Hiện đại hóa báo chí để tăng sức cạnh tranh trong cuộc chơi mới

Dù công cuộc chuyển đổi số đang là chủ đề 'nóng' tại các diễn đàn, song báo chí không thể xa rời giá trị cơ bản là nội dung 'tin cậy, chính xác, công bằng và cân bằng.'
Các cơ quan báo chí đều cần nỗ lực hiện đại hóa để có thể tồn tại và cạnh tranh trên thị trường thông tin. (Ảnh: VTV)

Với việc không phải là nguồn duy nhất phát thông tin, muốn phát triển, báo chí cần có sự thay đổi từ mô hình tổ chức đến cách sản xuất tin tức, chấp nhận sự tương tác, giám sát thậm chí lắng nghe phản biện rất mạnh từ cộng đồng.

Đây cũng được xem là chìa khóa dẫn đến thành công của cơ quan báo chí trong thời đại thông tin đang được lan truyền một cách chóng mặt.

‘Thay đổi hay là chết’

Năm 2013, sau 5 năm hoạt động, báo điện tử VietnamPlus tung ra sản phẩm RapNewsPlus sử dụng âm nhạc để đưa tin tức đến với độc giả, nhất là người dùng trẻ tuổi. Bản tin sáng tạo này đã gây chấn động ngành báo chí Việt Nam và thế giới, đến mức các hãng thông tấn nước ngoài như BBC, Canal+, NHK… cũng đưa tin về sự kiện này.

VietnamPlus cũng liên tục thử nghiệm những sản phẩm và cách tiếp cận mới như đăng tin tức lên hóa đơn của hệ thống siêu thị Vinmart, hình thức thông tin giải trí hài hước KomedyNewsPlus, chuyên mục đưa tin tức vào trò chơi (News Game), chương trình phát thanh cho thiếu niên TeenPlus Radio, sản phẩm chatbot tự động tương tác với độc giả…

Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng biên tập báo điện tử VietnamPlus. (Ảnh: Công luận)

Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng biên tập báo điện tử VietnamPlus cho hay nhiều sản phẩm đã giành được giải thưởng trong nước quốc tế, được độc giả và đồng nghiệp đánh giá cao nhưng cũng có sản phẩm chưa được thành công như mong đợi. Song, ông Nhật khẳng định VietnamPlus quyết tâm thử nghiệm, dám nhận thất bại bởi hiện đại hóa là xu thế bắt buộc để tồn tại và cạnh tranh trong thị trường thông tin ngày nay.

“Báo VietnamPlus là đơn vị mở đầu cho xu hướng Longform (e-magazine) trên báo điện tử tại Việt Nam. Chúng tôi mua các công cụ nước ngoài để các phóng viên, biên tập viên có thể tự làm được các đồ hoạ tương tác, các sản phẩm báo chí dữ liệu hay các bài Mega Story,” ông Nhật nói.

[Phản ánh hiện tượng tiêu cực xã hội: Truyền thông không phải quan tòa]

Tới nay các công cụ nói trên đã trở nên phổ biến ở nhiều cơ quan báo chí. Do đó, tiêu chí không ngừng sáng tạo, không ngừng hiện đại hóa luôn được đặt lên hàng đầu để tờ báo không bị tụt hậu.

Bản tin RapNewsPlus của báo điện tử VietnamPlus. (Ảnh chụp màn hình)

Đồng quan điểm, ông Đinh Đắc Vĩnh, Phó Tổng giám đốc phụ trách Công nghệ thông tin, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) cho hay: “Ngay từ những năm 2010- 2011, Đài Truyền hình Việt Nam đã có khẩu hiệu 5 chữ ‘Thay đổi hay là chết’.”

Trước đây VTV hoạt động theo phương thức truyền thống, gặp khó khăn khi không cạnh tranh được với các mô hình truyền thông mới từ các tập đoàn nước ngoài và các công ty công nghệ đa quốc gia. Từ đó, VTV có nguy cơ thất bại, không đáp ứng nhu cầu theo dõi thông tin chủ động của khán giả trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0.

Sự sụt giảm về số lượng khán giả, thời lượng theo dõi khiến VTV không tạo ra nguồn thu đủ để đáp ứng nhiệm vụ phát triển nội dung và đầu tư công nghệ.

“Chúng tôi xác định phải thực hiện chuyển đổi số, hiện đại hóa hoạt động của mình trong 3 phạm vi: Mô hình sản xuất và phân phối; Kinh doanh truyền hình; Mở rộng, chiếm lĩnh tập khán giả,” ông Vĩnh chia sẻ.

Chuyển đổi số: Hướng đi tất yếu

VTV xác định mục tiêu chuyển đổi toàn diện về nhận thức, mô hình quản lý, mô hình sản xuất phân phối, kinh doanh các sản phẩm truyền hình dựa trên số hóa tài nguyên, số hóa quy trình, ứng dụng hạ tầng viễn thông công nghệ thông tin, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo để xây dựng cộng đồng khán giả số và khai thác tiềm năng kinh tế số.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã diễn ra với rất nhiều khó khăn bởi trong cơ quan có một số người bảo thủ từ chối chuyển đổi số. Lý do là trong quá trình hiện đại hóa, tất yếu có một số bộ phận, công đoạn truyền thống sẽ trở nên lạc hậu, không còn chỗ đứng trong “cuộc chơi mới,” cần phải quyết tâm đào thải. Mà như vậy thì ảnh hưởng đến quyền lợi của con người và nhiều vấn đề khác.

Từ đó, VTV quyết định tinh giản bộ máy để phát triển theo hướng hiện đại, phù hợp nhu cầu người dùng.

Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, ông Lê Xuân Trung. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Báo Tuổi Trẻ cũng có chung quyết tâm như vậy để có thể phát triển từ một tờ báo in hàng ngày trở thành một trong những tờ báo điện tử lớn mạnh.

Phó Tổng biên tập tờ báo này, nhà báo Lê Xuân Trung, khẳng định “Bạn đọc lên mạng, báo chí cũng phải lên mạng," đó là phương châm hiện đại hóa của báo Tuổi Trẻ.

Trong quá trình chuyển đổi số, các cơ quan báo chí cần phải vượt qua 3 thách thức lớn là: Công nghệ, chi phí đầu tư và con người. Ngoài việc không có công nghệ phù hợp thì không thể chuyển đổi số hiệu quả; thách thức quan trọng nhất đó là con người, đội ngũ nhân sự.

“Khi muốn chuyển đổi số mà năng lực đội ngũ, năng lực lãnh đạo, điều hành không thể chuyển đổi số được thì dù có được đầu tư công nghệ phù hợp thì chưa chắc đã thực hiện được,” ông Trung nêu quan điểm.

Từ đó, báo Tuổi Trẻ đưa ra 3 phương án giải quyết: Tuyển người để có lực lượng tại chỗ làm công nghệ, hai là thuê công ty bên ngoài, ba là lực lượng tại chỗ phối hợp với thuê bên ngoài.

Nhà báo Lê Xuân Trung cũng chỉ ra một khó khăn nữa là vấn đề vi phạm bản quyền. Khi một tác phẩm vừa đăng tải ngay lập tức đã bị phân tán, chia sẻ khắp nơi, như vậy các cơ quan báo chí sẽ không thể đủ nguồn lực để đầu tư làm ra các sản phẩm báo chí có chất lượng, mang bản sắc riêng. Theo ông, các báo cần cam kết bảo vệ bản quyền để mỗi báo thể hiện các tác phẩm theo các bản sắc khác nhau, như vậy các báo sẽ chạy đua để nâng cao chất lượng thay vì số lượng.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập báo Nhân dân Lê Quốc Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư cho nhân lực nếu muốn phát triển báo chí theo hướng hiện đại. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Trước băn khoăn đó, nhà báo Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng cái gì cũng có thể bị sao chép, trừ nhân tài. Vì thế, muốn phát triển thì các cơ quan báo chí nên đầu tư vào nhân lực của mình.

Ở mục tiêu chuyển đổi số, nhà báo Lê Quốc Minh cho rằng các cơ quan báo chí cần đào tạo để các nhà báo có thêm cơ hội học tập kỹ năng cơ bản trong chuyển đổi số. Nhà báo phải hiểu được yêu cầu của bạn đọc, đáp ứng được nhu cầu bạn đọc, như vậy quá trình chuyển đổi số mới có thể thành công.

“Sự đổi mới tuyệt vời nhất sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu chúng ta không có đủ kỹ năng để sử dụng nó. Kể cả những bộ óc xuất chúng nhất của con người sẽ dần trở nên vô dụng nếu không bắt tay với công nghệ,” ông nói.

Ông cũng nhấn mạnh nguồn thu từ độc giả mới là “kế lâu dài” chứ không phải là doanh thu từ quảng cáo, do đó cần phải nghĩ đến việc làm sao để bạn đọc trả tiền cho báo điện tử giống như trả tiền mua báo giấy.

“Dù đang trong kỷ nguyên số, các tòa soạn phải luôn ghi nhớ những giá trị cơ bản của báo chí. Tin cậy, chính xác, công bằng và cân bằng trong mỗi bài viết là những giá trị vô cùng quan trọng và giờ đây càng quan trọng hơn bao giờ hết để mỗi tờ báo có sức cạnh tranh,” ông nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục