Là dòng chảy chính, sông Hồng luôn là tâm điểm của những nghiên cứu, nằm trong quy hoạch phát triển chung của Hà Nội.
Vì các lý do khách quan, chủ quan mà phần lớn đến từ nguồn lực còn thiếu và yếu nên, đến tháng 3/2022, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5.000 ( từ vị trí quy hoạch cầu Hồng Hà đến vị trí quy hoạch cầu Mễ Sở) mới được phê duyệt, định hình cho nhánh sông ngàn năm của thành phố.
Quy hoạch này đã tạo ra một cơ sở pháp lý vững chắc; là bước khởi đầu cho chặng đường hiện thực hóa giấc mơ “thành phố hai bên sông Hồng.”
Đặc biệt, đây sẽ là bước đột phá mới, đánh dấu bước tiến quan trọng trong hành trình kiến thiết diện mạo Thủ đô, phát triển khu vực sông Hồng trở thành trục “hành lang xanh” đặc trưng của thành phố, góp phần thúc đẩy các hoạt động văn hóa, du lịch và ổn định cuộc sống của người dân vùng ven sông.
“Mặc áo xanh” cho đô thị tương lai
Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được định hướng là trung tâm kinh tế của vùng Thủ đô, đặt nền móng cho hình hài của thành phố sông Hồng trong tương lai và Hà Nội sẽ quay mặt vào dòng sông để phát triển, thay vì "quay lưng" phát triển về phía Tây.
Trải dài 40km (từ vị trí dự kiến xây cầu Hồng Hà đến vị trí sẽ xây cầu Mễ Sở), phân khu quy hoạch có tổng diện tích 11.000ha; trong đó, sông Hồng chiếm 33% (3.600ha), đất bãi sông chiếm 50% (hơn 5.400ha).
[Hà Nội khẩn trương rà soát, lập danh mục khu dân cư trên bãi sông]
Phần diện tích còn lại gồm các làng xóm đã hình thành từ lâu, các khu phố ngoài đê cùng các công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật. Quy mô dân số tối đa dự kiến đạt mức 300.000 người vào năm 2030.
Điểm nhấn quan trọng ở Đồ án quy hoạch này là 3.000ha bãi giữa sông Hồng. Đây là tiềm năng lớn giúp Hà Nội nâng chỉ tiêu xanh lên mức tối thiểu (7m2 cây xanh/người), góp phần đưa nơi đây trở thành Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh.
Bởi thực tế, hiện nay, chỉ tiêu về không gian xanh trong nội đô Hà Nội còn thấp, bình quân mới đạt 4,5m2 cây xanh/người, thiếu các khu vui chơi giải trí.
Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nêu rõ nếu khai thác tốt quỹ đất 3.000ha này để phục vụ vui chơi, giải trí cộng đồng, không gian xanh lớn đó sẽ đáp ứng được nhu cầu của nhiều lứa tuổi.
Chẳng hạn, các công viên vui chơi sẽ hướng đến các lứa tuổi mang chức năng tổng hợp. Các công viên cảm giác mạnh và không gian mở dành cho thanh thiếu niên. Nếu thực hiện tốt việc này, dọc sông Hồng sẽ tạo ra trục cảnh quan trung tâm của Hà Nội.
“Đánh thức” những nguồn lực và lợi thế của sông Hồng, Quy hoạch sẽ khai thác toàn diện hệ sinh thái tiềm năng tại khu vực này, phù hợp với điều kiện thực tiễn cũng như xu hướng phát triển đô thị hiện nay.
Đáng chú ý, trong ba phân đoạn quản lý chính của Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, từ cầu Hồng Hà đến cầu Thăng Long được định hướng phát triển công viên chuyên đề với mô hình trang trại sinh thái và nông nghiệp phục vụ du lịch.
Khu vực từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì được định hướng là khu đa chức năng quan với các công trình công cộng văn hóa, thương mại dịch vụ và không gian cảnh quan thúc đẩy tiện nghi giải trí của đô thị ở khu vực bãi giữa, trục không gian lịch sử liên kết khu vực Hồ Tây-Cổ Loa.
Khu vực từ cầu Thanh Trì đến cầu Mễ Sở được định hướng bảo tồn và khôi phục các giá trị tự nhiên, văn hóa phục vụ du lịch. Như vậy, việc bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử khu vực sông Hồng được thành phố đặc biệt quan tâm khi thực hiện quy hoạch, đồng thời phát huy các giá trị đó theo hướng hình thành trục không gian văn hóa mới, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển.
Theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sẽ cải tạo chỉnh trang, tái thiết hệ thống dân cư hiện hữu được tồn tại, bảo vệ theo Quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình (Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ); bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị lịch sử, kết hợp khai thác quỹ đất phát triển mới tạo lập diện mạo cảnh quan đô thị hai bên sông Hồng.
Bên cạnh đó, xây dựng các tuyến đường cảnh quan, tuyến đường dành cho người đi bộ và xe đạp trên cơ sở kế thừa nghiên cứu quy hoạch cơ bản phát triển không gian sông Hồng, hoàn chỉnh toàn tuyến đi qua thành phố Hà Nội (mở rộng) phù hợp với các luật và định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đường “chảy” theo sông
Bà Jessica Kavonic, Trưởng ban Thực hiện, Nhóm Lãnh đạo Khí hậu châu Phi tại các Thành phố C40 nhận định các dòng sông giúp kết nối cộng đồng, mở ra những cơ hội mới và giúp mọi người đến gần nhau hơn.
Để gia tăng kết nối đô thị, Hà Nội chủ trương phát triển hệ thống giao thông trong phân khu theo hướng hiện đại, an toàn và mở rộng kết nối với các vùng phụ cận. Trong đó, ưu tiên xây dựng, hoàn thiện hệ thống đường trục cùng mạng lưới đường ven sông và hệ thống cầu/hầm gắn kết đô thị hai bên bờ sông, kết nối giao thông đường bộ và đường thủy nhằm thúc đẩy giao thương, phát triển hạ tầng khu vực toàn diện; hình thành trục không gian văn hóa-cảnh quan sinh thái Hồ Tây-Cổ Loa.
Tại Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, phần đất giao thông được xác định quy hoạch có tổng diện tích lên đến 532ha, với mật độ khoảng 7 km/km2.
Thành phố dự kiến xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 và số 6 thay thế hai tuyến đường sắt quốc gia hiện nay gồm tuyến xuyên tâm Yên Viên-Ngọc Hồi và tuyến vành đai Hà Đông-Bắc Hồng.
Tuyến đường sắt dọc theo đường Vành đai 4 đoạn cắt sông Hồng tại cầu Hồng Hà và cầu Mễ Sở sẽ được tu bổ lại.
Cùng với đó, 6 cầu đường sắt nối liền khu vực phía Bắc và Nam sông Hồng sẽ nằm trong phạm vi lập Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.
Cụ thể, tuyến số 1 chạy qua sông Hồng tại cầu Long Biên mới cách cầu hiện có 75m về phía thượng lưu; tuyến số 2 qua sông Hồng cách cầu Nhật Tân khoảng 1,3km về phía thượng lưu; tuyến số 4 qua sông Hồng cách cầu Vĩnh Tuy khoảng 1,2km về phía hạ lưu; tuyến số 6 qua sông Hồng tại cầu Thăng Long; tuyến số 7 qua sông Hồng tại cầu Thượng Cát và tuyến số 8 qua sông Hồng cách cầu Thanh Trì khoảng 1,4km về phía hạ lưu.
Đặc biệt, 6 cây cầu bắc ngang sông Hồng sẽ được đầu tư xây dựng trong giai đoạn 1 của Đồ án quy hoạch. Đó là cầu Hồng Hà và cầu Mễ Sở trên đường vành đai 4; cầu Thượng Cát và cầu Ngọc Hồi trên đường vành đai 3,5; cầu Tứ Liên kết nối trục đường chính đô thị dọc hành lang hai bên sông Hồng; cầu Trần Hưng Đạo kết nối đường Trần Hưng Đạo sang khu vực quận Long Biên.
Ngoài ra, xây dựng bổ sung giai đoạn 2 của cầu Vĩnh Tuy và nghiên cứu bổ sung, mở rộng cầu Thăng Long và cầu Bắc Cầu qua sông Đuống trên tuyến đường trục chính đô thị dọc sông Hồng.
Theo kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, khi Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được triển khai thực hiện, Hà Nội sẽ có một số cây cầu bắc qua sông Hồng.
Chẳng hạn như cầu Long Biên được đưa vào bảo tồn và biến đổi chức năng (không chỉ là cầu đường sắt quốc gia mà là cầu đường sắt đô thị) tạo cho Hà Nội có một khu vực phát triển du lịch, văn hóa, lịch sử. Đặc biệt, các đầu cầu trở thành không gian xanh, thậm chí bảo tàng ngoài trời...
Từ cầu Hồng Hà tới cầu Thăng Long được quy hoạch trở thành một không gian sinh thái, bảo tồn đặc tính tự nhiên của phần đất bãi và đất nông nghiệp của các huyện xung quanh như Mê Linh, Đông Anh, Đan Phượng và Bắc Từ Liêm.
Khu vực này được xác định sẽ trở thành công viên chuyên đề với mô hình trang trại sinh thái và nông nghiệp đô thị phục vụ du lịch, thương mại và vận chuyển hàng hóa.
Ngoài ra, khu vực trung tâm phân khu đô thị sông Hồng từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì được phát triển theo hướng đa chức năng gồm các công trình văn hóa, thương mại dịch vụ và các không gian cảnh quan thúc đẩy tiện nghi giải trí của đô thị ở khu vực bãi giữa, trục không gian lịch sử liên kết khu vực Hồ Tây-Cổ Loa.
Từ cầu Thanh Trì đến cầu Mễ Sở là không gian sinh thái trọng tâm với các khu vực nông nghiệp trồng rau màu, cây cảnh, các khu vực nuôi trồng thủy sản cùng các làng nông nghiệp truyền thống và các công trình di tích lịch sử.
Thành phố định hướng bảo tồn, khôi phục các giá trị tự nhiên và văn hóa phục vụ du lịch, phát triển các khu vực đa chức năng gắn với các hoạt động thương mại, dịch vụ, vận chuyển, làng nghề Bát Tràng...
Sau gần 30 năm, hình hài trong tương lai của "Con sông đỏ nặng phù sa" đã dần được định hình, khép lại hàng loạt bản quy hoạch lỡ dở về một thành phố với sông Hồng là dòng chảy xuyên tâm.
Không chỉ mang đến “tấm áo mới” cho dòng sông lịch sử, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng còn hứa hẹn thay đổi tích cực về sinh kế của rất nhiều người dân, nhất là những người ngày ngày gắn kết, mưu sinh trên sông Hồng.
Một sông Hồng đẹp hơn, sạch hơn trong tương lai sẽ còn mang theo mình một làn gió mới của văn hóa thanh lịch Tràng An, của một hệ thống dịch vụ du lịch trên tầm cao mới, hứa hẹn những đổi thay đầy kỳ vọng của người dân Thủ đô./.
Hiện thực hóa khát vọng sông Hồng: Giải bài toán phát triển