''Hệ thống ngân hàng cần vào cuộc giúp người dân xóa đói giảm nghèo''

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Nhà nước có thể trích ngân sách bổ sung nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để ngân hàng này tiếp tục cung cấp vốn cho người dân
''Hệ thống ngân hàng cần vào cuộc giúp người dân xóa đói giảm nghèo'' ảnh 1Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) chia sẻ bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Để người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn biết nghĩ, biết làm và có trách nhiệm, chủ động thay đổi mô hình sản xuất, không ỷ lại Nhà nước, hệ thống ngân hàng cần phải vào cuộc giúp người dân được vay vốn để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Đó là kiến nghị vừa được Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Phương chia sẻ bên lề Quốc hội ngày 31/10, khi đề cập tới Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.

Đề án này được kỳ vọng sẽ tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, giảm nghèo nhanh, bền vững; giải quyết căn cơ một số yêu cầu bức thiết về đời sống của đồng bào các dân tộc đồng thời góp phần tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh.

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết, tất cả các bộ ngành, tỉnh, thành phố sẽ phải có chương trình hành động để thực hiện Đề án hiệu quả. Trong chương trình này, điều quan trọng nhất là huy động nguồn vốn đầu tư.

Về kinh phí hỗ trợ người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, vị đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cho rằng Quốc hội, Chính phủ cần phải xem xét để có mức đầu tư hợp lý, nhất là sự vào cuộc của các ngân hàng. Bên cạnh đó, phải huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, người dân ở chính địa bàn đó để giúp nhau cùng phát triển. 

“Một trong những việc đã và đang làm rất hiệu quả, tạo được niềm tin trong nhân dân là việc Ngân hàng Chính sách Xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn. Vì thế, Nhà nước có thể trích ngân sách để bổ sung nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để ngân hàng này tiếp tục cung cấp vốn cho người dân; để đồng bào biết nghĩ, biết làm và có trách nhiệm, không ỷ lại,” vị đại biểu đề nghị.

Tin tưởng Đề án là một bước tiến lớn, đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình Nguyễn Tiến Sinh cho biết trước đây Quốc hội ban hành chủ trương, Chính phủ ban hành chính sách còn nguồn lực tùy theo điều kiện và khả năng của từng giai đoạn ngân sách để bố trí. Từ đó, xuất hiện tình trạng có những chính sách đã ban hành nhưng không có nguồn lực để thực hiện.

Tuy nhiên, điểm đổi mới lần này là Quốc hội ban hành chính sách, xác định mục tiêu, nhóm giải pháp lớn và bố trí nguồn lực để thực hiện một cách đồng bộ.

Ngoài ra, một điểm đáng chú ý khác được vị đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình đề cập đến là Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn đã tích hợp hệ thống chính sách hiện hành, khắc phục được sự phân tán, chồng chéo và xác định được các cơ quan chủ quản thực hiện.

[Quốc hội tiếp tục thảo luận về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước]

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh cũng lưu ý rằng thách thức lớn nhất trong việc thực hiện, triển khai Đề án hiện nay là vấn đề lấy người dân làm trung tâm. Cùng với nguồn lực đầu tư của nhà nước, của xã hội, Đề án phải khơi dậy được tính tự chủ, coi người dân là trung tâm thì mới thực sự bền vững.

“Vì thế Nhà nước đưa ra chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện đầu tư về cơ sở hạ tầng. Nhưng nếu đồng bào dân tộc ở chính nơi đó không phát huy nội lực để bắt kịp mà chỉ trông chờ, ỷ lại thì khi kết thúc chương trình chúng ta sẽ không thu được kết quả như mong đợi,” vị đại biểu nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục