"Hệ thống tài chính Việt Nam đã bộc lộ nhiều yếu kém"

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã cảnh báo hệ thống tài chính của Việt Nam đã tích tụ và bộc lộ những rủi ro, yếu kém.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh. (Nguồn: TTXVN)

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã cảnh báo hệ thống tài chính của Việt Nam đã tích tụ và bộc lộ những rủi ro, yếu kém.

Phát biểu khai mạc Hội thảo quốc tế “Tăng cường giám sát và lành mạnh hóa hệ thống tài chính," ngày 18/12, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nêu rõ với vai trò là hệ thống huyết mạch của nền kinh tế, tính hiệu quả và bền vững của hệ thống tài chính ngày càng có ảnh hưởng trực tiếp và quan trọng đến toàn bộ nền kinh tế thế giới cũng như của từng quốc gia.

Đối với Việt Nam, Phó Thủ tướng cho biết hệ thống tài chính ngân hàng đã phát triển nhanh chóng, phát huy vai trò là kênh dẫn vốn chủ yếu cho nền kinh tế, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tuy nhiên, do mới ở trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển cùng với việc phát triển trong điều kiện chưa có một nền tảng bền vững, hệ thống tài chính của Việt Nam đã tích tụ và bộc lộ những rủi ro, yếu kém như chất lượng tài sản giảm, nợ xấu tăng, thanh khoản kém.

Đặc biệt, sau khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu 2007-2008 cũng như khi tăng trưởng kinh tế suy giảm, những rủi ro, yếu kém này đã bộc lộ rõ hơn. - Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh.

Trước tình hình đó, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết Chính phủ Việt Nam đã xác định tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng là một trọng 3 trọng tâm tái cơ cấu kinh tế, nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, đảm bảo nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững.

Qua hơn hai năm triển khai thực hiện đề án, hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam đã có những chuyển biến, góp phần quan trọng duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện hiệu quả sử dụng nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính, tạo điều kiện cần thiết để tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tuy đạt được những kết quả bước đầu nhưng nhiều khó khăn, thách thức đang ở phía trước, nhiều việc cần phải làm để có một hệ thống tài chính thực sự lành mạnh, phát triển và bền vững.

Các quy định mới nhằm đảm bảo an toàn của hệ thống tài chính đã được bổ sung nhưng so với chuẩn mực quốc tế vẫn còn khoảng cách. Gia tăng nợ xấu đã được kiểm soát nhưng tỷ lệ nợ xấu vẫn ở mức cao. Rủi ro phát sinh từ việc đầu tư đan xen giữa các định chế trên thị trường tài chính, nhất là giữa ngân hàng và chứng khoán, cũng như rủi ro phát sinh từ sở hữu chéo vẫn đang là những thách thức lớn.

Vì vậy, các cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan giám sát tài chính phải tăng cường trách nhiệm, nâng cao năng lực, kịp thời nhận dạng và xử lý rủi ro phát sinh; lành mạnh hóa hệ thống tài chính và xây dựng một mô hình giám sát hữu hiệu là một trong những mục tiêu quan trọng cần thực hiện cả trước mắt lẫn lâu dài.

Hoan nghênh các cơ quan là Ban Kinh tế Trung ương Đảng, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh mong muốn hội thảo sẽ đúc rút được những khuyến nghị chính sách có tính thực tiễn và dài hạn, làm cơ sở cho Chính phủ xây dựng một lộ trình cụ thể để từng bước lành mạnh hóa hệ thống tài chính, nâng cao năng lực giám sát, tạo điều kiện và thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng giai đoạn 2013-2020.

Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Thế giới và cộng đồng các nhà tài trợ sẽ tiếp tục đồng hành và trợ giúp Chính phủ Việt Nam trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và quá trình cải cách tài chính nói riêng đồng thời trợ giúp cho việc xây dựng một mô hình giám sát tài chính hữu hiệu để tăng khả năng phân tích, đưa ra các dự báo và cảnh báo sớm cho Chính phủ về các rủi ro tài chính và tác động của các rủi ro này đến nền kinh tế.

Cũng tại hội thảo, đề cập đến tác động của tài chính đối với sự phát triển bền vững, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ nhấn mạnh, để khắc phục những tồn tại, bất cập của nền tài chính quốc gia, Chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã xác định là phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là các chính sách tài chính, tiền tệ, các cân đối lớn; giữ vững an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh tài chính nhằm tạo khả năng chống đỡ được những cú sốc từ bên ngoài để phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Trưởng ban Kinh tế Trung ướng cho biết Chiến lược Tài chính Việt Nam đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt cũng đã đặt mục tiêu xây dựng nền tài chính quốc gia lành mạnh, đảm bảo giữ vững an ninh tài chính, ổn định kinh tế vĩ mô, tài chính-tiền tệ, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội; huy động, quản lý, phân phối và sử dụng hiệu quả, công bằng các nguồn lực tài chính trong xã hội; cải cách hành chính đồng bộ, toàn diện; đảm bảo tính hiệu quả và hiệu lực của công tác quản lý, giám sát tài chính.

Từ những mục tiêu, định hướng nêu trên, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh trong thời gian tới đòi hỏi Việt Nam cần thực hiện đồng bộ một số các giải pháp sau: Tiếp tục nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực tài chính quốc gia; Nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn lực tài chính gắn với quá trình tái cơ cấu nền tài chính quốc gia và tái cơ cấu nền kinh tế; Đổi mới cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công cùng với đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn lực xã hội phát triển dịch vụ công; Hoàn thiện chính sách, cơ chế tài chính doanh nghiệp;

Cùng với đó, Chính phủ cần đẩy mạnh thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước; Phát triển đồng bộ thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; Đẩy mạnh hoạt động hợp tác và chủ động hội nhập quốc tế về tài chính; Nâng cao năng lực và hiệu quả kiểm tra, thanh tra, giám sát và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia; Đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính, hoàn thiện phương thức điều hành chính sách tài chính.

Hội thảo quốc tế “Tăng cường giám sát và lành mạnh hóa hệ thống tài chính," có 3 phiên thảo luận về các chủ đề: Tăng cường nền tảng tài chính; Giám sát tài chính hiệu quả; Tái cấu trúc tài chính và mạng an toàn tài chính.

Các diễn giả, các nhà kinh tế, các chuyên gia tài chính tham dự hội thảo sẽ tập trung làm rõ các vấn đề về: hệ thống quy chuẩn an toàn tài chính hiện nay; tăng cường tính minh bạch vì một nền tài chính hiệu quả; nguyên nhân gây nên những bất cập của hệ thống tài chính; đổi mới mô hình giám sát và phương pháp giám sát của Việt Nam để vừa phù hợp với thực tiễn đất nước, vừa có thể hội nhập với thị trường tài chính quốc tế.

Các ý kiến đóng góp, khuyến nghị hữu ích của các chuyên gia trong và ngoài nước tại hội thảo sẽ được tập hợp, góp phần tham mưu cho Đảng và Nhà nước những quyết sách quan trọng góp phần thực hiện thành công trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển bền vững./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục