Theo các chuyên gia, cần có những chế tài trong việc chặn dòng tiền quảng cáo vào các website vi phạm bản quyền phát sóng để ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật này.
“Điểm danh” cách thức vi phạm
Thực tế cho thấy, kỷ nguyên kỹ thuật số và Internet đem lại cho người dùng nhiều cơ hội tiếp cận các tác phẩm, bản ghi hình, chương trình phát sóng… vào bất kỳ thời gian nào nhưng cũng đặt ra những thách thức để bảo hộ quyền tác giả, quyền của tổ chức phát sóng trong môi trường số.
[Yêu cầu nhà mạng chặn nội dung vi phạm bản quyền ASIAD]
Tại Hội thảo Bảo hộ quyền của tổ chức phát sóng trong môi trường số diễn ra tại Hà Nội ngày 19/9, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS, thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam) cho hay, từ khóa lớn nhất trong mùa hè vừa qua chính là “bản quyền bóng đá.”
Dẫn một báo cáo của GlobalWebIndex, ông Đồng cho biết xem thể thao trên mạng Internet đang là một xu hướng. Nếu như vào năm 2016, khu vực Thái Lan và Việt Nam mức xem trên nền tảng này là 27% thì tới năm 2017 đã tăng lên 29% và 32% vào năm 2018. Trong khi đó, mức trung bình của thế giới qua 3 năm trên là 15%, 18% và 19%.
Báo cáo này cũng chỉ ra rằng, có 75% người Việt Nam trong độ tuổi từ 16-60 trả lời có theo dõi giải bóng đá Ngoại hạng Anh, trong đó 35% xem bằng TV và 26% xem trên Internet.
Nói về vi phạm bản quyền các chương trình thể thao, ông Đồng liệt kê ra một số trang web như Keonhacai.com, tructiepbongda.com, xemtiviso.com… Trong đó, một trang web vào tháng 3/2018 khoảng 11,1 triệu lượt xem thì tới tháng 6 (thời điểm WorldCup diễn ra) đã tăng lên 25,4 triệu lượt xem.
Ngoài việc đặt máy chủ ở nước ngoài để tránh kiểm soát, có những trang web còn tự bình luận, thậm chí dùng camera quay trận đấu đang được phát rồi phát ngược lại lên web.
Theo đại diện của Đài Truyền hình Việt Nam, hằng năm đơn vị này mua bản quyền các chương trình với tổng kinh phí rất lớn như: Ai là triệu phú, The voice, Vietnam Idol… hay các giải thể thao như World Cup, Euro, SeaGames…
“Các chương trình truyền hình là sáng tạo của VTV và có khai thác, sử dụng sự sáng tạo của các tác giả khác. Thế nhưng, bản quyền VTV đang bị xâm phạm nghiêm trọng, đặc biệt trên mạng Internet,” phía VTV cho biết.
Các hình thức vi phạm theo vị đại diện này là sử dụng chương trình mà không xin phép; khi tiếp sóng đã tự ý cắt quảng cáo, chèn quảng cáo của mình; sao chép, phát tán tràn lan trên internet, in thành băng đĩa bán trên thị trường…
Thậm chí, có vi phạm đã khiến VTV “lĩnh hậu quả” như VTVcab bị cắt sóng giải bóng đá Champions Legue và Europa Legue vào tháng 5/2017; tháng đầu tiên phát sóng 2 bộ phim Người phán xử và Sống chung với mẹ chồng đã có trên 400 tài khoản Facebook và kênh YouTube vi phạm; giải bóng đá World Cup 2018 chỉ trong hai ngày đầu phát hiện 700 tài khoản vi phạm…
Nói về “động lực” khiến các đối tượng vi phạm bản quyền, ông Đồng cũng cho hay, theo thống kê có tới 44/50 website vi phạm phổ biến nhất được hỗ trợ bởi các công ty cung cấp dịch vụ quảng cáo. Và, 66% trong số này có hơn 1 công ty cung cấp quảng cáo hỗ trợ.
Nhưng, vẫn theo ông Đồng, các loại quảng cáo được cho là “độc hại” trên các trang web này là khá cao. Ví dụ có các quảng cáo mang tính khiêu dâm, game cờ bạc và thậm chí trong quảng cáo này có cả phần mềm độc hại.
Xử lý thế nào?
Theo các chuyên gia, hiện nay các quy định pháp luật về quyền của tổ chức phát sóng đã được quy định khá đầy đủ, kể cả hệ thống luật pháp quốc tế mà Việt Nam tham gia như Công ước Berne, Công ước Geneva, Hiệp định TRIPs, các hiệp định song phương, hiệp định kinh tế thương mại tự do (CPTPP, VKFTA, EVFTA…). Ngoài ra, Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ Luật hình sự, Luật xử lý vi phạm hành chính… cũng đã quy định khá rõ điều này.
“Rõ ràng, khung pháp lý đã đầy đủ nhưng vấn đề là xử lý vi phạm thế nào,” ông Đồng bày tỏ quan điểm.
Ông Stephane Baumier, Phó Tổng Giám đốc Truyền hình K+ cho hay, đơn vị này đã bỏ ra khoản phí bản quyền lớn để phục vụ khán giả. Thế nhưng, để bảo vệ bản quyền, đơn vị này đã đầu tư không nhỏ để nâng cấp hệ thống, xây dựng đội ngũ chuyên giám sát, ngăn chặn, phát hiện và xử lý vi phạm. Nhưng, sẽ khó để giải quyết triệt để vấn nạn này nếu không có sự hợp tác từ người sử dụng và hỗ trợ tích cực từ cơ quan chức năng.
Chuyên gia Nguyễn Quang Đồng khuyến nghị, để thực hiện đúng quy trình xử lý sẽ mất thời gian hơn việc dùng công nghệ. Bởi thế, khi phát hiện dấu hiệu vi phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ, các đơn vị cần ngăn chặn ngay trước khi nghĩ tới các biện pháp tiếp theo.
Theo ông Đồng, công nghệ phát hiện và xử lý vi phạm cần được ứng dụng rộng rãi hơn, gắn với trách nhiệm của các đơn vị cung cấp nền tảng ở Việt Nam. Cùng lúc, cần tăng cường trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp nội dung Internet và tạo cơ chế cho họ có thể chặn website, gỡ nội dung vi phạm.
Ngoài ra, phải có những biện pháp chặn dòng tiền quảng cáo như các hiệp hội cần công khai danh sách website vi phạm và thông tin tới các đại lý quảng cáo, “bêu tên” các doanh nghiệp cố tình quảng cáo trên website trong danh sách này.
Trong khi đó, bà Cesline Boyer, Trưởng Ban Bảo vệ Nội dung CISCO của Canal+ thì nhấn mạnh tới sự hợp lực ở tầm quốc gia và tầm quốc tế để xử lý các kênh phát trực tiếp vi phạm trên các hạ tầng mạng xã hội và các đường link bất hợp pháp trên các công cụ tìm kiếm; giải quyết các vấn đề phức tạp thông qua Liên minh bảo vệ nội dung khu vực và toàn cầu…
Các chuyên gia cũng cho rằng, vai trò của truyền thông đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của người dân về sở hữu trí tuệ cũng như bản quyền phát sóng truyền hình. Đây cũng chính là “vũ khí” giúp răn đe các đối tượng cũng như các nhà quảng cáo vô tình hoặc cố ý tiếp tay cho vi phạm./.