Hiện tượng của rối loạn chức năng khứu giác liên quan tới COVID-19

Theo nghiên cứu, hầu hết bệnh nhân bị loạn khứu giác có thể chỉ ra mùi hương cụ thể bị biến đổi cảm nhận, trong khi chỉ số ít người bị ảo giác khứu giác có thể xác định mùi hương bị biến đổi.
Hiện tượng của rối loạn chức năng khứu giác liên quan tới COVID-19 ảnh 1Virus SARS-CoV-2 chụp qua kính hiển vi điện tử trên mẫu bệnh phẩm tại phòng thí nghiệm ngày 1/8/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mất khứu giác và vị giác đột ngột đã trở thành một triệu chứng phổ biến ở những bệnh nhân mắc COVID-19.

Tuy nhiên, một số người mỗi sáng thức dậy lại phát hiện mùi càphê ưa thích quen thuộc đã bị biến đổi thành mùi hôi thối của rác thải hoặc thịt thối rữa, một hội chứng được gọi là loạn khứu giác (parosmia) - biến đổi cảm nhận mùi.

Trong khi đó, một số người khác lại ngửi thấy thoang thoảng khói thuốc lá dù trên thực tế mùi hương đấy không tồn tại và đây được gọi là chứng ảo giác khứu giác (phantosmia).

Giờ đây, các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Monell Chemical Senses đã chỉ ra sự khác biệt giữa hai hội chứng này trên tạp chí Chemical Senses.

Việc nắm được sự khác biệt về nhân khẩu học, tiền sử bệnh và các vấn đề về chất lượng cuộc sống liên quan đến từng tình trạng bệnh có thể cung cấp cái nhìn thấu đáo hơn về chức năng của khứu giác, cũng như hỗ trợ bác sĩ điều trị bệnh nhân hiệu quả hơn.

Nhóm nghiên cứu đã khảo sát hơn 2.100 người mắc ít nhất một chứng rối loạn khứu giác trong suốt cuộc đời.

Kết quả cho thấy 46% những người được hỏi cho biết đã gặp tình trạng biến đổi cảm nhận mùi, với 19% người bị loạn khứu giác và 11% người gặp ảo giác khứu giác; 16% số người được hỏi mắc cả hai tình trạng trên.

Để có kết quả này, các nhà nghiên cứu đã phân phối một bảng câu hỏi trực tuyến bằng tiếng Anh trên toàn cầu. Dữ liệu khảo sát được thu thập từ tháng 5/2019 đến tháng 10/2020.

Sự khác biệt giữa các rối loạn bao gồm thứ nhất là tuổi và giới tính. Bệnh nhân bị loạn khứu giác có nhiều khả năng là nữ giới và ở độ tuổi trẻ hơn những người bị ảo giác khứu giác hoặc mất hoàn toàn khứu giác (anosmia) hoặc giảm khứu giác (hyposmia - mất mùi một phần).

Ngược lại, những người gặp ảo giác khứu giác thường ở độ tuổi 41-50 tuổi và tình trạng mất hoặc giảm khứu giác tăng cao ở những người lớn tuổi. Không có sự khác biệt về giới tính giữa những người bị ảo giác khứu giác với mất hay giảm khứu giác.

[Nghiên cứu mới về các triệu chứng rõ ràng nhất của việc mắc COVID-19]

Thứ hai là nguyên nhân. Việc nhiễm virus dẫn đến hiện tượng biến đổi cảm nhận mùi với tần suất thường xuyên hơn các chứng rối loạn khứu giác khác, trong khi tác động chấn thương ở đầu lại chủ yếu dẫn đến hiện tượng ảo giác khức giác so với các chứng rối loạn khác.

Thứ ba, những người gặp hiện tượng loạn khứu giác có khả năng cải thiện và phục hồi theo thời gian cao hơn. Trong khi đó, những người bị ảo giác khứu giác lại có xu hướng không cải thiện theo thời gian.

Thứ tư, hầu hết các bệnh nhân bị loạn khứu giác đều có thể chỉ ra các mùi hương cụ thể bị biến đổi cảm nhận, trong khi chỉ một số ít người bị ảo giác khứu giác có thể xác định nguồn mùi hương bị biến đổi.

Các cơ chế thần kinh của chứng loạn khứu giác và ảo giác khứu giác vẫn còn là vấn đề gây tranh luận giữa các nhà khoa học.

Tiến sỹ Robert Pellegrino, tác giả chính của nghiên cứu, nhấn mạnh kết quả trên cho thấy việc biến đổi cảm nhận mùi có sự khác biệt và phổ biến ở những người bị suy giảm chức năng khứu giác.

Ông bày tỏ hy vọng các nhà khoa học sẽ tiến hành thêm nhiều nghiên cứu hơn về lý do gây những tình trạng này, qua đó đưa ra những giải pháp để điều trị hiệu quả cho các bệnh nhân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục