Hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu và tham vọng cường quốc vũ trụ của Trung Quốc

Hệ thống 35 vệ tinh Bắc Đẩu đang hoạt động không chỉ cung cấp phạm vi phủ sóng toàn cầu, mà còn có khả năng định vị chính xác hơn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu và tham vọng cường quốc vũ trụ của Trung Quốc ảnh 1Tên lửa đẩy Trường Chinh-3B mang theo 2 vệ tinh Bắc Đẩu-3 rời bệ phóng ở Tứ Xuyên, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang mạng eurasiareview.com, không phải tất cả các thành tựu công nghệ trong nước đều được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ca ngợi trong các bài diễn văn chào mừng Năm mới.

Trong bài phát biểu năm ngoái, ông Tập Cận Bình đã lần thứ hai tôn vinh Hệ thống vệ tinh định vị Bắc Đẩu (hệ thống Bắc Đẩu) do Trung Quốc phát triển ở trong nước.

Ngày 23/6, Trung Quốc đã phóng vệ tinh thứ 55 thuộc hệ thống Bắc Đẩu, qua đó giúp hệ thống này có đầy đủ năng lực cung cấp dịch vụ trên phạm vi toàn cầu. Chắc chắn ông Tập Cận Bình sẽ đề cập đến hệ thống này lần thứ 3 trong bài diễn văn chào đón Năm mới 2021.

[Trung Quốc hoàn thành hệ thống Bắc Đẩu, sẵn sàng 'đọ sức' với GPS]

Sự kiện quan trọng này được nâng tầm hơn nữa nhờ một buổi lễ được tổ chức vào tháng 7/2020 tại Bắc Kinh để chào mừng công tác hoàn thiện xây dựng và chính thức kích hoạt hệ thống Bắc Đẩu với sự tham dự của các quan chức cấp cao Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong đó có cả ông Tập Cận Bình.

Việc phóng vệ tinh Bắc Đẩu thế hệ thứ 3 khỏi mặt đất là một dấu mốc lịch sử đối với tham vọng trở thành cường quốc không gian của Trung Quốc. Đây cũng là kỳ tích công nghệ vĩ đại nhất của nước này trong một chiến lược lâu dài nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ.

Trung Quốc đã đặt mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài thông qua các chính sách khuyến khích sáng tạo ở trong nước trong nhiều thập kỷ.

Dưới thời Đặng Tiểu Bình, “chương trình 863” là một trong những chính sách đầu tiên được thực thi vào năm 1986, qua đó gia tăng ngân sách, nghiên cứu, phát triển và mua lại các công nghệ tiên tiến lưỡng dụng quan trọng trong các lĩnh vực, bao gồm cả lĩnh vực vũ trụ.

Ông Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình cũng lần lượt đưa ra các chính sách đổi mới sáng tạo ở trong nước mang đậm dấu ấn cá nhân, trong đó có cả kế hoạch "Sản xuất tại Trung Quốc 2025" (Made in China 2025) của ông Tập Cận Bình, theo đó nhắm vào các lĩnh vực chiến lược như hàng không vũ trụ và sử dụng các chiến thuật như cưỡng bức chuyển giao công nghệ.

Trong khi khẩu hiệu “chia tách Mỹ-Trung” đã trở thành “thần dược” cho việc định hình lại quan hệ song phương tại Washington, những lời kêu gọi chia tách về công nghệ khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ ở phía bên kia bờ Thái Bình Dương cũng đang ngày càng gia tăng.

Tháng 5/2020, Địch Đông Thăng, Phó Chủ nhiệm Khoa Quan hệ Quốc tế của Đại học Nhân dân Trung Quốc đã đăng một bài báo kiến nghị lãnh đạo Trung Quốc nên chủ động tách Mỹ trước.

Ông Địch Đông Thăng viết: “Ở một mức độ nhất định, việc Trung Quốc tham gia hệ thống thị trường do Mỹ dẫn đầu từng là điều cần thiết, nhưng không thể cứ mãi đi trên con đường đó. Trung Quốc cần phải lựa chọn thời điểm phù hợp để ra đi.”

Cũng như Địch Đông Thăng, ngày càng nhiều học giả Trung Quốc bày tỏ quan ngại về sự phụ thuộc lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhiều học giả đã thúc giục chính phủ Trung Quốc giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ và tăng cường “tự chủ về khoa học và công nghệ.”

Được đặt tên theo chòm sao Bắc Đẩu, hệ thống Bắc Đẩu có lẽ là sản phẩm thành công nhất của chính sách đổi mới sáng tạo trong nước của Trung Quốc.

Hệ thống 35 vệ tinh Bắc Đẩu đang hoạt động không chỉ cung cấp phạm vi phủ sóng toàn cầu, mà còn có khả năng định vị chính xác hơn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương so với hệ thống Dịch vụ Định vị Toàn cầu (GPS) của Mỹ.

Hơn nữa, hệ thống Bắc Đẩu còn cung cấp dịch vụ tin nhắn văn bản có khả năng gửi tới 1.200 ký tự Trung Quốc.

Tiến bộ khoa học của hệ thống Bắc Đẩu có ý nghĩa to lớn đối với việc ứng dụng vào quân sự. Được triển khai từ năm 1994 với vai trò là công nghệ sản xuất ở trong nước để thay thế cho hệ thống GPS của Mỹ, hệ thống Bắc Đẩu đã giải quyết những quan ngại về an ninh của Bắc Kinh qua việc cung cấp cho Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) khả năng truy cập tin cậy vào các hệ thống thông tin liên lạc, định vị mục tiêu tấn công và các chức năng quan trọng khác.

Theo một vị tướng PLA đã nghỉ hưu, cuộc Khủng hoảng Eo biển Đài Loan 1995-1996 là một hồi chuông cảnh tỉnh về sự cấp thiết của việc triển khai hệ thống vệ tinh độc lập sau khi các tín hiệu GPS được sử dụng để dẫn đường tên lửa đạn đạo của Trung Quốc bị gián đoạn trong cuộc xung đột này.

Ứng dụng dân sự của hệ thống Bắc Đẩu đóng vai trò quan trọng đối với mục tiêu phát triển kinh tế của Bắc Kinh. Điều này thể hiện rõ nhất ở thị trường sản phẩm đầu ra đang phát triển mạnh mẽ của hệ thống định vị vệ tinh, bao gồm các sản phẩm như máy bay không người lái và các dịch vụ dành cho ứng dụng điện thoại thông minh.

Theo số liệu được công bố trong sách trắng công nghiệp, thị trường dịch vụ định vị và dẫn đường vệ tinh của Trung Quốc đã tạo ra doanh thu 49 tỷ USD trong năm 2019 và dự kiến sẽ thu về 58 tỷ USD vào năm 2020.

Trong mối quan hệ giữa không gian địa lý và chính trị dựa trên sức mạnh, hệ thống Bắc Đẩu có vai trò chủ chốt trong viện triển khai Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) - dự án cơ sở hạ tầng địa chính trị, đồng thời là công cụ nhằm thoát khỏi thế bị “bao vây chiến lược.”

Nhà phân tích độc lập Namrata Goswami cho rằng: “Đối với các quốc gia nằm trong phạm vi sáng kiến BRI, trong đó có cả các nước đồng minh của Mỹ, việc chuyển sang sử dụng hệ thống Bắc Đẩu đồng nghĩa với việc ít chịu ảnh hưởng của Mỹ hơn trong nền kinh tế số.”

Các nước láng giềng của Trung Quốc như Pakistan, Lào, Thái Lan nằm trong số hơn 30 quốc gia đã sử dụng hệ thống Bắc Đẩu của Trung Quốc.

Khi có ngày càng nhiều quốc gia sử dụng hệ thống Bắc Đẩu, uy tín quốc tế của Trung Quốc cũng tăng theo.

Sự kiện phóng vệ tinh Bắc Đẩu mới nhất này vừa là niềm tự hào dân tộc, vừa là nguồn gốc cho sức mạnh mềm của Trung Quốc.

Ở trong nước, các quan chức Trung Quốc đã thành lập các trung tâm giáo dục và đào tạo về hệ thống Bắc Đẩu. Ở nước ngoài, một loạt các hoạt động giao lưu chính thức đã được thiết lập với các tổ chức đã phương và các quốc gia.

Kể từ lần phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên của Trung Quốc vào năm 1970, chương trình không gian vũ trụ của nước này đã dần tiến gần hơn đến việc thực hiện “giấc mơ vũ trụ” của ông Tập Cận Bình.

Sự kiện phóng vệ tinh Bắc Đẩu thứ 55 bằng tên lửa Trường Chinh-3B đã tạo thêm động lực cho Trung Quốc hướng tới đạt mục tiêu trở thành cường quốc vũ trụ vào năm 2030, với việc tiếp tục nâng cấp hệ thống Bắc Đẩu dự kiến hoàn thành vào năm 2035.

Trong khi đó, cơ quan hàng không vũ trụ Trung Quốc đã phóng tàu thăm dò đầu tiên lên sao Hỏa vào ngày 23/7 và dự kiến hoàn thiện một trạm vũ trụ vào năm 2022.

Kể từ khi thành lập vào năm 1949, Trung Quốc đã âm thầm tìm cách đi đầu trong những lĩnh vực và công nghệ mới nổi.

Trung Quốc không sử dụng chiến lược tìm cách đạt được sự cân bằng về trình độ với các nước phương Tây, mà hướng tới cung cấp cho thế giới một giải pháp thay thế vượt trội. 

Một trong những chiến thuật đi tắt đón đầu của Trung Quốc để đạt được vị thế siêu cường thế kỷ 21 là sử dụng các chính sách đổi mới sáng tạo ở trong nước.

Những chính sách công nghiệp này đã giúp thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm thay thế tinh vi về mặt kỹ thuật như hệ thống Bắc Đẩu và tạo nền tảng cho việc phân tách với Mỹ.

Mặc dù các tác động an ninh của hệ thống Bắc Đẩu đối với Mỹ và các đồng minh tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là rất thấp do các hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu đều hướng tới khả năng hoạt động tương tác kết hợp được với nhau, song ý nghĩa địa chính trị của hệ thống Bắc Đẩu đối với Bắc Kinh có thể làm gia tăng mối nghi ngờ ở Washington.

Trong bối cảnh dịch viêm phổi cấp do virus Corona chủng mới (COVID-19), thành quả này có thể dẫn tới sự chia rẽ sâu sắc hơn trong quan hệ Mỹ-Trung, khi những lời kêu gọi chia tách hai nước ngày càng lớn hơn, không chỉ từ phía Mỹ mà cả từ phía Trung Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục