H’hen không cần xe sang, bởi cô hạnh phúc trong vòng tay đồng bào Ê Đê ngày trở về quê hương sau đêm đăng quang trên chiếc “công nông mui trần” dẫn đầu đoàn xe nối dài suốt chặng đường hàng chục cây số.
H’hen không thiết cuộc sống phù hoa mà chỉ ao ước rằng vị trí hoa hậu có thể giúp cô có tiếng nói hơn trong việc truyền đi cảm hứng tốt đẹp cho cộng đồng, lan tỏa những câu chuyện đẹp đẽ và niềm tin vào cuộc sống cho những người yếu thế trong xã hội.
H'hen, dù đang ở vị trí một Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam nhưng tâm hồn vẫn mộc mạc như những trái càphê trên nương rẫy Đắk Lắk, thứ mà như em nói, chúng là tri kỷ trong suốt tuổi ấu thơ nghèo đói nhưng lúc nào cũng ngập tràn niềm vui và hạnh phúc của em.
[H’hen Niê: Cô Hoa hậu Hoàn vũ với những ký ức đầy ám ảnh]
“Với H’hen, ngồi công nông cũng giống như ngồi xe mui trần”
Có lẽ, hiếm có chuyến trở về quê hương sau đêm đăng quang nào của các hoa hậu tiền nhiệm để lại nhiều ấn tượng và xúc động cho cộng đồng như trường hợp H’hen Niê.
Cô không xúng xính trong màn tung hô màu mè, cũng chẳng bận tâm màn đón rước phải có “siêu xe” cho xứng tầm ngôi hậu. Bởi, chẳng phải lá ngọc cành vàng, cả tuổi thơ H’hen gắn bó với những chuyến công nông ra đồng, lên rẫy, nên nó thân thuộc và là biểu tượng cho tình cảm gia đình ở quê H’hen.
Chẳng phải vì thế mà dẫn đầu đoàn xe công nông đi hàng chục cây số, H’hen Niê đã thật rạng rỡ hạnh phúc và đầy tự hào. Hình ảnh đó có lẽ cũng đã chạm đến trái tim của rất nhiều người, vì nó hoàn toàn khác biệt...
Cũng phải 5 tháng sau đăng quang mới có cơ hội ngồi trò chuyện, nhắc lại khoảnh khắc đó, H’hen Niê đã chia sẻ rất thật rằng, cô không hề cảm thấy xấu hổ vì được đón về nhà như thế mà ngược lại rất hạnh phúc trước những gì mọi người đã làm và đã dành cho mình.
“Có lẽ hình ảnh chiếc vương miện trên xe công nông như vậy có vẻ sai sai, nhưng với riêng H’hen trong thời điểm đó đã cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Chị biết vì sao không? Bởi H’hen hiểu mình đang được đồng bào yêu thương. Nếu đi bằng phương tiện khác thì những người ở quê H’hen thật khó có thể đến đón H’hen. Ở quê H’hen, xe công nông chính là phương tiện gắn kết yêu thương, trong chính buôn làng, chính đồng bào cũng như trong gia đình,” H’hen nói.
H’hen bảo, nếu ai hiểu về chiếc xe công nông tại Đắk Lắk sẽ biết với người Ê đê, nó như phương tiện gắn kết gia đình trong một chuyến đi xa và nó cũng là phương tiện vận chuyển hàng ngày của người dân.
Nhìn vào ánh mắt ấy, tôi biết H’hen thật lòng và cô đang xúc động khi được gợi lại hình ảnh từng gắn bó cả tuổi ấu thơ: “Chị có hiểu cảm giác ngồi trên xe công nông dù chẳng có mái che bất kể trời mưa nắng gió, và mọi người quây quần trên đó chuyện trò rôm rả không? Với H’hen, ngồi xe công nông cũng giống như ngồi xe mui trần.”
“Có thể mọi người sẽ nhìn nhận trên phương diện một Hoa hậu đội vương miện mà lại đi xe công nông sao, phải đi dòng xe sang chứ, nhưng với bản thân mình, H’hen trân trọng và cảm thấy hạnh phúc với những tình cảm mà bà con quê hương đã làm dành cho H’hen. Đôi khi những điều đơn giản nhưng lại trở nên vô cùng tinh tế trong cảm xúc và thú vị đối với H’hen.”
Hiện tượng H’hen Niê
Khi đăng quang, H’hen Niê trở thành ngoại lệ gây nhiều tranh cãi nhất lịch sử cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam về cái gọi là chuẩn mực sắc đẹp, khi cô đã phá bỏ mọi “lối mòn thẩm mỹ” của số đông với mái tóc tém, da rám nắng, gò má cao sắc sảo và giọng nói vẫn còn thiếu duyên dáng khi trả lời ứng xử trong đêm chung kết.
H’hen Niê đi ngược lại những “khuôn vàng thước ngọc,” là Hoa hậu thì phải da trắng, tóc dài, mắt to, gương mặt đậm nét Á Đông… Cô gái Ê Đê da nâu chẳng có gì nếu xét theo hệ quy chiếu ấy, thậm chí còn là con nhà nghèo nên chẳng thể có chuyện lên ngôi vì mua giải, vì có gia đình “chống lưng.” Vậy mà ở thời điểm H’hen vừa đăng quang, một bộ phận dư luận đã vô cùng bất bình khi cô gái này sẽ đại diện cho nhan sắc Việt ở cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới.
Thế nhưng sau 5 tháng, với những hoạt động tích cực vì cộng đồng, vì những nhóm người yếu thế trong xã hội, H’hen Niê đã chứng tỏ, ban giám khảo hoàn toàn có lý và cô hoàn toàn khác biệt và đặc biệt. Chính sự khác biệt ấy đã làm cho bông hoa của núi rừng Tây Nguyên tỏa hương.
Khi được hỏi H’hen nghĩ gì về giá trị sự “khác biệt” của mình, cô đã rất thật thà mà rằng: “Chính bản thân H’hen cũng rất ngạc nhiên tại sao mình lại đạt được vị trí cao như vậy trong cuộc thi, để rồi giờ đây nó trở thành cơ hội và động lực cho H’hen. Có thể nhiều người sẽ khó chấp nhận hình ảnh H’hen. Kể cả H’hen cũng thế, thường hay khó chấp nhận những gì mới lạ của bản thân. Nhưng H’hen nghĩ, tất cả cần thời gian để chúng ta cùng nhau trải nghiệm, để mọi người có nhiều cảm nhận hơn về cái lạ của H’hen” (cười).
H’hen Niê nói đúng, “tất cả cần thời gian” để cùng nhìn ra vẻ đẹp còn đang tiềm ẩn ở đâu đó của nhau bằng tâm thế cởi mở và thiện chí. Giá trị nằm ở đó, nơi trái tim rộng mở.
Biết bao “mùa Hoa hậu" qua đi nhưng hiếm cô nào để lại nhiều cảm hứng như H’hen. Bởi những lời cô nói, những việc cô làm không hề xáo rỗng, mà chúng xuất phát từ ước mơ được cho đi, được gieo mầm tin yêu cuộc đời, ước mơ trở thành người truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ…
Biểu tượng Ê Đê
H’hen đã cho mọi người thấy chân dung một cô gái Ê Đê thú vị và khác biệt. Chẳng hề nhút nhát và “hiền như cục đất” như những gì thường thấy về một cô gái Ê Đê mà ẩn chứa bên trong là nội lực mạnh mẽ, kiên cường và đầy hoang dã. Hoang dã như những cái cây trong rừng già Tây Nguyên, ngồn ngộn sức sống và luôn vươn cao giữa đại ngàn.
H’hen bảo, những cô gái Ê Đê có được phẩm chất ấy là do tập tục và môi trường sống của các cô bắt buộc phải như vậy. Có thể con gái Ê Đê còn rụt rè trong giao tiếp với xã hội, thiếu nhạy bén với những kiến thức khoa học hiện đại, nhưng trong cuộc sống đời thường họ thực sự rất mạnh mẽ.
“Chị thử tưởng tượng xem, đến mùa thu hoạch có những cô gái vác được cả bao càphê nặng trăm cân. Trong đời sống gia đình, những người phụ nữ Ê Đê nhỏ bé có thể một mình chăm lo cho cả đại gia đình… Vì thế, với H’hen họ thực sự rất anh hùng,” H’hen Niê bày tỏ.
Là H’hen nói vậy nhưng ở thời điểm này, có thể nói cô gái ấy đang làm rạng danh cho người dân Ê Đê, đang trở thành biểu tượng cho ý chí mạnh mẽ của những người phụ nữ quê hương cô.
Ấy vậy nhưng H’hen chỉ dám nhận “may mắn được là đại diện cho một sự chắt lọc hơi đặc biệt của đồng bào mình. Và với những gì H’hen đã và đang làm vì những nhóm cộng đồng yếu thế trong xã hội, H’hen muốn truyền đi hình ảnh một cô gái Ê Đê như mọi người đang thấy đây.”
Giống như trong đêm trở thành tân Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, H’hen đã dõng dạc tuyên bố: "Tôi có mặt ở đây, tôi làm được thì các bạn cũng có thể làm được."
“Làm được” với cô gái Ê Đê này có nghĩa là, luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, không an phận mới 15-17 tuổi là nghỉ học ở nhà lấy chồng sinh con như tâm nguyện mẹ cha, mà nỗ lực thoát ly nương rẫy để khẳng định mình nơi đô thị phồn hoa... “Làm được” ấy có nghĩa là tuổi trẻ hãy biết ước mơ và sống có trách nhiệm, trân quý những giá trị cốt lõi và cùng lan tỏa những năng lượng tích cực ra cộng đồng…
Dẫu giờ đây đi ngoài đường hay tiếp xúc với ai đó, mọi người thường đến và nói với H’hen rằng “em chính là người truyền cảm hứng cho chị/cho cô/cho bác…” hay “chị là người truyền cảm hứng cho em,” như H’hen kể thì hành trình truyền cảm hứng của cô gái Ê Đê chắc chắn sẽ còn dài và lắm gian nan. Bởi thế cô bảo, chỉ biết làm hết sức mình thôi, việc lan tỏa đến đâu thì còn ở tùy duyên.