Hiến mô, tạng cứu người - Thắp lên ngọn lửa nhân ái

Chiều 31/5. Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 phát động cán bộ, nhân viên, người bệnh và người nhà bệnh nhân tham gia đăng ký hiến mô tạng cứu người, lan tỏa tinh thần tương thân, thương ái.
Toàn cảnh chương trình phát động đăng ký hiến mô, tạng cứu người “Cho đi là còn mãi.” (Nguồn: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108)

Nhằm thay đổi nhận thức của xã hội về hiến mô, tạng, thắp lên ngọn lửa nhân ái và nhân rộng thêm những hành động cao quý, góp phần mang lại cơ hội sống cho nhiều người bệnh, chiều 31/5, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tổ chức phát động chương trình “Đăng ký hiến mô, tạng cứu người - Cho đi là còn mãi.”

Hưởng ứng chương trình phát động của Bộ Y tế, Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam về việc đăng ký hiến mô, tạng cứu người, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tổ chức chương trình phát động cán bộ, nhân viên, người bệnh và người nhà bệnh nhân tham gia đăng ký hiến, mô tạng cứu người, lan tỏa tinh thần tương thân, thương ái trong Bệnh viện.

Phát biểu tại lễ phát động chương trình, Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Ngọc, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết trên toàn quốc đã có 26 bệnh viện thực hiện ghép tạng thành công; ghép được hầu hết các tạng trên người như thận, gan, tim, phổi, tụy…

Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, trước yêu cầu và nhu cầu thực tiễn, tháng 1/2024, Bệnh viện đã quyết định thành lập mạng lưới vận động hiến tạng trong Bệnh viện, tổ chức công tác thông tin, báo cáo về bệnh nhân chết não hiến tạng tiềm năng để Trung tâm Ghép tạng (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) kịp thời thực hiện công tác vận động gia đình bệnh nhân.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Ngọc cho biết: “Từ khi đi vào hoạt động, mạng lưới vận động hiến tạng đã phát hiện 26 người chết não hiến tạng tiềm năng, tương đương 6,5 ca/tháng. Tỷ lệ thực hiện vận động đạt 100%, tức là tất cả các trường hợp báo cáo đều được tham gia vận động.”

Đến nay, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã triển khai 14 đề tài khoa học thuộc Đề án “Tăng cường năng lực nghiên cứu để phát triển kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người,” thực hiện ghép được 10 loại mô tạng, đưa Bệnh viện trở thành một trong những trung tâm ghép mô, tạng lớn nhất cả nước.

Tính đến đầu tháng 5/2024, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện 808 ca ghép, bao gồm ghép tim, ghép phổi, ghép gan, ghép thận, ghép tụy, ghép chi thể, ghép giác mạc, ghép tế bào gốc, trong đó có 7 ca ghép từ người chết hiến não được vận động thành công tại Bệnh viện.

Nhân dịp này, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tri ân và trao kỷ niệm chương, quà tri ân cho gia đình người hiến tạng.

Bệnh viện tri ân 2 gia đình đã đồng ý hiến mô, tạng của người thân sau chết não. (Nguồn: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108)

Từ đầu năm 2024 đến nay, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã vận động thành công 4 gia đình đồng ý hiến mô, tạng của người thân sau chết não, trong đó có 2 trường hợp đã thực hiện việc hiến đa mô, tạng cứu người.

Ngay sau chương trình, khoảng 100 người, trong đó có Ban Giám đốc Bệnh viện, các bác sỹ, điều dưỡng, nhân viên Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã đăng ký hiến mô, tạng để tiếp tục lan tỏa sâu rộng nghĩa cử cao đẹp “Kết nối yêu thương, tiếp nối niềm tin, thắp sang hy vọng, ươm mầm sự sống vì “Cho đi là còn mãi.”

Hiện nay, cả nước có hàng chục nghìn người đang hằng ngày, hằng giờ phải chiến đấu để giành giật sự sống với căn bệnh suy tạng; rất ít người trong số họ có cơ may được ghép tạng vì số người hiến tạng hết sức khan hiếm.

Do vậy, chương trình được tổ chức góp phần kêu gọi, lan tỏa sâu rộng ý nghĩa nhân đạo, nhân văn cao cả của việc hiến tặng mô, tạng cứu người, tạo nên những điều kỳ diệu, những giá trị sống đích thực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục