Hiện thực hóa chỉ tiêu kinh tế 2035: Cần một "sân chơi bình đẳng"

Theo các chuyên gia, để thực hiện hóa chỉ tiêu kinh tế năm 2035, Việt Nam cần tạo được một "sân chơi bình đẳng" và thực hiện đô thị hóa một cách có hiệu quả.
Hiện thực hóa chỉ tiêu kinh tế 2035: Cần một "sân chơi bình đẳng" ảnh 1(Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Kỳ vọng của Việt Nam đến năm 2035 là trở thành một nước thu nhập trung bình cao. Theo đó, con số thu nhập bình quân đầu người được đưa ra là 7.000 USD (hoặc 18.000 USD tính theo sức mua tương đương); gấp hơn 3 lần so với thời điểm năm 2014.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, mục tiêu này đạt được chỉ khi Việt Nam xây dựng khu vực tư nhân có khả năng cạnh tranh hay nói chính xác là tạo được một "sân chơi bình đẳng" và thực hiện đô thị hóa một cách có hiệu quả.

Chú trọng doanh nghiệp tư nhân

Theo báo cáo tổng quan 2035 do Ngân hàng Thế giới (WB) xây dựng, ngành dược phẩm hiện bị chi phối bởi một mạng lưới quan hệ phức tạp với Nhà nước. Ngành này gồm 170 doanh nghiệp; trong đó, doanh nghiệp lớn nhất kiểm soát dưới 5% thị trường. Nhiều tỉnh thành lập doanh nghiệp Nhà nước để cung ứng thuốc gốc cho các bệnh viện và trạm y tế địa phương.

Doanh số bán trực tiếp cho các bệnh viện chiếm khoảng 1/3 thị trường; phần còn lại bán cho các nhà thuốc. Mặc dù các doanh nghiệp Nhà nước lớn đã bị cổ phần hóa nhưng những doanh nghiệp đó vẫn mạnh nhờ vào quan hệ chặt chẽ với mạng lưới phân phối cho các bệnh viện tại địa bàn.

Việc mua sắm thuốc chủ yếu do từng bệnh viện thực hiện và quy trình đấu thầu thường dễ dẫn đến tham nhũng, với những cáo buộc về chuyện đẩy giá thuốc lên cao để chi trả cho các cấp quản lý trong bệnh viện.

Trong điều kiện đó, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài bị bất lợi về khả năng tiếp cận thị trường. Nhà sản xuất gốc nhỏ, lẻ được tạo điều kiện tồn tại trong một thị trường có vẻ cạnh tranh ở bề nổi.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, ở Việt Nam, doanh nghiệp Nhà nước hiện diện tại hầu hết ngành, lĩnh vực kể cả: may, dịch vụ điện thoại và ngân hàng (lĩnh vực mà doanh nghiệp, công ty tư nhân có thể làm tốt hơn).

 ​

Và sự thiếu rõ ràng trong ranh giới phân định nhà nước và thị trường làm giảm hiệu suất tĩnh khi nhà sản xuất có chi phí cao vẫn được thưởng bằng gánh nặng đặt lên vai người tiêu dùng và các doanh nghiệp có hiệu quả hơn. Hiệu suất động cũng giảm khi các nhà đầu tư tiềm năng “e ngại” do phải đối mặt với những rủi ro về điều tiết cũng như nỗi lo về việc thị trường bị lũng đoạn bởi các doanh nghiệp có quan hệ với chính quyền.

Trước vấn đề này, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới ông Alex Van Trotsenburg cho rằng, việc tạo sân chơi bình đẳng cho nền kinh tế là rất cần thiết; trong đó, quan trọng là thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới nhận định, những năm tiếp theo, sự tham gia của tầng lớp trung lưu, doanh nghiệp tư nhân sẽ ngày càng rõ rệt đặc biệt là trong khu vực dịch vụ. Đến năm 2035, xu hướng này sẽ rõ nét hơn mà hiện Trung Quốc đang là một ví dụ điển hình.

Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng đã đưa ra giải pháp để đạt mục tiêu đề ra. Bộ trưởng cho rằng, Việt Nam phải tập trung cao độ để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân cả về số lượng và chất lượng.

Trước mắt là phải nâng cao được năng lực cạnh tranh và hiệu quả cho các doanh nghiệp trong nước thông qua việc hoàn thiện, củng cố nền kinh tế của thị trường đặc biệt là quyền sở hữu tài sản và xác định các chính sách công bằng, cạnh tranh lành mạnh, trong tiếp cận vốn, đất đai tài nguyên và thông tin.

“Phải thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp. Nhà nước phải tạo dựng môi trường thuận lợi, xây dựng trung tâm hướng dẫn và đào tạo cho các doanh nghiệp mới khởi nghiệp, cung cấp kiến thức cũng như nguồn vốn thông qua việc hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm, ngân hàng đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ các doanh nghiệp nhằm tạo ra một làn song khởi nghiệp và tinh thần doanh nghiệp mạnh mẽ trong xã hội,” Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.

Giải pháp giúp doanh nghiệp cải thiện năng lực để tiếp thụ công nghệ thông tin cũng đã được đưa ra. Theo đó, các doanh nghiệp có tiềm năng và khả năng tăng trưởng cao được hỗ trợ nhiều hơn bằng cách xây dựng một hệ thống hỗ trợ doanh nghiệp song hành với tổ chức khu vực tư nhân.

Các doanh nghiệp này cũng cần một hệ thống đầu tư mạo hiểm/đầu tư cổ phần tư nhân hoạt động theo định hướng thị trường để tài trợ cho các hoạt động đổi mới sáng tạo rủi ro cao nhưng cũng có thể đem lại lợi nhuận cao.

Hiện thực hóa chỉ tiêu kinh tế 2035: Cần một "sân chơi bình đẳng" ảnh 2(Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Tận dụng đô thị hóa

Nhiều chuyên gia rằng, với hiệu ứng tích cực do tập trung dân cư, các đô thị sẽ làm tăng năng suất, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và đa dạng các hoạt động kinh tế. Mật độ dân số và kinh tế cao hơn cho phép các đô thị tiết kiệm chi phí giao thông, tăng mức độ tương tác, tạo điều kiện chuyên môn hóa sâu.

Ngoài ra, các đô thị tạo thị trường cho một số loại dịch vụ kinh doanh chuyên sâu, giúp doanh nghiệp tập trung, phát huy năng lực cốt lõi biến các ý tưởng sáng tạo thành hiện thực với quy mô thương mại; đồng thời, hỗ trợ kết nối cơ hội nghề nghiệp phù hợp với kỹ năng người lao động.

Thực tế cho thấy ở các nước phát triển và các nền kinh tế mới nổi phát triển nhanh càng khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa phát triển kinh tế và đô thị hóa. Không có quốc gia nào trong thời đại công nghiệp lại có thể duy trì phát triển kinh tế mà không đi kèm với đô thị hóa nhanh. Các bằng chứng quốc tế cho thấy, nếu dân số một thành phố tăng gấp đôi, năng suất của thành phố đó tăng thêm 5%.

Theo đó, khuyến nghị được đưa ra là phải thực hiện phát triển thị trường đất đai và mở rộng hạ tầng kết nối. Cải cách thể chế đất đai thực hiện theo hướng: cải cách về đăng ký quyền sử dụng đất, thẩm định giá đất theo cơ chế thị trường để giảm bớt tình trạng chuyển đổi đất tùy tiện và manh mún.

Song song đó, tăng tính minh bạch bằng cách thiết lập cơ chế thường xuyên công khai giá đất qua đấu giá hoặc giao dịch mua bán đất đai. Nới lỏng kiểm soát và sự tham gia của nhà nước trong các hoạt động mà thị trường điều tiết có hiệu quả, cụ thể là thị trường đất đai.

Nói về vấn đề này, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới ông Jim Yong Kim cho rằng, phải đảm bảo tiếp cận vốn, đất đai theo hướng phù hợp nguyên tắc thị trường; không phân bổ nguồn vốn, đất đai cho người thân quen, tạo tiền đề giúp tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần đầu tư vào yếu tố con người, bởi đây là thế hệ tương lai của đất nước. Từng chất xám, trí tuệ của con người được đầu tư, phát triển đúng là tài sản của Việt Nam trong tương lai. Như vậy, phát triển kinh tế mới thực sự vững bền.

Báo cáo cũng chỉ rõ, nhu cầu cấp thiết hiện nay là phải nâng năng lực cho đơn vị lập quy hoạch đô thị để lồng ghép vấn đề kinh tế - xã hội vào các đề án quy hoạch. Các quy hoạch tổng thể và kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng phải gắn với quy trình ngân sách, nếu không sẽ thiếu tính khả thi.

Cơ chế phối hợp cần phải thực hiện để gắn kết công tác quy hoạch và kế hoạch của các tỉnh và thành phố. Bởi hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch đô thị và quy hoạch phát triển hạ tầng ngành do các đơn vị khác nhau lập ra. Thực tế này dẫn tới lộ trình thực hiện khác nhau, dữ liệu và dự báo không nhất quán.

Chính phủ đẩy mạnh lồng ghép quy hoạch giao thông và logistics một cách đồng bộ theo phương thức, các khu vực địa lý và theo chức năng của cơ quan nhà nước. Nguyên nhân căn bản của tình trạng các phương thức vận tải không đảm bảo cả về cung và cầu, vận hành riêng rẽ do việc quy hoạch độc lập, không tập trung và manh mún.

Cụ thể, một số tuyến đường kết nối những cảng lớn ưu tiên (Hải Phòng và Cái Mép-Thị Vải) có thể cần xây dựng lại. Tuyến hành lang đường bộ và tuyến đường cao tốc được đầu tư nhiều hơn.

Trong quá trình thực hiện các dự án và hỗ trợ đầu tư, các cơ quan thẩm quyền phải xác định lại vai trò của Nhà nước và thị trường trong quá trình đô thị hóa. Đồng thời, phân công lại trách nhiệm gắn với quyền hạn và nguồn lực giữa chính quyền các cấp từ Trung ương tới tỉnh và thành phố. Việc làm này nhằm đảm bảo không ảnh hưởng đến lợi ích của địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục