Hệ thống y tế Tokyo đối diện áp lực lớn do số ca tăng đột biến

Giới chuyên gia Nhật Bản nhận định nguyên nhân của sự tăng đột biến các ca mắc trong ngày ở thủ đô Tokyo chủ yếu là do mật độ người tăng mạnh, cộng thêm tốc độ siêu lây nhiễm của biến thể Delta.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 27/7. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 27/7, thủ đô Tokyo (Nhật Bản) đã ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao kỷ lục với 2.848 ca, vượt qua mốc 2.520 ca/ngày được ghi nhận vào ngày 7/1; trong đó, 70% là ca có độ tuổi dưới 40.

Giới chuyên gia Nhật Bản nhận định nguyên nhân của sự tăng đột biến các ca mắc trong ngày tại thủ đô Tokyo chủ yếu là do mật độ người tăng mạnh, cộng thêm tốc độ siêu lây nhiễm của biến thể Delta, lần đầu tiên phát hiện tại Ấn Độ.

Không giống các lần trước, tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Tokyo, được áp dụng từ ngày 12/7, đã không làm giảm số ca mắc mới như mong đợi của chính quyền. Lượng người di chuyển và tiếp xúc gia tăng trong dịp nghỉ lễ 4 ngày liên tiếp vừa qua, cũng là giai đoạn học sinh sinh viên nghỉ Hè, thậm chí rất nhiều người từ ngoại tỉnh đã kéo đến thủ đô Tokyo để tận hưởng không khí Olympic, chụp ảnh lưu niệm.

Trong khi đó, biến thể Delta đang lây lan rất mạnh tại nhiều nước trên thế giới và khu vực châu Á và Nhật Bản khó có thể tránh khỏi xu hướng này. Viện các bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản (NIID) dự báo tỷ lệ nhiễm biến thể Delta trong các ca mắc mới tại Tokyo vào cuối tháng Bảy này có thể lên đến 75%.

Một lý do nữa là tỷ lệ tiêm chủng tại Nhật Bản nói chung và tại khu đô thị có mật độ dân cư cao như Tokyo nói riêng còn rất thấp, chủ yếu tập trung vào nhóm đối tượng người cao tuổi.

Theo dữ liệu của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW), tính đến hết ngày 25/7, tỷ lệ người cao tuổi của nước này được tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng COVID-19 là 84,21% và 66,31% người cao tuổi đã hoàn thành tiêm 2 mũi.

[Tokyo ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức cao nhất từ trước đến nay]

Thực tế cho thấy, số ca mắc mới ở người có độ tuổi trên 65 đã giảm mạnh so với trước, trong khi số ca mắc mới ở độ tuổi dưới 50 chưa được tiêm phòng COVID-19 đang tăng mạnh.

Trong bối cảnh đó, áp lực y tế đang tăng dần tại thủ đô Tokyo, số cuộc gọi tới Trung tâm tư vấn sốt cao ở Tokyo trong ngày 26/7 tăng cao nhất từ trước đến nay với 2.724 cuộc, vượt con số 2.676 cuộc được ghi nhận vào ngày 4/1. Mặc dù một phần nguyên nhân làm gia tăng mạnh các cuộc gọi cần tư vấn là trong thời gian nghỉ dài vào tuần trước có ít cơ sở y tế làm việc hơn, nhưng không thể phủ nhận thực tế là nhu cầu cần hỗ trợ y tế có liên quan đến COVID-19 đang trở nên bức thiết hơn tại thủ đô Tokyo.

Với việc tỷ lệ lấp đầy giường bệnh tại các cơ sở y tế trong Tokyo đã lên đến 45,5% tính đến hết ngày 26/7, Chính quyền thủ đô Tokyo đã yêu cầu các cơ sở y tế lên phương án ứng phó với áp lực có thể gia tăng mạnh trong những ngày tới.

Một số đã nhanh chóng chuyển đổi công năng giường bệnh thông thường thành giường bệnh chuyên dụng để điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, với mục tiêu đảm bảo được 6.400 giường so với khoảng 5.900 giường như hiện tại.

Cũng trong ngày 27/7, Ban Tổ chức Olympic Tokyo 2020 đã thông báo ghi nhận thêm 6 ca mắc COVID-19 có liên quan đến Olympic, trong đó có 2 vận động viên nước ngoài, 3 nhân viên nước ngoài và một thành viên Ban tổ chức người Nhật Bản.

Tuy vậy, trong một tuyên bố đưa ra cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide khẳng định số ca mắc mới cao kỷ lục tại Tokyo không phải là một vấn đề đối với Olympic và kêu gọi người dân hợp tác với chính quyền, cố gắng hạn chế ra khỏi nhà để giảm thiểu nguy cơ mắc COVID-19 qua tiếp xúc trực tiếp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục