Phút 31 trận đấu giữa Hà Nội T&T và Hoàng Anh Gia Lai ở vòng 22 V-League, Hoàng Vũ Samson quân bình tỉ số cho đội bóng thủ đô bằng một cú sút quyết đoán hạ gục thủ thành Tuấn Mạnh. Băng quay chậm cho thấy cú dứt điểm của Samson đưa bóng đi thẳng tới vị trí Tuấn Mạnh với lực không quá lớn. Lẽ ra, thủ thành này có thể làm tốt hơn và kết quả trận đấu có thể đã khác.
Tình huống này chỉ là một trong nhiều sai lầm của Tuấn Mạnh khi thi đấu ở sân chơi cao nhất của bóng đá Việt. Cũng chính bởi lý do này, Hoàng Anh Gia Lai đã phải đưa Bassey Akpan về sân Pleiku.
Ngoại trừ câu lạc bộ phố núi, 12 đội bóng còn lại của V-League đều không đăng ký các thủ môn ngoại trong đội hình. Nhưng điều đó không thể hiện niềm tin của các huấn luyện viên vào thủ thành nội. Lý do nằm ở luật giới hạn ba cầu thủ ngoại của VFF. Các đội bóng buộc phải hi sinh những suất ngoại binh trong khung gỗ để tập trung vào các vị trí quan trọng hơn (thường là trung vệ, tiền vệ trụ và tiền đạo).
Trước đây, bóng đá Việt Nam luôn sản sinh ra những thủ môn giỏi có thể khiến đồng đội và người hâm mộ an tâm. Họ là Nguyễn Văn Cường (Bình Định), Trần Tiến Anh (Thể Công) thuộc “thế hệ vàng” của thập niên 90 thế kỷ trước, là Bùi Quang Huy, Dương Hồng Sơn tại AFF Cup 2008. Hồng Sơn cũng chính là cầu thủ xuất sắc nhất giải đấu năm ấy, đồng thời là người đoạt Quả bóng Vàng Việt Nam 2008.
Nửa thập kỷ sau ngày đó, bóng đá Việt Nam chưa có thủ môn nào tiệm cận đẳng cấp của những tên tuổi trên chứ chưa nói tới việc sánh với những huyền thoại như “lưỡng thủ vạn năng” Phan Văn Rạng (đội tuyển miền Nam Việt Nam) hay thủ môn Trần Văn Khánh (Thể Công).
Chúng ta từng có những thủ môn rất tiềm năng như Tô Vĩnh Lợi (Thanh Hóa), Bùi Tấn Trường (Becamex Bình Dương), Trần Bửu Ngọc (Đồng Tháp) hay Nguyễn Thanh Bình. Mỗi người đều từng được trao cơ hội để thể hiện ở cả cấp độ câu lạc bộ và đội tuyển quốc gia. Nhưng càng thi đấu, họ càng bộc lộ các điểm yếu cố hữu của đa số thủ môn Việt Nam (tâm lý thi đấu, sự ổn định).
Giống như các đồng nghiệp ở Đông Nam Á, thủ môn Việt Nam thường không có một chiều cao lý tưởng, khả năng chống bóng bổng kém, chọn vị trí không tốt và đặc biệt là thiếu nhạy bén trong những đường chuyền dài phát động tấn công. Khi bước ra sân chơi châu lục, đối đầu với các tiền đạo sở hữu thể hình vượt trội và có thiên hướng chơi bóng bổng, những điểm yếu này thường bị khai thác triệt để.
Trong quá khứ, huấn luyện viên Henrique Calisto từng triệu tập thủ thành Phan Văn Santos (Đồng Tâm Long An) vào đội tuyển quốc gia vì ông nhìn thấy ở Santos những phẩm chất mà nhiều thủ môn Việt Nam còn thiếu là khả năng chống bóng bổng và phát động tấn công tốt. Tuy nhiên, thủ thành gốc Brazil đã không thành công do gặp khó khăn trong việc hòa nhập.
Đào tạo thủ môn là công việc đặc thù, khó khăn và nhiều thử thách bậc nhất trong đào tạo trẻ. Những yêu cầu đặc biệt của công việc này khiến nhiều lò đào tạo danh tiếng từ chối huấn luyện vị trí thủ môn, điển hình là lò Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG. Đấy cũng là lý do khiến ban huấn luyện các đội bóng phải có riêng một vị trí cho huấn luyện viên thủ môn. Phát hiện, đào tạo và dành sự quan tâm đặc biệt cho các thủ môn trẻ, vì thế, là điều kiện tiên quyết cho sự xuất hiện những người gác đền xuất chúng trong tương lai.
Hiện tại, những cái tên trẻ ở vị trí thủ môn có thể kể đến Nguyên Mạnh (Sông Lam Nghệ An), Lê Văn Trường (U19 Hoàng Anh Gia Lai), Thanh Tuấn (U17 PVF). Cách đây ít ngày, làng bóng đá trẻ cũng được chứng kiến sự xuất hiện của một thần đồng nhỏ tuổi tại giải U13 quốc gia là Văn Bá (Sông Lam Nghệ An). Nếu được đào tạo và quan tâm đúng mực, họ chính là tương lai trong khung thành tuyển Việt Nam./.