Hết tháng Tư, Bộ GTVT sẽ giải ngân 11.000 tỷ đồng vốn đầu tư công

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án cần tranh thủ thời tiết thuận lợi tại khu vực thi công để tăng ca, kíp, mũi thi công để tăng giải ngân vốn đầu tư công.
Nhà thầu thi công một dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Tại buổi giao ban công tác quý 1/2022 của Bộ Giao thông Vận tải vào sáng 13/4, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư cho biết đến nay bộ này đã giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2022 cho các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án tổng số 42.845/50.328 tỷ đồng, đạt 85,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Đối với 7.483 tỷ đồng kế hoạch năm 2022 chưa phân bổ, Vụ Kế hoạch Đầu tư sẽ tham mưu bộ trưởng giao chi tiết cho các đơn vị sau khi hoàn thiện thủ tục đầu tư, đảm bảo điều kiện giao kế hoạch năm theo đúng quy định. Trong đó, khoảng 5.000 tỷ đồng vốn thực hiện dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 và 2.483 tỷ đồng vốn thực hiện các dự án khởi công mới.

“Theo báo cáo của các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, trong tháng 3/2022, Bộ Giao thông Vận tải giải ngân 4.800 tỷ đồng. Lũy kế hết quý 1/2022 đã giải ngân được 7.200 tỷ đồng, đạt 17,2% kế hoạch giao và đạt 14,3% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao,” ông Huy thông tin thêm.

Trong đó, các dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020 giải ngân 2.500 tỷ đồng; các dự án ODA là 775 tỷ đồng; các dự án quan trọng cấp bách 410 tỷ đồng, các dự án thu hồi ứng trước kế hoạch 2.000 tỷ đồng; trả nợ các dự án BT (xây dựng-chuyển giao) là 1.060 tỷ đồng.

[Bộ GTVT phấn đấu giải ngân hơn 50.300 tỷ đồng trong năm 2022]

Đánh giá kết quả giải ngân quý 1/2022 của Bộ đạt 17,2% - vượt mức bình quân chung của cả nước (đạt 13,9%), ông Huy cho rằng giá trị giải ngân quý 1 chủ yếu tập trung ở thu hồi ứng trước kế hoạch, trả nợ BT, quyết toán, giải phóng mặt bằng và tạm ứng hợp đồng; giải ngân khối lượng xây lắp chỉ khoảng 3.000 tỷ đồng tập trung chủ yếu ở các dự án cao tốc Bắc-Nam.

Một số chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án có kết quả giải ngân cao hơn mức bình quân chung của Bộ Giao thông Vận tải là Ban Quản lý dự án Hàng hải, Ban Quản lý dự án Thăng Long, Sở Giao thông Vận tải Điện Biên, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh.

Đề ra kế hoạch giải ngân tháng 4/2022, vị Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư cho hay, các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án đăng ký Bộ sẽ giải ngân khoảng 3.800 tỷ đồng, lũy kế hết tháng Tư sẽ giải ngân 11.000 tỷ đồng và đạt khoảng 22% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Để đẩy mạnh thực hiện giải ngân, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án cần tranh thủ thời tiết thuận lợi tại khu vực thi công để tăng ca, kíp, mũi thi công; đặc biệt với các dự án phải hoàn thành năm nay, các dự án có khối lượng thi công lớn cần tăng cường thi công 3 ca; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đấu thầu, tạm ứng hợp đồng dự án.

Đối với các dự án đang hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, các Ban Quản lý dự án, chủ đầu tư đôn đốc tư vấn hoàn thiện hồ sơ trình duyệt dự án đầu tư theo đúng tiến độ cam kết, làm cơ sở sớm giao kế hoạch vốn thực hiện.

Bên cạnh đó, Vụ Kế hoạch Đầu tư hàng tuần rà soát kết quả phê duyệt quyết định đầu tư các dự án để tham mưu Bộ trưởng có quyết định giao chi tiết kế hoạch năm cho dự án ngay sau khi có quyết định đầu tư; phối hợp với Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình và các đơn vị, tham mưu lãnh đạo Bộ báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý vướng mắc do ảnh hưởng của đột biến giá vật liệu, làm tăng tổng mức đầu tư và khả năng cân đốn nguồn vốn cho các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn (nếu có)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục