Hệ thống làm mát Trạm vũ trụ quốc tế gặp sự cố

Tối 31/7, một nửa hệ thống làm mát tại Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) đột ngột ngừng hoạt động, 6 nhà du hành trên ISS không gặp nguy hiểm.
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo, một nửa hệ thống làm mát tại Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) đã đột ngột ngừng hoạt động vào tối 31/7, buộc các nhà du hành phải giảm thiểu việc sử dụng năng lượng, cũng như lên phương án bước ra ngoài khoảng không để khắc phục sự cố.

Tin từ NASA cho biết hiện sáu nhà du hành đang có mặt trên ISS không gặp bất kỳ nguy hiểm nào. Tuy nhiên, khó có thể biết điều gì sẽ xảy ra nếu hệ thống làm mát bằng ammonia còn lại bị hỏng.

Ngay sau khi sự cố xảy ra, các nhà du hành đã thử khởi động lại chiếc máy bơm ammonia song công tắc lại tự động ngắt, vì vậy, chiếc bơm ammonia này có thể sẽ phải thay thế.

Sau cuộc hội ý ngày 1/8, ban lãnh đạo NASA cũng đã nhất trí để các nhà du hành thực hiện hai chuyến đi bộ ra ngoài khoảng không để khắc phục sự cố và tiến hành công tác bảo trì định kỳ.

Dự kiến, chuyến đi bộ đầu tiên sẽ diễn ra vào ngày 5/8 tới và chuyến thứ hai sẽ được thực hiện sau đó từ 2-3 ngày.

Hệ thống làm mát đóng vai trò quan trọng đối với các hoạt động trên ISS vì nó đảm bảo cho các thiết bị điện không bị quá nóng. Trục trặc này đã buộc các nhà du hành phải tạm ngừng hoạt động một số thiết bị trên trạm trong đó có hệ thống định vị toàn cầu, một số máy biến áp và một bộ thiết bị điều khiển.

Tròn 10 tuổi tính đến ngày 20/11/2008, ISS là dự án vũ trụ quốc tế lớn nhất từ trước tới nay, với tổng chi phí 100 tỷ USD và sự tham gia của 16 nước.

Trọng lượng hiện tại của ISS là hơn 300 tấn, và sẽ đạt 377 tấn sau khi được hoàn thiện.

Lúc đầu các nhà khoa học dự tính thời gian hoạt động của ISS trên quỹ đạo là 15 năm. Hiện các nước tham gia dự án đang lên kế hoạch kéo dài "tuổi thọ" ISS đến năm 2020 và biến nó thành "cảng vũ trụ" để chuẩn bị cho các chuyến nghiên cứu-thám hiểm giữa các hành tinh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục