Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết đến nay, toàn quốc hiện có 1.345 cơ sở y tế cung cấp dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV; trong đó có 95 phòng được phép khẳng định HIV dương tính và 1.250 phòng xét nghiệm sàng lọc HIV.
Các cơ sở này đã tư vấn xét nghiệm cho 260.000 người, trong đó có 5.000 lượt người có kết quả HIV dương tính.
Tuy nhiên, tỷ lệ nhóm nguy cơ cao được xét nghiệm hàng năm còn thấp, chỉ bao phủ khoảng 30%; đặc biệt hạn chế trong việc triển khai xét nghiệm các cặp bạn tình nhóm nguy cơ cao và nhiều người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV ở giai đoạn muộn.
Cục Phòng, chống HIV/AIDS khẳng định công tác tư vấn và xét nghiệm HIV tự nguyện còn gặp nhiều khó khăn; thiếu sinh phẩm xét nghiệm chẩn đoán và điều trị để cung cấp miễn phí, việc thu phí làm xét nghiệm gặp nhiều khó khăn do phần lớn khách hàng thuộc diện nghèo.
Đặc biệt, hiện nay có nguy cơ không thể thực hiện xét nghiệm thường quy theo hướng dẫn do kinh phí tài trợ không còn, nhất là các tỉnh dự án bị cắt sau năm 2015.
Bên cạnh đó, thời gian trả kết quả xét nghiệm ở khu vực vùng xa trung tâm thường muộn. Dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện ở nhiều khu vực có lượng người HIV cao còn hạn chế.
Người nhiễm HIV sau khi được phát hiện đi đăng ký chăm sóc điều trị còn thấp. Việc mở rộng dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV hiện cũng gặp nhiều hạn chế do sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV vẫn tồn tại trong cộng đồng dân cư.
Trước tình hình trên, Bộ Y tế đang triển khai mở rộng dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV thông qua các dịch vụ tư vấn xét nghiệm lưu động, phối hợp với các tổ chức cộng đồng tư vấn và chuyển gửi người có nguy cơ lây nhiễm HIV đến cơ sở y tế làm xét nghiệm HIV.
Theo đó, 5 tháng đầu năm 2015, Bộ Y tế đã tăng cường kiểm tra và cấp mới 3 phòng xét nghiệm được khẳng định HIV dương tính cho tỉnh Hà Giang, An Giang và Bình Phước; chuẩn hóa và cấp lại cho 55 phòng xét nghiệm được phép khẳng định HIV dương tính.
Đồng thời, ngành y tế đã triển khai đề án tuyến tỉnh về tăng cường năng lực quản lý chất lượng xét nghiệm tại các tỉnh như Sơn La, Quảng Ninh, Thái Nguyên và Thanh Hóa; triển khai đề án xây dựng phòng xét nghiệm khẳng định HIV dương tính tuyến huyện tại 9 tỉnh (gồm Điện Biên, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Nguyên, Sơn La, Quảng Ngãi, Bà Rịa-Vũng Tàu và Kiên Giang) chủ yếu cho các huyện miền núi và huyện đảo nơi có nguy cơ lây nhiễm HIV cao, xa trung tâm tỉnh.
Thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục triển khai công tác tư vấn và xét nghiệm HIV đảm chất lượng xét nghiệm HIV, tránh xét nghiệm lặp lại người nhiễm HIV đã có kết quả từ trước; tăng cường chỉ đạo kết nối người nhiễm HIV dương tính đến cơ sở chăm sóc điều trị ARV.
Đồng thời, ngành y tế tập trung xác định các địa bàn có nguy cơ lây nhiễm HIV cao, triển khai các dịch vụ tư vấn xét nghiệm lưu động, chủ động phát hiện người nhiễm HIV mới.
Bộ Y tế đề nghị các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Quảng Ngãi, Kiên Giang và Bà Rịa Vũng Tàu đôn đốc các cơ sở y tế đã lựa chọn hoàn thành các tiêu chuẩn kỹ thuật để sớm thẩm định và cấp phép phòng xét nghiệm tuyến huyện được phép khẳng định HIV dương tính.../.