Chiều 5/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự lễ khánh thành giai đoạn 1, Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé tại huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang.
Cùng dự có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Phát biểu tại lễ khánh thành, Thủ tướng khẳng định đây là công trình của ý Đảng, lòng dân; thể hiện bản lĩnh, trí tuệ của người Việt Nam.
Trong điều kiện khó khăn, chúng ta đã phấn đấu vươn lên thực hiện công trình phục vụ cho sự phát triển nhanh và bền vững; chúng ta đã thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển nông nghiệp; thay đổi tư duy từ chống đỡ sang chủ động thích ứng, thuận thiên, kiểm soát để thích ứng với biến đổi khí hậu.
Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé được coi là "siêu cống” lớn nhất Việt Nam, không chỉ phục vụ kiểm soát mặn 5 tỉnh bán đảo Cà Mau là Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang và Kiên Giang, mà còn là điểm nhấn kiến trúc ở khu vực miền Tây.
Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé giai đoạn 1 được khởi công xây dựng từ tháng 11/2019, có tổng vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng. Cống Cái Lớn gồm 11 khoang cống và 1 âu thuyền rộng 15m, tổng chiều rộng thông nước 455m; cống Cái Bé gồm 2 khoang cống, 1 âu thuyền rộng 15m, tổng chiều rộng thông nước 85m.
Hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé giai đoạn 1 khi đưa vào hoạt động sẽ góp phần đảm bảo an toàn nguồn nước sinh hoạt và chủ động trong sản xuất ở khu vực thượng lưu cống; các địa phương trong vùng không phải triển khai đắp các đập tạm ven sông như hằng năm để phòng, chống xâm nhập mặn, góp phần tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hàng tỷ đồng.
Bên cạnh đó, khi hoàn thành toàn bộ dự án sẽ kiểm soát nguồn nước mặn, lợ, ngọt tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái: ngọt, mặn-lợ, ngọt-lợ luân phiên cho vùng hưởng lợi với diện tích tự nhiên 384.120ha, trong đó vùng U Minh Thượng là 214.451ha.
Công trình đưa vào vận hành sẽ kiểm soát ổn định các vùng kinh tế, như kiểm soát được độ mặn, ngọt phù hợp các mô hình sản xuất trong vùng dự án.
Phát biểu tại lễ khánh thành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết Đồng bằng sông Cửu Long nằm ở vùng cực Nam của Tổ quốc, hạ nguồn sông Mekong, là vùng đất rộng lớn, chiếm 12% diện tích cả nước với điều kiện tự nhiên phong phú, mạng lưới sông, kênh dày đặc, giàu bản sắc văn hóa, là nơi sinh sống của 18 triệu bà con miền Tây với truyền thống sáng tạo và cần cù trong lao động.
Đồng bằng sông Cửu Long hiện là trung tâm sản xuất thủy sản, trái cây, lúa gạo lớn nhất cả nước và có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, lịch sử, văn hóa, con người của vùng.
Tuy nhiên, vùng châu thổ trẻ, mẫn cảm với sự tác động cả từ bên ngoài và bên trong này cũng đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức do ảnh hưởng kép của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và việc sử dụng nước từ thượng nguồn.
Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi biến đổi khí hậu toàn cầu. Phải thẳng thắn nhìn nhận ảnh hưởng đó đang ngày càng gia tăng, hiện hữu rõ nét hơn do sự nóng lên của Trái Đất và việc khai thác tài nguyên nước quá mức trên thượng nguồn. Hiện tượng sụt lún với tốc độ nhanh, sạt lở bờ sông, bờ biển diễn ra ngày càng nghiêm trọng…
Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ được ban hành, đưa ra các giải pháp tổng thể, căn cơ cả trước mắt và lâu dài, định hình mô hình phát triển mới nhằm biến thách thức thành cơ hội để phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong bốn năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP, Chính phủ đã phê duyệt nhiều đề án, chương trình, quy hoạch phục vụ phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 rất quan tâm phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, xác định chính sách căn cơ, mang tính quyết định để phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, tạo sinh kế, công ăn việc cho người dân là phải giải quyết nút thắt về hạ tầng, nhất là về giao thông, thủy lợi, hạ tầng chống biến đổi khí hậu, cũng như hạ tầng y tế, giáo dục…
Nhằm huy động sức mạnh tổng hợp, thúc đẩy liên kết phát triển kinh tế-xã hội các địa phương trong vùng, Chính phủ đã thành lập Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
[Dự báo xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ sâu hơn]
Mới đây nhất, Chính phủ cũng đã ban hành Quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là quy hoạch vùng đầu tiên trên cả nước được lập, thẩm định và phê duyệt, là cơ sở đặc biệt quan trọng để phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định ông cha ta đã đúc kết kỹ thuật canh tác nông nghiệp “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống." Chính phủ xác định việc phát triển kinh tế - xã hội ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng, phải gắn liền với phát triển thủy lợi, phải xem thủy lợi là trọng tâm để giải quyết các vấn đề còn tồn tại về nguồn nước. Muốn vậy, phải xây dựng được chiến lược đầu tư thủy lợi hợp lý với các giải pháp công trình và phi công trình một cách đồng bộ, hiệu quả. Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé là một trong những giải pháp như vậy.
Cũng theo Thủ tướng, Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé giai đoạn 1 là một trong những dự án quan trọng được thực hiện theo Nghị quyết số 120 của Chính phủ.
Dự án có tính phức tạp cao, phạm vi ảnh hưởng rộng lớn, xây dựng ở vùng có điều kiện tự nhiên phức tạp, chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu, lún sụt đất, sự phát triển nội tại của vùng, đồng thời chịu tác động của hai chế độ thủy triều từ biển Đông và biển Tây với yêu cầu phải bảo đảm chặt chẽ, khoa học, hiệu quả.
Dự án có hiệu quả trực tiếp, điều tiết nước (mặn, lợ, ngọt), tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững cho vùng hưởng lợi với diện tích tự nhiên hơn 384.000ha thuộc địa bàn 4 tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau và Bạc Liêu (trong đó phần đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản là gần 347ha).
Công trình không chỉ kết hợp phát triển cơ sở hạ tầng giao thông bộ, mà còn kết hợp với tuyến đê biển Tây tạo thành cụm công trình phòng, chống thiên tai, nước biển dâng do bão, giảm ngập lụt, úng do lún, sụt đất; giảm thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn vào mùa khô, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội trong vùng.
Ngoài ra, công trình giúp tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng do không phải triển khai đắp các con đập tạm ven sông. Đây cũng là minh chứng cho thấy sự lớn mạnh, làm chủ công nghệ, khoa học kỹ thuật của đội ngũ thực hiện trong nước trước một dự án có cống kiểm soát triều lớn nhất trong cả nước cũng như Đông Nam Á.
Quá trình xây dựng công trình hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách, đặc biệt khi triển khai trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Đến nay, Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé giai đoạn 1 đã được hoàn thành, đủ điều kiện đưa vào khai thác, sử dụng, đáp ứng lòng mong mỏi của Chính phủ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương.
Việc dự án được đưa vào vận hành, khai thác theo đúng tiến độ đề ra có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm thay đổi diện mạo, bộ mặt nông thôn, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nông nghiệp phát triển bền vững tại Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và các tỉnh vùng dự án nói riêng, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của Nhân dân và tạo điểm nhấn kiến trúc ở miền Tây.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ban, ngành liên quan, Ban Quản lý dự án, tư vấn giám sát, các chuyên gia, nhà khoa học, các cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động đã phối hợp chặt chẽ, khắc phục rất nhiều khó khăn, thử thách, nỗ lực lớn, quyết tâm cao, làm việc ngày đêm để hoàn thành và đưa vào sử dụng hệ thống công trình thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé vượt tiến độ yêu cầu, bảo đảm chất lượng công trình, an toàn trong suốt quá trình thi công.
Thủ tướng cũng khen ngợi và cảm ơn chính quyền và nhân dân các tỉnh trong vùng đã quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để dự án hoàn thành.
Để đảm bảo công trình được đưa vào vận hành, khai thác an toàn, bền vững, đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ đề ra của dự án, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức bàn giao, tiếp nhận, vận hành, khai thác theo đúng quy định và hiệu quả công trình.
Chính quyền và nhân dân các tỉnh vùng dự án hỗ trợ và phối kết hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc khai thác, sử dụng công trình, bảo vệ tuyệt đối an toàn công trình thủy lợi, giữ gìn môi trường, cảnh quan sạch đẹp, xứng đáng với một công trình thủy lợi trọng điểm tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long; tiếp tục chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân đã nhường đất đai cho thực hiện dự án, với mức sống cao hơn so với nơi ở cũ, năm sau cao hơn năm trước.
“Đây là công trình lớn, có kiến trúc và cảnh quan đẹp, ấn tượng, vì vậy bên cạnh phát huy hiệu quả công trình cho phát triển nông nghiệp, cần khai thác những giá trị khác của công trình, tạo điểm nhấn để phát triển du lịch," Thủ tướng chỉ rõ.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh với những công trình được khánh thành như công trình này và việc khởi công, triển khai nhiều công trình hạ tầng khác của vùng, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bước vào thời kỳ phát triển mới với những bước đi đột phá và nhất định sẽ trở thành một vùng đất phát triển nhanh, bền vững; người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Thủ tướng yêu cầu cấp ủy, chính quyền, người dân, doanh nghiệp tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục chung sức đồng lòng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, cùng cả nước phát triển nhanh, bền vững.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tuyên bố chính thức khánh thành công trình; trao Bằng khen của Thủ tướng tặng các đơn vị, địa phương có thành tích xuất sắc trong triển khai xây dựng dự án; cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện nghi thức khánh thành, đưa công trình đi vào vận hành, khai thác./.