Henry Kissinger, người định hình các vấn đề thế giới dưới hai đời tổng thống Mỹ

Là người duy nhất đồng thời nắm giữ vị trí Cố vấn An ninh Quốc gia kiêm Ngoại trưởng Mỹ, Henry Kissinger đóng vai trò quan trọng trong định hướng chính sách đối ngoại của nước Mỹ.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Henry A. Kissinger, học giả, chính khách và nhà ngoại giao nổi tiếng của Mỹ đã qua đời ngày 29/11 tại nhà riêng ở Connecticut ở tuổi 100.

Công ty tư vấn Kissinger Associates, Inc do ông sáng lập đã công bố thông tin ông qua đời nhưng không đưa ra nguyên nhân cụ thể.

Là một người Do Thái nhập cư chạy trốn khỏi nước Đức phát xít, Kissinger hầu như không nói được tiếng Anh khi mới đến Mỹ vào năm 1938. Nhưng ông đã tận dụng trí tuệ nhạy bén, khả năng thông thạo lịch sử và kỹ năng viết văn để thăng tiến nhanh chóng khi tốt nghiệp Harvard và trở thành giảng viên tại đại học danh tiếng này.

Là người duy nhất từng đồng thời là Cố vấn An ninh Quốc gia kiêm Ngoại trưởng Mỹ, ông đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng chính sách đối ngoại của nước Mỹ.

Kissinger từng được đồng đề cử giải thưởng Nobel Hòa bình cho các cuộc đàm phán Hiệp định Paris năm 1973 về chấm dứt sự tham gia của quân đội Mỹ vào cuộc chiến tranh tại Việt Nam.

Chính sách “Ngoại giao con thoi” nổi tiếng của ông sau cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1973 đã giúp ổn định quan hệ giữa Israel và các nước láng giềng Arab.

Với tư cách là người điều phối tiến trình mở cửa lịch sử của Tổng thống Richard Nixon với Trung Quốc và là nhà lý thuyết về chính sách hòa dịu với Liên Xô, Kissinger đã giành được nhiều ảnh hưởng vì những thay đổi chính sách mang tính định hình chiến lược toàn cầu.

Tổng thống George W. Bush ca ngợi ông là “một trong những công chức thành đạt và được kính trọng nhất của đất nước.” Các quan chức cấp cao của chính quyền Bush cũng thường xuyên hỏi ý kiến ông về các vấn đề quốc tế.

henry kissinger.jpg
Ông Kissinger trước chuyến thăm tới Trung Quốc tháng 6/1972. (Ảnh: AP)

Tuy vậy, ông cũng nhận nhiều chỉ trích vì các quyết định gây tranh cãi. Các nhà phê bình cho rằng Kissinger phải chịu trách nhiệm về cuộc xâm lược của Mỹ vào Campuchia vào năm 1970, làm mở rộng xung đột ở Đông Nam Á và dẫn đến việc chế độ Khmer Đỏ tiếp quản đất nước này.

Chính sách của ông, đề cao Quốc vương Iran Mohammad Reza Shah như là trụ cột trong chính sách của Mỹ ở Vịnh Ba Tư, đã khuyến khích Shah tăng giá dầu và dần dẫn đến cuộc cách mạng Iran.

Những người chỉ trích cũng cáo buộc ông thông đồng với những kẻ gây ra cuộc đảo chính hồi năm 1974 nhằm lật đổ chính phủ Cyprus và ủng hộ chiến dịch quân sự của Pakistan nhằm dập tắt cuộc nổi dậy ly khai ở khu vực ngày nay là Bangladesh.

Kissinger được cho là chịu trách nhiệm gián tiếp về cuộc đảo chính do CIA giật dây nhằm lật đổ chính phủ được bầu cử hợp pháp ở Chile - cũng như vụ sát hại Tướng René Schneider, Tổng tư lệnh các Lực lượng Vũ trang Chile trước đó, người kiên quyết phản đối cuộc đảo chính.

Trong cuốn “Cái giá của quyền lực,” nhà báo Seymour M. Hersh cho biết Kissinger và Tổng thống Nixon về cơ bản là hai người giống nhau. Theo ông, cả hai đều không quan tâm đến cái giá phải trả về sinh mạng con người cho những hành động của mình.

ttxvn_henry kissinger 2.jpg
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban POW/MIA Thượng viện Mỹ ở Washington, D.C., ngày 22/9/1992. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Những người không ngưỡng mộ Kissinger cảm thấy việc ông sẵn sàng sử dụng vũ lực - một cách công khai hoặc ngấm ngầm - để thúc đẩy các mục tiêu của Mỹ đã khiến ông bỏ qua những cân nhắc về nhân đạo và nhân quyền.

Ông là người theo đuổi chủ nghĩa thực dụng trong chính trị, sử dụng ngoại giao để đạt được các mục tiêu thực tế thay vì thúc đẩy những lý tưởng cao cả.

Trong cuốn “Kết thúc chiến tranh Việt Nam” xuất bản năm 2003, Kissinger bày tỏ quan điểm: “Lịch sử chỉ đưa ra những lựa chọn thay thế rõ ràng trong những trường hợp hiếm hoi nhất. Hầu hết các chính khách phải đạt được sự cân bằng giữa giá trị và nhu cầu, hay nói cách khác, họ buộc phải tiếp cận mục tiêu của mình, không phải bằng một bước nhảy vọt mà theo từng giai đoạn. Mỗi giai đoạn ấy đều không hoàn hảo theo những tiêu chuẩn tuyệt đối.”

Nhà nghiên cứu Thomas A. Schwartz tại Đại học Vanderbilt, người đã phỏng vấn Kissinger cho một cuốn tiểu sử in năm 2020, nhận thấy rằng ngay cả sau nhiều thập kỷ bị chỉ trích, Kissinger vẫn tuân thủ “triết lý quan hệ quốc tế của chính mình, trong đó ông cho rằng trong một thế giới bi kịch, chính khách không thể lựa chọn giữa thiện và ác mà chỉ có thể lựa chọn giữa những hình thức khác nhau của cái ác”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục