Hiện thực hóa khát vọng sông Hồng: Biến tiềm năng thành lợi thế

Vành đai sông Hồng có không gian mặt nước, cảnh quan đẹp, nhiều di tích văn hóa lịch sử, làng nghề, làng cổ ven sông, mở ra nhiều cơ hội cho phát triển du lịch Thủ đô.
Tàu du lịch cao cấp Jade of River mới đưa vào khai thác trên sông Hồng. (Ảnh: TTXVN phát)

Với chiều dài chảy qua Hà Nội khoảng 160km, trong đó có tới 40km qua nội đô lịch sử cũ, sông Hồng được xác định là trục không gian cảnh quan chủ đạo, không gian kết nối đô thị trung tâm Hà Nội.

Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng cũng đề cập tới việc phát triển các mô hình nông nghiệp du lịch... thu hút các hoạt động kinh tế xanh, kinh tế ban đêm, kinh tế du lịch, thể thao (dịch vụ, du lịch, thể thao...) phù hợp định hướng phát triển kinh tế-xã hội.

Vành đai sông Hồng có không gian mặt nước, cảnh quan đẹp, nhiều di tích văn hóa lịch sử, làng nghề, làng cổ ven sông, mở ra nhiều cơ hội cho phát triển du lịch Thủ đô.

Tận dụng tiềm năng, lợi thế đó, thành phố sẽ phát triển sông Hồng thành tuyến du lịch trọng điểm, tạo dấn ấn tốt cho du khách khi đến tham quan, trải nghiệm tại Hà Nội.

Mênh mang sóng nước sông Hồng

Bắt đầu từ tháng 4 vừa qua, cứ vào 17 giờ 30, tàu du lịch Jade of River lại rời bến Chương Dương Độ bắt đầu hành trình ngược dòng sông Hồng lên khu vực cầu Nhật Tân, đưa khách trải nghiệm ngắm hoàng hôn trên sông. Đây thực sự là tour du lịch hấp dẫn, du khách được thưởng thức vẻ đẹp huyền diệu của mênh mang mây trời, sóng nước, ngắm nhìn thành phố ven sông nhuộm vàng ánh dương, mãn nhãn với những nhịp cầu cao vút lấp lánh ánh đèn...

Với thời gian khoảng hơn 3 giờ đồng hồ, du khách được hòa mình vào thiên nhiên, vừa được tận hưởng chương trình âm nhạc sống động và thưởng thức ẩm thực ngay trên tàu.

[Huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực để Hà Nội phát triển toàn diện]

Ông Nguyễn Quốc An, Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải và Du lịch An Thịnh Phát, đơn vị quản lý con tàu cao cấp trên, cho biết trước kia, tàu Jade of River hoạt động ở Hạ Long, thu hút rất đông khách.

Nhận thấy sông Hồng có nhiều tiềm năng du lịch, đơn vị quyết định đưa tàu về đây. Công ty hướng tới đối tượng khách hàng là người nước ngoài và khách Việt có chi trả cao.

Theo ông Nguyễn Quốc An, không chỉ hai bên bờ sông thơ mộng, du khách đi trên tàu ngắm hoàng hôn khu vực cầu Nhật Tân, Ngoại giao đoàn mới thấy Hà Nội đẹp không khác gì Hong Kong.

Phải có trải nghiệm mới thấy hết vẻ đẹp của sông Hồng. Ngoài tour ngắm hoàng hôn, Công ty còn tổ chức một tour du lịch sông Hồng khác mang tên “Chào đón ánh dương” rất hấp dẫn.

Trước đó, cũng trên tuyến sông Hồng, Công ty Cổ phần Thăng Long GTC đã khai thác du lịch với các tour gồm: “Hành trình những bản tình ca,” “Đêm sông Hồng.”

Đơn vị này còn liên kết với một số tỉnh lân cận như Bắc Ninh và Hưng Yên mở rộng tour du lịch đến các điểm di tích nổi tiếng của hai địa phương này.

Thực tế, với cảnh quan sinh thái và hệ thống di sản phong phú, khu vực sông Hồng có thể xây dựng nhiều sản phẩm du lịch có thế mạnh như du lịch tâm linh khai thác hệ thống tâm linh, tín ngưỡng gắn với văn hóa truyền thống của Hà Nội dọc theo các làng quê ven sông Hồng với các điểm đến nổi bật như đền Hát Môn, đền Đại Lộ, bãi Tự Nhiên, làng gốm Bát Tràng.

Hay sản phẩm du lịch sinh thái khai thác tiềm năng du lịch ven sông với mô hình các trang trại sinh thái vườn ven sông dọc theo sông Hồng cùng các làng nghề truyền thống, làng chài ở khu vực Sơn Tây, Phúc Thọ, Gia Lâm, Đông Anh, Thường Tín, Phú Xuyên.

Tiêu biểu là các khu, điểm du lịch: Bãi sông Hồng, Chương Dương, đền Dầm, đền Lộ, đền Đa Hòa thờ thánh Chử Đồng Tử, làng gốm Bát Tràng.

Hơn nữa, cây cầu nối dài lịch sử đến hiện tại như cầu Long Biên, hay những cây cầu hiện đại như cầu Chương Dương, Thăng Long, Vĩnh Tuy vắt qua sông như những dải lụa đều là những câu chuyện thú vị và những kiến trúc đẹp để có thể khai thác.

Thành phố Hà Nội đã xây dựng Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng hướng tới một Thành phố ven sông. (Ảnh: TTXVN phát)

Ở góc độ là cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội bày tỏ sự ủng hộ các doanh nghiệp khai thác, vận hành các tour du lịch trên khu vực sông Hồng. Đây sẽ là bước tiến giúp thúc đẩy hoạt động du lịch đường thủy nội địa trên địa bàn phát triển.

Lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội tin tưởng các đơn vị sẽ có những kế hoạch, chiến lược khai thác hiệu quả du lịch sông Hồng trong thời gian tới.

Cùng với các tour, tuyến do các đơn vị hoạt động du lịch khai thác, dọc bờ sông Hồng đang hình thành nhiều điểm vui chơi, giải trí phục vụ nhu cầu của người Hà Nội.

Khu vực vườn Nhãn (dưới chân cầu Vĩnh Tuy, quận Long Biên) từ lâu đã hình thành điểm dã ngoại, thu hút đông đảo người lớn, trẻ nhỏ, đặc biệt là các gia đình, nhóm người trẻ đến vui chơi vào dịp cuối tuần.

Một số sự kiện văn hóa, du lịch lớn của thành phố tổ chức tại đây đã được mọi người đánh giá cao.

Vườn hoa bãi đá sông Hồng (quận Tây Hồ) đang trở thành điểm đến lý tưởng cho người dân và du khách khắp nơi đến vui chơi, chụp ảnh, ngắm hoàng hôn sông Hồng. Hiện tại, quận Tây Hồ đang xúc tiến xây dựng Vườn hoa bãi đá sông Hồng thành điểm đến du lịch của quận.

Cần một lực đẩy

Tiềm năng du lịch sông Hồng phong phú có thể khai thác để tạo ra sản phẩm chủ lực, thu hút đông khách đến với Hà Nội.

Tại nhiều nước trên thế giới có sông chảy qua thành phố hoặc ngay ở một số địa phương tại Việt Nam như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, du lịch trên sông tương đối phát triển, du khách hào hứng tham gia.

Nhưng ở sông Hồng, hoạt động du lịch dù đã được khai thác từ lâu (các tour du lịch của Công ty Cổ phần Thăng Long GTC đã triển khai hơn 20 năm nay) và đến nay có thêm một đơn vị tiếp tục khai thác nhưng loại hình này chưa phát huy hết tiềm năng du lịch sông Hồng.

Ngay cả sản phẩm du lịch bằng tàu cao cấp Jade of River được công ty chủ quản rất tự tin khi đưa vào hoạt động tại sông Hồng nhưng do nhiều yếu tố khách quan, lượng khách đón được trong gần 4 tháng qua chưa được như mong đợi.

Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải và Du lịch An Thịnh Phát Nguyễn Quốc An cho biết đơn vị gặp nhiều trở ngại về hạ tầng bến bãi, giao thông dẫn ra bến tàu. Khu vực sông Hồng có hai bến tàu, ở Chương Dương Độ và ở Bạch Đằng, song đường đi vào rất khó khăn.

Tại bến Bạch Đằng, đường vào phải đi qua nhà dân, nhếch nhác. Bến Chương Dương Độ cũng phải đi qua vùng sình lầy. Hiện đang vào mùa mưa bão nên phải sau thời điểm này, Công ty mới đầu tư cải tạo bến đỗ, tạo thuận lợi thu hút khách.

Không chỉ có bến đỗ mà hạ tầng hai bên sông Hồng cũng là vấn đề đặt ra trong việc thu hút khách, đưa loại hình du lịch trên sông phát triển. Trong đó phải kể tới các bến cảng du lịch chưa được đầu tư nhiều khiến việc đưa khách lên xuống gặp khó khăn.

Hiện thành phố đã quy hoạch hai bến tàu phục vụ du lịch, là bến Chương Dương Độ và bến Bát Tràng, trong đó bến Bát Tràng phục vụ tham quan điểm du lịch làng gốm cổ.

Hơn nữa, do sông Hồng chảy qua thành phố, khu vực nhà dân hai bên sông chưa được quy hoạch, tình trạng xây dựng còn lộn xộn khiến một số nơi cảnh quan đô thị chưa đẹp mắt.

Phương tiện vận chuyển khách trên sông cũng là vấn đề đáng bàn, khi số lượng còn ít, chất lượt chưa đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.

Ngoại trừ tàu du lịch cao cấp Jade of Rivet, các tàu khác hoạt động trên sông đều đưa vào hoạt động từ lâu, chưa được đầu tư nâng cấp đạt chất lượng cao.

Một mặt, du lịch đường sông cũng không dễ dàng kết nối với các điểm du lịch khác, bởi nó liên quan đến vấn đề quy hoạch tổng thể tuyến du lịch đường sông.

Khách du lịch không chỉ trải nghiệm sông nước mà còn muốn khám phá các điểm đến trên bờ trên hành trình của mình. Nếu các cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp quan tâm đầu tư, mới tạo ra hành trình du lịch đồng bộ trên sông vừa đảm bảo tính thuận lợi cũng như độ hấp dẫn cho tour.

Ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, cho rằng do hạ tầng đường sông chưa được đầu tư nhiều, doanh nghiệp khai thác khiêm tốn nên sản phẩm du lịch sông Hồng chưa trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn. Nhưng nếu chúng ta quan tâm đầu tư khai thác sẽ trở thành sản phẩm độc đáo, tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng cho Thủ đô.

Không chỉ có khách mà bản thân các doanh nghiệp cũng mong muốn có loại hình du lịch này để đa dạng hóa sản phẩm du lịch Hà Nội. Với điều kiện hiện tại, tiềm năng du lịch sông Hồng chưa được khai thác nhiều. Các doanh nghiệp chưa tận dụng được hết tiềm năng đó.

Để khai thác du lịch sông Hồng, các doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng về nguồn lực.

Tuy nhiên, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang vẫn mong muốn, các doanh nghiệp khai thác, vận hành tour du lịch sông Hồng quan tâm hơn nữa đến chất lượng dịch vụ, các loại hình trải nghiệm và sự an toàn của du khách.

Mặt khác, đảm bảo công khai, minh bạch trong xây dựng các sản phẩm, bán tour du lịch; thường xuyên nâng cấp, đa dạng hóa các sản phẩm, tour du lịch đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của du khách. Đồng thời, các doanh nghiệp quan tâm, dành nguồn lực cho hoạt động tiếp thị, quảng bá sản phẩm, nhất là các nhóm khách lẻ, đối tượng khách du lịch trẻ.

Việc khai thác phát triển sông Hồng thành tuyến du lịch trọng điểm là vấn đề rất lớn liên quan đến các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương, vì vậy cần sự vào cuộc quyết liệt, phối hợp đồng bộ của các cơ quan quản lý.

Bức tranh sáng màu của Thủ đô tương lai đang dần được cụ thể hóa tại Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng nhằm phù hợp định hướng về tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan đã xác định tại Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo sự thống nhất đồng bộ hệ thống quy hoạch./.

Bài 4: Bức tranh sáng về thành phố ven sông

(TTXVN/ Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục