Hệ xương khớp chắc khỏe để bé phát triển toàn diện

Dinh dưỡng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển toàn diện của trẻ trong những năm đầu đời, bởi khoảng 60% chiều cao khi trưởng thành đạt được lúc 5 tuổi.
Hệ xương khớp chắc khỏe để bé phát triển toàn diện ảnh 1Việc cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho trẻ trong thời điểm vàng là điều thiết yếu giúp ngăn ngừa tình trạng thấp còi. (Ảnh minh họa)

Luôn ước mong con tăng trưởng khỏe mạnh, nhưng đôi khi mẹ vẫn cảm thấy lúng túng không biết dựa trên những tiêu chí nào để đánh giá. Mẹ đừng lo, thước đo chuẩn xác để biết bé tăng trưởng khỏe mạnh hay chưa sẽ được các bác sĩ “mách nhỏ” mẹ ngay sau đây!

Phát triển xương – vấn đề tưởng mới mà cũ

Một sai lầm phổ biến là trước đây rất nhiều bậc cha mẹ chỉ chú trọng đến cân nặng của trẻ. Tuy nhiên, trẻ trông mập mạp không có nghĩa là trẻ không gặp các vấn đề về dinh dưỡng hay đảm bảo trẻ phát triển toàn diện. Giáo sư - Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Gia Khánh (Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam) chia sẻ: “Trước hết, các bậc cha mẹ cần có một định nghĩa đầy đủ về sự tăng trưởng toàn diện của trẻ: trẻ cần phát triển thể chất, với chiều cao, cân nặng đúng chuẩn. Bên cạnh đó, sức đề kháng và sự phát triển về vận động, trí tuệ cũng chính là thước đo đánh giá cho trẻ để có thể “toàn diện” về cả thể chất lẫn tinh thần.”

 Theo các chuyên gia, chiều cao được xem là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá sự phát triển toàn diện của trẻ. Dinh dưỡng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển toàn diện của trẻ trong những năm đầu đời, bởi khoảng 60% chiều cao khi trưởng thành đạt được lúc 5 tuổi.

Đó là lý do vì sao phát triển xương là một yếu tố quan trọng để trẻ tăng trưởng, và cha mẹ cũng cần đảm bảo con nhận được nguồn dinh dưỡng đầy đủ và cân bằng ngay từ những năm tháng đầu đời.

[5 năm đầu đời: Giai đoạn dinh dưỡng "vàng" cho trẻ cao lớn, khỏe mạnh]

Chìa khóa để trẻ đạt chuẩn về chiều cao là có một hệ xương khớp chắc khỏe, đặc biệt là vai trò cực kỳ quan trọng của các tế bào sụn tăng trưởng nằm ở hai đầu xương dài. Trẻ cao lên khi xương dài ra, nhờ các tế bào này tăng sinh và di chuyển tới đoạn giữa xương. Nói cách khác, chiều cao mà trẻ đạt được khi trưởng thành chính là kết quả của quá trình phát triển các sụn tăng trưởng.

Tuy nhiên, sụn tăng trưởng chỉ phát triển mạnh mẽ vào giai đoạn đầu đời, sau đó giảm dần và ngừng hẳn vào cuối giai đoạn dậy thì khi tất cả các sụn được cốt hóa và thay thế bằng xương. Mặc dù gen di truyền quyết định quá trình tạo xương này, nhưng các yếu tố môi trường như dinh dưỡng, đặc biệt là trong những năm đầu đời lại giúp trẻ đạt được hết tiềm năng chiều cao. Do đó, cha mẹ cần lưu ý để xác định sớm và can thiệp kịp thời để không bỏ lỡ “giai đoạn vàng” giúp xương phát triển để đạt chiều cao tối ưu.

Giai đoạn vàng để cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý giúp trẻ tăng trưởng tối ưu

 Vậy, thời điểm nào là “giai đoạn vàng” để tối ưu hóa tiềm năng của trẻ? Giáo sư Robert Murray, Khoa Tiêu hóa và Dinh dưỡng Nhi Khoa, Trường Đại học Ohio, Hoa Kỳ cho biết: “Năm năm đầu đời được coi là thời điểm vàng để cha mẹ chuẩn bị hành trang vững chắc cho con phát triển tối ưu. Chính vì vậy, việc cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho trẻ trong thời điểm vàng là điều thiết yếu giúp ngăn ngừa tình trạng thấp còi, sức đề kháng yếu và chậm phát triển nhận thức sau này.”

 Nếu cha mẹ không chú ý can thiệp để cải thiện các nguy cơ do thiếu hụt dinh dưỡng trong giai đoạn đầu đời, trẻ có thể sẽ mất cơ hội và để lại những ảnh hưởng lâu dài trong tương lai. Suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ được định nghĩa là sự mất cân bằng dinh dưỡng giữa lượng cần thiết và lượng nạp vào, dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực tới sự tăng trưởng và phát triển của trẻ.

Nếu không được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ và cân bằng, trẻ có nguy cơ bị suy giảm miễn dịch, các chức năng nhận thức, gặp các vấn đề về hanh vi, sức khỏe xương bị suy giảm, giảm khối cơ, đặc biệt nghiêm trọng với trẻ thấp cỏi hoặc suy dinh dưỡng mãn tính.

Giáo sư Murray cũng khẳng định: “Gen di truyền quyết định quá trình tạo xương, nhưng các yếu tố môi trường, đặc biệt là dinh dưỡng mới đóng vai trò quan trọng giúp trẻ nhỏ đạt hết tiềm năng chiều cao, bất kể những khác biệt về văn hóa hay địa lý.”

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục