Cùng với Nhà máy alumin Tân Rai, Nhà máy alumin Nhân Cơ thuộc Công ty Nhôm Đắk Nông-TKV (DNA) là một trong hai dự án thí điểm trong ngành công nghiệp mới-công nghiệp khai thác chế biến quặng bauxite để sản xuất alumin tiến tới sản xuất nhôm do Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư.
Sau 5 năm vận hành thương mại (2017-2021), với những nỗ lực, phấn đấu của tập thể cán bộ công nhân viên DNA, dự án đã đóng góp trên 1.446 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước; trực tiếp tạo bước đột phá mới cho kinh tế Đắk Nông nói riêng và khu vực Tây nguyên nói chung.
Lợi nhuận ngay năm đầu tiên vận hành thương mại
TKV cho biết ngày 1/10/2015, Công ty Nhôm Đắk Nông-TKV được thành lập có nhiệm vụ trực tiếp là quản lý và vận hành Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ với mục tiêu lợi nhuận, sử dụng có hiệu quả phát triển nguồn vốn và các nguồn lực do Công ty mẹ-TKV giao.
Qua đó, đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương; đồng thời, tích lũy các nguồn lực và phát triển bền vững ngành công nghiệp khai thác, chế biến quặng bauxite.
Ngày 1/7/2017, nhà máy alumin chính thức đi vào vận hành thương mại. Đó là thời điểm có nhiều khó khăn và thử thách. Công ty phải tiếp nhận, quản lý và vận hành một dây chuyền sản xuất công nghệ tiên tiến với một đội ngũ cán bộ công nhân tay nghề còn non trẻ, chưa có kinh nghiệm thực tế trong ngành alumin.
Dây chuyền sản xuất alumin hoạt động chưa được ổn định; giá alumin trên thị trường thế giới có sự tăng giảm bất thường…
[Đoàn công tác Quốc hội giám sát các dự án bauxite tại Tây Nguyên]
Nhưng chính từ những khó khăn, thử thách đó đã tạo ra động lực để cán bộ công nhân viên DNA vươn lên, khẳng định mình.
Dưới sự quản lý và chỉ đạo của TKV, sự điều hành của Ban giám đốc Công ty và sự đồng tâm, nỗ lực của hơn 1.100 cán bộ công nhân lao động, DNA đã nhanh chóng ổn định nguồn nhân lực, thực hiện tái cơ cấu lao động nhằm sử dụng lao động hợp lý; đồng thời, làm chủ dây chuyền công nghệ, phát huy các sáng kiến cải tiến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng suất lao động, tạo những bước hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Bá Phong, Giám đốc Công ty Nhôm Đắk Nông-TKV, cho biết sau 5 năm đi vào vận hành thương mại Nhà máy alumin Nhân Cơ, công ty đã đạt được những kết quả ngoài sự mong đợi. Theo đó, 6 tháng cuối năm 2017, dự án đã có lợi nhuận trên 13,6 tỷ đồng, sớm hơn so với thời gian dự kiến. Năm 2018, công ty đã sản xuất 655.000 tấn alumin quy đổi và đạt công suất thiết kế.
Năm 2019, sản lượng alumin quy đổi đạt 686.568 tấn, đạt 105% công suất thiết kế. Năm 2020, sản lượng của công ty đã đạt 110% công suất thiết kế với 715.268 tấn.
Trong quý 1 năm 2021, sản lượng alumin là 186.840 tấn, đạt 115% công suất thiết kế. Sản phẩm alumin do công ty sản xuất đáp ứng được những kiểm định nghiêm ngặt về chất lượng của thế giới và được xuất khẩu đi các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Thụy Sĩ…
Một điểm đáng ghi nhận đó là DNA đã chú trọng đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ thông tin, tự động hóa trong hoạt động sản xuất.
Công ty đã thực hiện sửa chữa nâng cấp hạ tầng mạng, bổ sung các thiết bị lưu trữ, chia sẻ dữ liệu, tăng cường bảo mật cho hệ thống mạng và nền tảng phần cứng nhằm quản lý tập trung.
Cùng đó, tích hợp, liên thông, sao lưu cơ sở dữ liệu và phủ sóng wifi rộng rãi đến tất cả các phòng làm việc trong tòa nhà quản lý và công trường nhà máy của công ty; triển khai xây dựng ứng dụng phần mềm quản lý tài sản, thiết bị, duy tu và bảo dưỡng thiết bị nhà máy, phần mềm quản lý vật tư…
Đồng thời, công ty triển khai và đang thực hiện các sáng kiến, phương án nhằm nâng cao tin học hóa trong công ty như: số hóa tài liệu, lắp đặt tổng đài điện thoại IP, bổ sung nâng cấp các máy tính, phần mềm phục vụ hiệu quả công tác quản lý, quản trị, nghiệp vụ chuyên môn…
Bên cạnh đó, công ty luôn coi trọng và tích cực phát huy phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong đội ngũ cán bộ công nhân viên.
Từ đó, hàng trăm sáng kiến hữu ích đã được đưa vào áp dụng nhằm hợp lý hóa sản xuất, nâng cao năng suất lao động, góp phần ổn định và vận hành hiệu quả Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ.
Đóng góp ngân sách 1.446 tỷ đồng
Ngoài việc quan tâm đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động với việc không ngừng nâng cao chất lượng môi trường, điều kiện làm việc, đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 1.100 cán bộ công nhân viên, DNA còn là doanh nghiệp trách nhiệm với địa phương và cộng đồng xã hội nơi đơn vị đứng chân.
Sau 5 năm đi vào vận hành, Nhà máy alumin Nhân Cơ đã đóng góp đáng kể trong tăng trưởng GDP, tăng các nguồn thu cho ngân sách, góp phần tạo đà phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Đăk Nông theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo mục tiêu chung của Đảng và Nhà nước.
Từ năm 2017 đến hết quý 1 năm 2021, DNA đã đóng góp ngân sách nhà nước trên 1.446 tỷ đồng. Sự ra đời của ngành công nghiệp bauxite-alumin cũng đã tạo điều kiện kích cầu, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, … cũng như các ngành công nghiệp chế biến khoáng sản trên cả nước.
Nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông Nguyễn Bốn khẳng định, việc đầu tư xây dựng Nhà máy alumin Nhân Cơ với tổng số vốn đầu tư hơn 16.800 tỷ đồng đã góp phần cải thiện đáng kể kết cấu hạ tầng chung của tỉnh Đắk Nông.
Dự án đã, đang và sẽ tạo ra thêm hàng nghìn việc làm cho người lao động địa phương; trong đó, một bộ phận không nhỏ là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.
Không chỉ hoạt động hiệu quả, đóng góp những bước phát triển vượt bậc về kinh tế-xã hội, DNA là doanh nghiệp quan tâm thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, hỗ trợ các gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh... với số tiền trên 69 tỷ đồng.
Ngoài ra, công ty thường xuyên hỗ trợ, tài trợ các trương trình hoạt động của tỉnh, của các trường Phổ thông trung học Trường Chinh; Trung học cơ sở Lê Đình Chinh; Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân; Trường mầm non Hoa Mai; Trường mầm non Thỏ Ngọc...
Trong quá trình vận hành nhà máy, DNA đã quan tâm triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hướng đến xây dựng mô hình nhà máy thân thiện với môi trường.
Những biện pháp bảo vệ môi trường thường xuyên được công ty nghiêm túc thực hiện như: duy trì vận hành các công trình bảo vệ môi trường, tuân thủ quy trình công nghệ, không ngừng cải tiến công nghệ hợp lý nhằm giảm thiểu phát thải; tích cực trồng cây xanh cải tạo và giữ gìn môi trường nhà máy xanh-sạch-đẹp, đảm bảo hài hòa giữa sản xuất với bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, công ty thường xuyên thực hiện việc quan trắc môi thường định kỳ và duy trì hệ thống và bộ máy kiểm tra giám sát việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, kiểm soát tốt các thông số môi trường; nhận diện các nguy cơ để kịp thời đề ra hoặc thực hiện các biện pháp nhằm phòng ngừa các sự cố về môi trường có thể xảy ra. Đồng thời, thường xuyên tổ chức diễn tập các tình huống giả định để ứng cứu sự cố kịp thời hiệu quả nhất…
DNA đã tiến hành trồng cây, cải tạo phục hồi môi trường theo đúng cam kết trong Đề án cải tạo phục hồi môi trường với tổng diện tích trồng và chăm sóc cây hàng trăm ha. Hiện, công ty đã được tổ chức QUACERT cấp giấy chứng nhận hệ thống quản lý môi trường theo TCVN ISO 14001:2015/ISO 14001:2015.
Cũng theo ông Nguyễn Bá Phong, trong quá trình hoạt động sản xuất, công ty luôn xác định công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động phải được đặt lên hàng đầu, với phương châm “An toàn để sản xuất-sản xuất phải an toàn.”
Nhờ thực hiện tốt các chính sách về an toàn vệ sinh lao động mà từ ngày thành lập đến nay, đội ngũ cán bộ, công nhân viên công ty ngày càng được nâng cao tay nghề và kinh nghiệm, xử lý nhanh các tình huống trong công tác an toàn, vệ sinh môi trường.
Đây cũng chính là yếu tố quan trọng giúp DNA hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh trong những năm qua./.