ USD. Đức, Australia, Pháp và Brazil cũng nằm trong top 10.
Khi tính theo thiệt hại trên đầu người, các đảo nhỏ như Saint Martin và Bahamas chịu thiệt hại lớn nhất.
Trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã có thể đánh giá chính xác hơn vai trò của con người trong việc tác động đến các hiện tượng thời tiết cực đoan. Một nghiên cứu tháng trước cho thấy biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây ra hơn một nửa trong số 68.000 ca tử vong vì nắng nóng trong mùa Hè 2022 ở châu Âu.
Một nghiên cứu khác nhận định biến đổi khí hậu đã tăng gấp đôi khả năng mưa lớn tại Trung Âu vào tháng Chín năm nay.
Ông Ilan Noy, nhà kinh tế học chuyên về thảm họa tại Đại học Victoria Wellington, cho biết số liệu từ báo cáo của ICC phù hợp với các nghiên cứu trước đây của ông nhưng nhấn mạnh rằng dữ liệu đó chưa phản ánh đầy đủ bức tranh thực tế.
Ông nói: "Điều đáng chú ý là những con số này bỏ sót tác động đáng kể tại các cộng đồng nghèo và các quốc gia dễ bị tổn thương."
ICC kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hành động nhanh chóng để hỗ trợ tài chính cho các quốc gia cần giúp đỡ trong việc cắt giảm ô nhiễm và phát triển bền vững để có thể chịu được những cú sốc từ những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt./.
COP29 đạt bước đột phá đầu tiên về thị trường carbon
Hệ thống tín dụng carbon được thiết lập để các tổ chức hoặc quốc gia giảm phát thải khí nhà kính của mình nhiều hơn mức cam kết, có thể bán tín dụng carbon của mình cho các tổ chức hoặc quốc gia khác.