Hệ thống thông tin tiêm chủng cung cấp dữ liệu của hơn 11.000 điểm

Sau một thời gian triển khai, hệ thống đã Quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia cho thấy những lợi ích thiết thực và hiệu quản đối với các cán bộ y tế tại tuyến cơ sở và các cấp quản lý.
Hệ thống thông tin tiêm chủng cung cấp dữ liệu của hơn 11.000 điểm ảnh 1Nhán viên y tế triển khai quản lý phần mềm tiêm chủng tại Trung tâm Y tế Dự phòng.

Hiện nay, hệ thống Quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia đã được vận hành trên toàn quốc với hơn 11.000 điểm tiêm chủng tại trạm y tế xã/phường và hầu hết các điểm tiêm chủng dịch vụ, các bệnh viện hoặc các cơ sở y tế có phòng tiêm trên cả nước.

Sau một thời gian triển khai, hệ thống đã cho thấy những lợi ích thiết thực và hiệu quản đối với các cán bộ y tế tại tuyến cơ sở và các cấp quản lý.

[Khoảng 19 tỉnh thành triển khai tiêm vắcxin sởi-rubella của Việt Nam]

Phó giáo sư Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, Phó trưởng ban điều hành Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết như vậy tại hội thảo truyền thông hưởng ứng Tuần lễ tiêm chủng năm 2018 diễn ra sáng 12/6, tại Hà Nội.

Theo đó, ngành y tế tiến tới để không còn tình trạng tiêm chủng bằng giấy, giảm tối đa việc sử dụng giấy tờ, sổ sách, thực hiện quản lý các đối tượng tiêm chủng bằng các phần mềm trên máy tính.

Hiện nay, công tác triển khai hệ thống Quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia đã được triển khai hầu hết ở các điểm tiêm chủng, chỉ còn một số ít các điểm tiêm chủng dịch vụ và các phòng sinh tại các cơ sở chưa triển khai, thời gian tới ngành y tế sẽ tiến hành triển khai rộng tới các điểm trên.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 10 triệu đối tượng tiêm chủng là trẻ em và phụ nữ được quản lý trên hệ thống. Trong thời gian tới, Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia sẽ phối hợp với các đơn vị trong việc rà soát lại hệ thống sổ sách, báo cáo và cập nhật vào hệ thống để thuận lợi hơn cho các cán bộ trong quá trình sử dụng và quản lý hoạt động tiêm chủng.

Năm 2018, Tuần lễ tiêm chủng được triển khai trong tháng 6 với chủ đề “Chung tay cùng tiêm chủng bảo vệ cộng đồng” nhằm tăng cường hiệu quả của tiêm chủng mở rộng đối với dự phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. 

Đây là một hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tiêm chủng vắcxin nhằm duy trì thành quả của tiêm chủng mở rộng, huy động sự tham gia, hưởng ứng, đầu tư của chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước với hoạt động tiêm chủng vắcxin phòng bệnh, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, miền núi, hải đảo.

Trong Tuần lễ tiêm chủng sẽ có các hoạt động như: truyền thông tập trung vào việc khẳng định lợi ích của tiêm chủng phòng bệnh; vận động người dân vùng khó khăn tiêm chủng để nâng cao tỷ lệ tiêm chủng; an toàn tiêm chủng; vận động chính sách, huy động tài chính bền vững cho công tác tiêm chủng… 

Những năm qua, công tác tiêm chủng mở rộng tiếp tục nhận được sự quan tâm, đầu tư của Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1125/QĐ-TTg ngày 31/7/2017 phê duyệt Chương trình Mục tiêu y tế-dân số giai đoạn 2016-2020, trong đó Dự án Tiêm chủng mở rộng vẫn tiếp tục là một dự án ưu tiên của Chương trình Mục tiêu Y tế- Dân số giai đoạn 2016-2020./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục