Hiện thực hóa tài nguyên năng lượng: 'Ước mơ cháy bỏng' của miền Trung

Những điều kiện tự nhiên khắc nghiệt 'nắng to, gió lớn' từng được coi là bất lợi đối với phát triển kinh tế thì nay lại là nguồn nguyên liệu đầu vào tiềm năng cho phát triển điện năng quy mô lớn.
Phát triển bền vững năng lượng xanh, năng lượng tái tạo thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. (Ảnh: Công Thử/TTXVN )
Phát triển bền vững năng lượng xanh, năng lượng tái tạo thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. (Ảnh: Công Thử/TTXVN )

Những năm gần đây, vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu trở thành những vấn đề quan tâm của toàn cầu và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.

Chính phủ đã kịp thời, nhạy bén ban hành nhiều quyết sách, chủ trương nhằm khuyến khích phát triển các loại hình năng lượng tái tạo. Đây cũng chính là cơ hội và bước ngoặt để các địa phương vùng Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ nhận diện rõ hơn về tiềm năng, lợi thế vượt trội của mình.

Đi từ không thể… đến có thể

Ông Võ Văn Hưng. Chủ tịch tỉnh Quảng Trị, cho biết nếu như điều kiện tự nhiên khắc nghiệt với “nắng to, gió lớn” đã từng được coi là bất lợi đối với phát triển kinh tế của tỉnh trong một thời gian dài, thì nay những yếu tố này đã trở thành nguyên liệu đầu vào rất quý để sản xuất điện năng với sản lượng lớn.

“Điều này vừa góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, vừa góp phần quan trọng thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế tinh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa,” ông Hưng nhấn mạnh.

[Ninh Thuận định hướng phát triển năng lượng xanh làm đòn bẩy bứt phá]

Tại Nghị quyết số 26-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị xác định rõ quan điểm và mục tiêu là đổi mới tư duy phát triển, tạo đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động trên cơ sở phát triển nhanh, bền vững tương xứng với tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng.

Hiện thực hóa Nghị quyết, trong Chương trình hành động của Chính phủ đã chỉ ra các giải pháp nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế biển; trong đó năng lượng tái tạo nổi lên, trở thành một động lực tích cực thúc đẩy kinh tế-xã hội của vùng tăng trưởng nhanh và bền vững. Trên cơ sở đó, các trung tâm năng lượng tải tạo lớn sẽ được hình thành với các loại hình năng lượng gió ven bờ, năng lượng gió ngoài khơi, năng lượng mới (hydrogen).

Hiện thực hóa tài nguyên năng lượng: 'Ước mơ cháy bỏng' của miền Trung ảnh 1Phát triển bền vững năng lượng xanh, năng lượng tái tạo thích ứng với biến đổi khí hậu và liên kết phát triển vùng là xu thế tất yếu, là động lực phát triển, kết nối và dẫn dắt sự phát triển, toàn vùng. (Ảnh: Công Thử/TTXVN )

Ông Hưng khẳng định việc phát triển bền vững năng lượng xanh, năng lượng tái tạo thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Đây là hướng đi đúng đắn đồng thời là xu thế tất yếu, nhất là trong bối cảnh dự báo nhu cầu năng lượng của Việt Nam trong những năm tới ngày càng tăng cao, trong khi nguồn năng lượng hóa thạch đang dần cạn kiệt, biến đổi khí hậu ngày càng tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội...

“Nguồn tài nguyên ‘nắng và gió’ vốn khắc nghiệt song đã cho phép Quảng Trị có đủ nguyên liệu đầu vào cho hàng loạt dự án điện hiện tại và tương lai, tạo cơ sở vững chắc cho việc hiện thực hóa chủ trương xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng khu vực miền Trung. Đây không chỉ là một chủ trương phát triển kinh tế-xã hội thuần túy mà còn là một phần hoài bão, ước mơ cháy bỏng của ‘đất và người’ Quảng Trị trên con đường xây dựng thành trở thịnh vượng,” ông Hưng nói.

Cần có cơ chế kết nối liên kết vùng

Chia sẻ những giải pháp thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo của tỉnh, ông Hưng cho hay Quảng Trị đã xác lập được lộ trình thực hiện chủ trương xây dựng Trung tâm năng lượng khu vực miền Trung một cách bài bản, khoa học và có thể đoán định được.

Hiện thực hóa mục tiêu đã xây dựng, tỉnh đã tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề để thảo luận các giải pháp thực hiện. Tỉnh ủy Quảng Trị đã ban hành Chương trình hành động số 15-CT/TU ngày 27/4/2021 triển khai thực hiện Nghị quyết số 55- NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trên cơ sở đó, tỉnh kêu gọi và thu hút thành công các nhà đầu tư đến nghiên cứu, đề xuất và đầu tư các dự án năng lượng trên địa bàn. Các cấp chính quyền cũng đồng hành tích cực trong việc hỗ trợ cùng nhà đầu tư tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện...

Trong thời gian tới, ông Võ Văn Hưng cho biết tỉnh tiếp tục tập trung quy hoạch, triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, đầu tư hệ thống lưới điện truyền tải kết nối trong nước và các nước lân cận nhằm phấn đấu hoàn thành và phát điện thương mại khoảng 2.500-3.000MW giai đoạn đến năm 2025 và khoảng 9.500MW giai đoạn đến năm 2030.

Ông Hưng khẳng định đây cũng là những mục tiêu đã được xác định rõ trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020-2025.

Tương tự như Quảng Trị, nếu như trước đây người dân của cả nước biết đến Ninh Thuận với những khó khăn về điều kiện tự nhiên khắc nghiệt - “Gió như phang, nắng như rang,” thì nay các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã nhìn ra nơi đây với những điều kiệu tự nhiên thuộc vào bậc nhất về phát triển năng lượng tái tạo.

Giờ đây, những cánh đồng điện gió trải dài trên các dải đất của Ninh Thuận đã mang đến cho địa phương một diện mạo mới. Với 56 dự án năng lượng tái tạo, sản lượng điện năm 2022 sản xuất trên địa bàn đã đạt trên 7 tỷ KWh và đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Từ kinh nghiệm thực tế, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam đề xuất một số giải pháp chung cho các địa phương trong vùng, trong đó nhấn mạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức và thống nhất cần được quán triệt trong hành động của cả hệ thống chính trị và nhân dân.

Hiện thực hóa tài nguyên năng lượng: 'Ước mơ cháy bỏng' của miền Trung ảnh 2Các địa phương cần sớm xây dựng chương trình hành động trên cơ sở chương trình, kế hoạch của Chính phủ, xem đây là thước đo đồng thời thể hiện trách nhiệm của từng cấp ủy đảng, chính quyền. (Ảnh: Công Thử/TTXVN )

Theo ông Nam, các địa phương cần sớm xây dựng chương trình hành động trên cơ sở chương trình, kế hoạch của Chính phủ, xem đây là thước đo đồng thời thể hiện trách nhiệm của từng cấp ủy đảng, chính quyền trong triển khai Nghị quyết và chương trình hành động của Chính phủ.

Bên cạnh đó, các địa phương tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển bền vững năng lượng xanh, năng lượng tái tạo thích ứng với biến đổi khí hậu và liên kết vùng.

“Các địa phương phải nâng cao nhận thức và thống nhất cao ở tất cả các cấp, các ngành về vai trò, vị trí, tầm quan trọng phát triển bền vững năng lượng xanh, năng lượng tái tạo thích ứng với biến đổi khí hậu và liên kết phát triển vùng; coi phát triển bền vững năng lượng xanh, năng lượng tái tạo thích ứng với biến đổi khí hậu và liên kết phát triển vùng là xu thế tất yếu, là động lực phát triển, kết nối và dẫn dắt sự phát triển, qua đó tạo không gian phát triển thống nhất,” ông Nam chia sẻ.

Song để Nghị quyết 26 đi vào cuộc sống đạt được hiệu quả đề ra, ông Nam cho rằng cần có cơ chế điều phối kết nối phát triển vùng để nâng cao trách nhiệm và phát huy hiệu quả hoạt động liên kết nội vùng và các vùng lân cận.

Theo ông Nam, một trong những điều kiện quan trọng cho phát triển ngành năng lượng là cần có quy hoạch và các cơ chế chính sách đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, gắn với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Trung ương, địa phương và của vùng, trên cơ sở xác định thực hiện có hiệu quả chủ trương chuyển đổi năng lượng của Chính phủ theo mục tiêu cam kết tại Hội nghị COP26.

Do đó, sau khi Chính phủ ban hành Quy hoạch điện VIII và cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo thích ứng với biến đổi khí hậu và liên kết vùng, các tỉnh tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch với lộ trình, bước đi đồng bộ, hiệu quả, từ kêu gọi xúc tiến đầu tư đến khảo sát khu vực có tiềm năng phát triển, nhất là điện gió ngoài khơi, thủy điện tích năng, phát triển nguồn năng lượng mới (hydrogen), thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư hạ tầng truyền tải điện đồng bộ với các nhà máy điện... bảo đảm phù hợp các quan điểm chỉ đạo theo Nghị quyết 55- NQ/TW của Bộ Chính trị.

Về điều này, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đề xuất một số kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành cụ thể: Bộ Giao thông Vận tải xem xét, nghiên cứu đưa vào Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tạo điều kiện để sớm hình thành bến cảng cho hàng lỏng/khí có thể tiếp nhận tàu phục vụ cho các dự án điện khí, tổng kho khí phát triển phù hợp với quy hoạch khí, quy hoạch phát triển điện lực và quy hoạch tổng thể về năng lượng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nói riêng và khu vực vùng nói chung.

Ông Hưng cũng đồng thời đề xuất Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt khung giá phát điện cho các dự án điện gió, điện Mặt trời chuyển tiếp, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo đã có trong quy hoạch và đã ký hợp đồng mua bán điện và đang triển khai thi công hoặc đã thi công hoàn thành nhưng chưa kịp vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021.

“Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần quan tâm xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách về phát triển năng lượng tái tạo và quy định về lựa chọn nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng làm cơ sở cho các địa phương triển khai thực hiện, trong đó, có tỉnh Quảng Trị,” ông Hưng nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục