Ngày 20/6, tại Hà Nội, Tổng Hội Y học Việt Nam phối hợp với Hội thiết bị Y tế Việt Nam và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo và Triển lãm Công nghệ Y tế 4.0 (MEDTECH 4.0).
Với chủ đề “Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tổng thể và toàn diện, thúc đẩy hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số tại bệnh viện,” sự kiện nhằm nâng cao nhận thức và truyền tải thông điệp mạnh mẽ về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số bệnh viện.
Chương trình thu hút sự quan tâm, tham dự của hơn 1.000 lãnh đạo các bệnh viện, các khoa, phòng chuyên môn liên quan, lãnh đạo và cán bộ quản lý về công nghệ thông tin, hơn 1.000 lượt khách tham quan triển lãm Công nghệ Y tế 4.0.
[Tạo cơ hội để y bác sỹ trong nước tiếp cận các tiến bộ khoa học]
Trong kỷ nguyên số, công nghệ thông tin đã và đang tác động mạnh mẽ tới toàn bộ đời sống xã hội, biến những điều không thể thành có thể và đem lại những giá trị to lớn đối với nhân loại.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là một xu thế lớn, hội tụ nhiều công nghệ số hóa đột phá như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), xử lý dữ liệu lớn (Big data), điện toán đám mây (Cloud)... để thực hiện siêu kết nối, tích hợp các hệ thống số hóa-vật lý-sinh học, giữa thế giới thực và không gian số.
Với mục tiêu định hướng trở thành một sự kiện thường niên của ngành Y tế tập trung lĩnh vực công nghệ y tế, sự kiện MEDTECH 4.0 đưa ra thực trạng chuyển đổi số, bài toán ứng dụng công nghệ thông tin vào chuyển đổi số tại các cơ sở khám chữa bệnh và đề xuất giải pháp từ doanh nghiệp, đơn vị công nghệ. Đây cũng là cơ hội để các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh tại Việt Nam kết nối gặp gỡ, thúc đẩy hợp tác giữa các nhà cung cấp sản phẩm, giải pháp về công nghệ y tế.
Ông Nguyễn Văn Kính, Phó Chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam, chia sẻ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số tác động đến nhiều hoạt động trong lĩnh vực y tế.
Thứ nhất là cách thức lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành trong nội bộ của các cơ quan, đơn vị trong ngành y tế.
Thứ hai là tác động trực tiếp đến việc cung cấp và tiếp cận dịch vụ y tế từ phương thức truyền thống sang phương thức dựa trên nền tảng công nghệ số, góp phần đẩy mạnh việc cung cấp và tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng, kịp thời, mọi lúc, mọi nơi.
Thứ ba là tác động tới cách thức làm việc, giao tiếp của đội ngũ cán bộ, thầy thuốc và người lao động trong ngành y tế, chuyển đổi phương thức làm việc từ môi trường truyền thống sang môi trường số, hình thành “người thầy thuốc số.”
Tại Việt Nam, lãnh đạo Đảng và Nhà nước có nhiều nghị quyết nhằm đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong lĩnh vực y tế.
Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5316/QĐ-BYT ngày 22/12/2020 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số y tế đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh chuyển đổi số y tế là ứng dụng công nghệ thông tin một cách tổng thể và toàn diện, trong đó đặc biệt chú trọng tới các công nghệ số hiện đại dẫn đến sự thay đổi tích cực toàn bộ hoạt động y tế trong chăm sóc sức khỏe.
Tại Hội thảo, trao đổi về các vấn đề "nóng" trong chuyển đổi số y tế tại Việt Nam giai đoạn 2022-2025, ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng, Cục Công nghệ thông tin - Bộ Y tế, nhấn mạnh đến các vấn đề như chất lượng khám chữa bệnh, thanh toán các dịch vụ y tế...
Chuyển đổi số giúp hình thành bác sỹ số và thay đổi cơ bản phương thức khám chữa bệnh từ trực tiếp sang trực tuyến nên cần một quá trình từ thay đổi nhận thức của cán bộ y tế, từ cấp lãnh đạo đến nhân viên, đầu tư và triển khai các nền tảng y tế, công nghệ, quy trình và nhân lực...
Để chuyển đổi số trong ngành y tế, ông Nguyễn Trường Nam đề cập đến các vấn đề như Việt Nam cần có cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp cho lĩnh vực này. Bên cạnh đó, việc đầu tư hạ tầng y tế (hệ thống kết nối mạng, trang thiết bị máy tính, máy chuyên dụng có kết nối mạng...), công nghệ, nền tảng số y tế, nhân lực số... trong lĩnh vực y tế cần được các cơ sở y tế quan tâm.
Việc chuẩn hóa dữ liệu, kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu cũng là điều kiện then chốt để chuyển đổi số thành công trong lĩnh vực y tế.
Ngoài ra, việc đảm bảo an toàn thông tin trong chuyển đổi số y tế cũng vấn đề quan trọng để đảm bảo cho các hoạt động y tế được chuyển lên môi trường mạng.
Theo Đại tá, Tiến sỹ, Bác sỹ Trần Quốc Việt, Phó Giám đốc Bệnh viện quân Y 175, cơ sở y tế thực hiện chuyển đổi số thường gặp phải các hạn chế, tồn tại và thách thức như hạ tầng cồng nghệ thông tin được đầu tư dàn trải, qua nhiều giai đoạn, nhiều thiết bị đã xuống cấp nên tình trạng quá tải đối với việc xử lý thông tin của thiết bị, máy móc; phần mềm của cơ sở sở khám chữa bệnh do nhiều nhà cung cấp dịch vụ khác nhau thực hiện nên không có tính đồng bộ, việc thu thập dữ liệu, trích xuất dữ liệu chưa hiệu quả; cán bộ chuyên phụ trách về công nghệ thông tin còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng.
Để chuyển đổi số, các cơ sở y tế cần tìm hướng đi phù hợp với điều kiện của đơn vị mình.
Trong khuôn khổ chương trình, chiều 20/6, các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế sẽ thảo luận về bệnh án điện tử và thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, quá trình tích hợp các công cụ tiện ích khác liên quan trong y tế; ứng dụng trí tuệ AI trong chẩn đoán hình ảnh.
Bên lề hội thảo, Triển lãm giới thiệu giải pháp công nghệ Y tế số mới nhất, mở cửa giới thiệu các nền tảng kết nối hợp tác (B2B) thông minh cho phép các chuyên gia và bệnh viện, người dân tham dự có thể chủ động kết nối riêng tư trước, trong và sau sự kiện để trao đổi, tư vấn ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số tại bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh và tìm hiểu khả năng hợp tác liên quan./.