Hiểm họa khi kháng sinh xâm nhập vào chuỗi thức ăn, môi trường

Tại Việt Nam, việc sử dụng kháng sinh ngày càng gia tăng và thiếu kiểm soát trong y tế cũng như trong chăn nuôi và càng nguy hiểm hơn khi nó xâm nhập vào chuỗi thức ăn và môi trường.
Sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi cần thận trọng. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp Việt Nam vào danh sách các nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao trên thế giới.

Ở Việt Nam đã xuất hiện vi khuẩn kháng đa thuốc, mức độ kháng ngày càng gia tăng. Đặc biệt trong các bệnh viện đã có vi khuẩn biến đổi gen đa kháng thế hệ mới.

Trước thực trạng trên, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống kháng thuốc để hiểu rõ hơn về vấn đề này.


Hàng chục ngàn người tử vong do kháng thuốc

- Thứ trưởng có thể nói rõ hơn về thực trạng lạm dụng thuốc kháng sinh hiện nay?


Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến:
Kháng thuốc ngày nay không chỉ của riêng quốc gia nào mà là vấn đề y tế toàn cầu, đặc biệt nổi trội ở các nước đang phát triển.

Chúng ta phải hiểu, việc sử dụng kháng sinh là hết sức cần thiết để điều trị bệnh cho con người, vật nuôi. Tuy nhiên, việc sử dụng kháng sinh không hợp lý, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không cần thiết… đã làm gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh.

Bên cạnh đó, việc đầu tư, nghiên cứu cho ra đời các kháng sinh mới đã giảm trong nhiều thập kỷ qua, dẫn đến sự thiếu hụt các kháng sinh có hiệu quả để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn đa kháng thuốc.

Thế giới mỗi năm có hàng chục ngàn người tử vong do kháng thuốc và phải chi phí hàng chục tỷ đô la cho kháng thuốc.

Báo cáo toàn cầu về kháng thuốc năm 2014 của Tổ chức Y tế thế giới được tổng hợp từ 114 quốc gia trên khắp các khu vực cho thấy: người bệnh phải nằm viện lâu hơn và tỷ lệ tử vong tăng lên ở tất cả các nhóm tuổi.

Tại châu Âu, số ngày nằm viện tăng 2,5 triệu ngày, tỷ lệ tử vong là 25.000 người/năm, Thái Lan, tăng hơn 3,2 triệu ngày nằm viện và tử vong 38.000 người/năm, ở Mỹ khoảng 2 triệu người mắc bệnh nhiễm khuẩn và tử vong 23.000 người/năm... 

Điều này tác động lớn đến kinh tế, xã hội lớn, chẳng hạn như ở Mỹ chi phí trực tiếp hơn 20 tỷ USD/năm và chi phí gián tiếp hơn 30 tỷ USD/năm) đặc biệt ở các nước nghèo, kém phát triển.

Báo động: Kháng sinh xâm nhập vào chuỗi thức ăn

- Thực trạng này ở Việt Nam hiện nay như thế nào thưa Thứ trưởng?


Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến:
Hiện nay tại Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới, tình trạng kháng thuốc kháng sinh trong các bệnh viện của Bộ Y tế và các bộ ban ngành khác, môi trường sinh thái ở chúng ta đang báo động, thậm chí là một thảm họa.

Tại Việt Nam, kháng thuốc là hiểm họa ngày càng lớn đối với con người và nền kinh tế. Nguyên nhân là do việc sử dụng kháng sinh ngày càng gia tăng và thiếu kiểm soát trong y tế cũng như trong chăn nuôi và càng nguy hiểm hơn khi nó xâm nhập vào chuỗi thức ăn và môi trường.

Chính vì vậy, Tổ chức Y tế thế giới lấy tháng 11 để hành động và truyền thông chống việc kháng thuốc kháng sinh như hiện nay.

- Ông có nghĩ rằng, thực trạng kháng thuốc kháng sinh ở Việt Nam được WHO xếp vào hàng cao nhất trên thế giới là do ý thức của người dân và cả những người bán thuốc quá dễ dãi?

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến: Trước đây chúng ta thấy có tình trạng ở Việt Nam rất khác với các nước là cứ mỗi người bệnh khi đau ốm thì có thể lần đầu tiên được các bác sỹ kê đơn để điều trị. Sau đó người bệnh mỗi lần cảm giác mình bị bệnh, cần được dùng thuốc thì tự động ra hiệu thuốc mua thuốc mà không hỏi thêm ý kiến của bác sỹ.

Ở Việt Nam chúng ta chưa có luật cấm không được bán thuốc theo đơn. Bây giờ chúng ta đã chỉ đạo rất sát sao, cấm bán thuốc khi không có đơn của bác sỹ. Hiện nay chúng ta có một hệ thống truyền thông vào từng người dân để người dân hiểu nếu như họ dùng thuốc không có sự chỉ dẫn của bác sỹ thì rất nguy hại cho chính bản thân của người bệnh.

Vì vậy, theo tôi chúng ta cần có yêu cầu và biện pháp để các dược sỹ, các nhà thuốc chỉ được bán thuốc, đặc biệt thuốc kháng sinh theo đơn.

Tuy nhiên, tôi cũng nhận thấy, qua một thời gian tuyên truyền sâu rộng, hiện nay trong mỗi người dân đang dần có sự thay đổi về nhận thức và hành động có sự sự tiến bộ đáng kể. 

Chung tay hành động

- Trước thực trạng đáng báo động như trên, Bộ Y tế đã có những biện pháp nào để ngăn chặn, hạn chế sự gia tăng tình trạng kháng thuốc?

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến: Việt Nam đã có các văn bản pháp luật, thông tư ban hành, quyết định đơn lẻ và thành lập các ban và tiểu ban phòng chống tình trạng kháng thuốc kháng sinh tại các bệnh viện.

Đồng thời, Bộ Y tế đã thành lập 9 tiểu ban giám sát kháng thuốc với phân công trách nhiệm cụ thể và thiết lập mạng lưới giám sát kháng thuốc, Kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát nhiễm khuẩn giai đoạn 2016-2020 và thành lập Đơn vị giám sát kháng thuốc Quốc gia đặt tại Cục Quản lý Khám, chữa bệnh.

Phải nói rằng Việt Nam đã có cam kết mạnh mẽ với Tổ chức Y tế thế giới, với các nước trong khu vực. Chúng ta có sự chung tay góp sức của lãnh đạo đảng, nha nước, các bộ ban ngành trung ương, địa phương cũng như các tổ chức quốc tế, các nước. Bởi tình trạng kháng kháng sinh không chỉ của riêng Việt Nam mà nó đã ảnh hưởng đến toàn cầu.

Tình trạng kháng thuốc vẫn còn, không thể hết ngay được nhưng nó sẽ giảm dần và công tác điều trị sẽ tốt dần lên.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục