Hệ thống y tế tại Bỉ và Pháp đối mặt với nguy cơ quá tải

Theo dự báo, làn sóng dịch COVID-19 hiện nay tại Pháp có thể lên đến đỉnh điểm vào cuối tháng 1/2022, còn tình hình dịch COVID-19 tại Bỉ đang ở mức báo động đỏ.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Brussels, Bỉ, ngày 6/4/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, tình hình dịch COVID-19 tại Bỉ đang ở mức báo động đỏ khi có tới 821 bệnh nhân nặng đang điều trị trong khu hồi sức tích cực (ICU).

Trước nguy cơ quá tải tại ICU, tất cả các bệnh viện ở nước này đã được yêu cầu hoãn ngay lập tức các dịch vụ chăm sóc y tế không khẩn cấp trong hai tuần để dành giường bệnh cho bệnh nhân COVID-19.

Các số liệu mới nhất của Viện Y tế công cộng Sciensano cho thấy Bỉ hiện có tổng cộng 3.707 bệnh nhân COVID-19 đang nằm viện, trong đó có 821 bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực.

Cũng theo Sciensano, từ ngày 26/11-2/12, mỗi ngày có trung bình 317,9 ca nhập viện, tăng 4% so với giai đoạn trước đó.

[COVID-19: Bỉ quyết định tiêm vaccine tăng cường cho toàn dân]

Trong giai đoạn 23-29/11, trung bình mỗi ngày có 17.862 ca mắc mới COVID-19, tăng 6% so với tuần trước đó.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát cho đến nay, Bỉ đã ghi nhận hơn 1,8 triệu ca mắc, trong đó có 27.120 ca tử vong. Số ca mắc mới trên 100.000 dân tại nước này trong 14 ngày qua ở mức 2.106,1 ca. Trung bình có 119.500 xét nghiệm COVID-19 được thực hiện mỗi ngày, trong đó 16,2% cho kết quả dương tính.

Ngoài ra, tính trung bình 7 ngày qua, mỗi ngày Bỉ ghi nhận 44 ca tử vong vì COVID-19, tăng 23% so với một tuần trước đó.

Trước nguy cơ thiếu trầm trọng nhân lực và trang thiết bị cho ICU, Ủy ban Tham vấn về COVID-19 của Bỉ dự kiến nhóm họp trong ngày 3/12 để thảo luận về việc đóng cửa trường học và dừng tổ chức các sự kiện trong không gian kín.

Cùng ngày, tại Pháp, Bộ trưởng Y tế Olivier Veran cho biết làn sóng dịch COVID-19 hiện nay tại nước này có thể lên đến đỉnh điểm vào cuối tháng 1/2022 và một lần nữa đặt ra gánh nặng cũng như thách thức cho hệ thống y tế quốc gia.

Phát biểu trên Đài phát thanh France Info, Bộ trưởng Veran nhấn mạnh làn sóng dịch COVID-19 thứ 5 đang lan nhanh, gây áp lực đáng kể cho hệ thống y tế trong nước.

Làn sóng dịch mới này chủ yếu là do biến thể Delta gây ra và hôm 2/12 là ngày thứ ba liên tiếp Pháp ghi nhận gần 50.000 ca nhiễm mới trong ngày.

Tuy vậy, trước đó, cố vấn của Chính phủ Pháp Jean-Francois Delfraissy nhận định Omicron có thể trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo tại Pháp vào cuối tháng 1/2022 sau khi quốc gia châu Âu này vừa ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể.

Theo đánh giá cập nhật của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), biến thể Omicron gây bệnh từ nhẹ đến nặng, nhưng các loại vaccine hiện nay vẫn có tác dụng bảo vệ.

Tổ chức này kêu gọi các nước cân nhắc lại lệnh cấm đi lại với các nước ở miền Nam châu Phi.

Tuy vậy, lo ngại các tác động của biến thể mới, nhiều nước đã đóng cửa biên giới, siết chặt các hạn chế. Điều này đã phủ bóng đen lên nền kinh tế thế giới vừa mới bắt đầu phục hồi sau hai năm đại dịch hoành hành./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục