Khai thác hiệu quả giá trị kiến trúc khu phố cổ như là một sản phẩm du lịch đặc thù có tính cạnh tranh cao, tổ chức trình diễn nghề thủ công đặc trưng tại các phố “Hàng,” số hóa các di sản và sử dụng công nghệ để gia tăng trải nghiệm cho các du khách,… là đề xuất của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia văn hóa nhằm phát huy giá trị di sản của khu phố cổ Hà Nội.
Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo “Bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản khu Phố cổ Hà Nội trong tiến trình phát triển Thăng Long-Hà Nội” do Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm phối hợp cùng Hội Di sản Văn hóa Thăng Long và Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội tổ chức sáng 8/10.
Xây dựng sản phẩm du lịch chuyên nghiệp cho phố cổ
Trên thực tế, phố cổ Hà Nội có vị trí quan trọng trong lịch sử phát triển của Thủ đô, nó chứa đựng được một hệ thống giá trị di sản lịch sử, văn hoá, nghệ thuật, kiến trúc... to lớn, trở thành niềm tự hào và quan tâm sâu sắc của người dân.
Nói đến “phố cổ,” nhiều nước trên thế giới cả phương Đông lẫn phương Tây đều có, song những phố mang tên “Hàng” nằm trong một khu phố cổ có lẽ chỉ duy nhất có ở Hà Nội.
Bởi thế, phó giáo sư, tiến sỹ, kiến trúc sư Nguyễn Trúc Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, nhấn mạnh việc cần khai thác hiệu quả giá trị kiến trúc khu phố cổ như là một sản phẩm du lịch đặc thù có tính cạnh tranh cao.
Ông cho rằng tham quan phố cổ Hà Nội là một sản phẩm du lịch đầy tiềm năng, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế khi tới thăm Thủ đô. Chính việc khai thác những giá trị này đã góp phần vào việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa kiến trúc phố cổ Hà Nội.
“Theo tôi, cần hình thành nên những tuyến phố du lịch điển hình nhưng vẫn đảm bảo được tính nguyên dạng của nhà cổ, phố cổ Hà Nội. Đối với mỗi con phố, nên chọn những vị trí điểm nhấn, trang trọng đặt bảng hiệu giới thiệu ngắn gọn lịch sử lâu đời của nó nhằm cung cấp các thông tin, hiểu biết cơ bản cho người dân và du khách thì mới tôn vinh được giá trị văn hóa của đường phố ấy. Cần hoàn thiện, làm sinh động, độc đáo hơn phố đi bộ của Hà Nội bằng việc kết hợp các hoạt động buôn bán vào ban đêm với các hoạt động văn hóa, văn nghệ vào các thời gian khác trong ngày,” ông Trúc Anh cho biết.
Kiến trúc sư Nguyễn Trúc Anh đặc biệt lưu ý cần nghiên cứu, khắc phục phố nghề ở khu phố cổ Hà Nội như một nét văn hóa riêng.
“Ở mỗi phường nghề, phố nghề chỉ cần khôi phục thí điểm một số cơ sở sản xuất các sản phẩm cổ truyền của phố nghề cùng với việc bán hàng tại chỗ để quảng bá các sản phẩm đó,” ông nói.
Thay đổi cách quản lý di sản
Đứng trên quan điểm di sản, phó giáo sư, tiến sỹ Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, cho rằng cần cân nhắc việc quản lý di tích và xếp hạng di tích trong khu phố cổ.
“Dư luận xã hội có xu hướng phản ứng không tích cực về vấn đề nâng cấp xếp hạng di tích và không thực sự đồng tình với cái gọi là hội chứng chạy theo danh hiệu hay thương hiệu di tích. Chúng ta cần hiểu đúng nội hàm của danh hiệu di sản,” ông nói.
Ông cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của cộng đồng cư dân địa phương trong việc quản lý di sản văn hóa.
“Việc huy động nguồn lực từ cộng đồng trong lĩnh vực quản lý di sản văn hóa là một trong những giải pháp không thể thiếu nếu muốn bảo tồn một cách bền vững và lâu dài,” ông khẳng định.
Tiến sỹ Đặng Văn Bài cho rằng khu phố cổ Hà Nội rất khác biệt, bởi di sản nằm trọn trong lòng một khu dân cư rộng lớn, trung tâm kinh tế sôi động của quận Hoàn Kiếm. Trong khi đó, phần lớn các nhà ở dân dụng lại thuộc quyền sở hữu tư nhân nên rất cần tổ chức hai bộ phận cộng đồng hỗ trợ cho Ban quản lý Phố cổ Hà Nội là đại diện cộng đồng cư dân phố cổ và Hội đồng tư vấn khoa học (gồm các nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý, đại diện các doanh nghiệp có liên quan tới di sản văn hóa).
Theo ông Bài, các bộ phận này sẽ tư vấn những vấn đề chuyên môn phức tạp liên quan tới các hoạt động quản lý di sản và tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch bền vững trong khu phố cổ Hà Nội.
Đồng tình, song phó giáo sư, tiến sỹ Đỗ Thị Hảo, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Hà Nội bổ sung việc cần kiểm kê toàn bộ di sản văn hóa phi vật thể hiện còn tại khu phố cổ như thần tích, sắc phong, văn bia trong đình chùa, nhà thờ tổ, hương ước…, tiến hành dịch thuật và công bố rộng rãi để phục vụ cho mọi người nhất là đối với khách du lịch.
“Trong khu phố cổ xưa kia tập trung nhiều cơ sở giải trí như rạp Sán Nhiên Đài, Quảng Lạc, Cải lương hý viện, cơ sở ả đào đầu tiên của Hà Nội ở phố Hàng Giấy sau mới chuyển về Khâm Thiên,… Hiện nay hầu hết đã biến thành nhà dân không còn dấu tích gì của ngày xưa nữa. Vậy Ban Quản lý Phố cổ có nên gắn biển để đánh dấu để lưu lại một thời vàng son của nghệ thuật dân gian Thủ đô,” bà Hảo đặt câu hỏi?
Dùng công nghệ để gia tăng trải nghiệm cho du khách
Mặt khác, phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Hùng Cường, Đại học Xây dựng, cũng chia sẻ xu hướng sử dụng công nghệ cao để xử lý dữ liệu di sản văn hóa.
“Thực tế khoảng 10 năm gần đây nhiều phần mềm, công nghệ mới đã được giới thiệu, sử dụng trong các lĩnh vực bảo tồn di sản cho phép dựng lại toàn bộ khối công trình từ các hình ảnh đơn lẻ,” ông nói.
Theo ông, thời gian gần đây, với sự phát triển của công nghệ định vị vệ tinh, flycam, người ta đã thu thập dữ liệu 3D một cách toàn diện từ trên cao, tạo nên hiệu quả to lớn cho công tác bảo tồn. Ví dụ năm 2018 bằng công nghệ quét laze các nhà khảo cổ đã phát hiện siêu đô thị với hơn 60.000 công trình kiến trúc cổ đại của người Maya, rộng hơn 2.000km2 trong rừng già ở Guatemala.
Tiến sỹ Phạm Hùng Cường gợi ý nên khảo sát và lưu trư dữ liệu dạng 3D cho toàn bộ công trình có giá trị, cần phát huy thế mạnh của công nghệ để giới thiệu được các giá trị di sản phi vật thể của phố cổ Hà Nội bởi giá trị văn hóa của phố cổ không chỉ ở những gì hiện hữu.
“Những giá trị phi vật thể thì dễ dàng mất đi theo thời gian do cuộc sống thay đổi. Những lối sống buôn bán phường hội, các phố hàng đặc trưng, phong cách thanh lịch, ẩm thực phố cổ, các tập quán xưa vốn song hành cùng kiến trúc cổ đã mai một đi nhanh hơn cả di sản kiến trúc. Vậy rất cần công nghệ để bù đắp phần khiếm khuyết này,” ông nói.
Vẫn theo ông Cường, nhờ công nghệ chúng ta có thể thiết lập một bản đồ chi tiết cho khách thăm quan, với các thông tin văn hóa, lịch sử về phố cổ đầy đủ. Có thể dựng lại cuộc sống tại phố cổ những năm thời phong kiến, thời thuộc Pháp, giai đoạn đầu giữa thế kỷ 20 của từng con phố bằng công nghệ 3D để cho du khách hiểu về không gian, cảnh quan, lối sống ở phố cổ qua các giai đoạn. Khi du khách đến một ngôi nhà cổ, họ có thể truy cập thông tin về lịch sử ngôi nhà, các thế hệ, đồ đạc nội thất hay thậm chí các diễn biến lịch sử của ngôi nhà. Những câu chuyện như vậy sẽ hấp dẫn khách đến thăm quan.
Tuy nhiên, ông Cường cũng lưu ý không phải dùng công nghệ để cổ súy cho xu hướng du lịch ảo bởi không có gì thay thế được sự trải nghiệm của con người. Thực tế ảo giúp chúng ta hình dung tốt hơn về quá khứ để gìn giữ những đặc trưng, dấu ấn, giá trị văn hóa của quá khứ. Công nghệ giúp truyền bá thông tin nhanh và rộng hơn tới cộng đồng để khuyến khích tới điểm đến./.