Hệ thống điện tiếp tục cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội

Theo Tổng Giám đốc EVN, năm nay nhu cầu công suất lớn nhất hệ thống điện có thể đạt 32.340MW, tăng 12,25% so với năm ngoái; hệ thống điện đảm bảo cung ứng đủ phát triển kinh tế-xã hội.
Công trình đường dây 220kV Cầu Bông-Hóc Môn rẽ Bình Tân cấp điện cho TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đặng Hoàng An cho biết trên cơ sở tính toán cung cầu điện năm nay với dự kiến nhu cầu công suất lớn nhất toàn hệ thống điện có thể đạt 32.340MW, tăng 12,25% so với năm ngoái, hệ thống điện đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội với tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm 11,5%.

Thông tin trên được ông Đặng Hoàng An đưa ra tại Hội nghị tổng kết năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của EVN diễn ra vào chiều 3/1.

Điện thương phẩm tăng 11%

Theo Tổng Giám đốc EVN Đặng Hoàng An, trong năm 2016, Tập đoàn đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân, với lượng điện thương phẩm đạt 159,45 tỷ kWh, tăng 11% so với năm 2015 và vượt 350 triệu kWh so với kế hoạch.

Hệ thống điện vận hành ổn định, an toàn, hiệu quả trong điều kiện truyền tải cao liên tục tuyến Bắc-Nam.

Đặc biệt trong năm 2016, các Tổng công ty Điện lực tiếp tục phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội ở nhiều tỉnh/thành phố triển khai sâu rộng các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả như “Giờ trái đất,” “Gia đình tiết kiệm điện,” “Tiết kiệm trong trường học,” “Ngày hội tiết kiệm điện.”

Đồng thời, Tổng công ty Điện lực đã hỗ trợ thay thế hơn 2 triệu bóng đèn tròn bằng đèn tiết kiệm điện cho các hộ dân trồng thanh long tại các tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang; hỗ trợ cho các hộ gia đình nghèo, gia đình chính sách ở một số địa bàn chuyển đổi sang dùng bóng đèn tiết kiệm điện với 270.000 đèn compact, LED.

Mặt khác, thí điểm ký kết và thực hiện 7 hợp đồng cung cấp dịch vụ tiết kiệm năng lượng cho các doanh nghiệp.

Đáng chú ý, công tác điều hành hệ thống điện và thị trường điện đã bám sát nhu cầu sử dụng điện, tình hình thủy văn và kế hoạch vận hành của các nhà máy điện từng tuần, từng tháng, nhờ đó đã huy động hợp lý các nguồn điện, góp phần tối ưu hóa chi phí sản xuất và mua điện của EVN.

Trong đó, các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 và Duyên Hải 1 vận hành ổn định đã đóng góp quan trọng vào việc đảm bảo cung cấp điện cho miền Nam trong mùa khô cũng như cả năm 2016. Tổng sản lượng huy động của hai nhà máy này đạt khoảng 14,1 tỷ kWh, vượt gần 1 tỷ kWh so với kế hoạch.

Bên cạnh đó, Tập đoàn đã chủ động trong công tác điều hành các hồ thủy điện Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang để cấp trên 3 tỷ m3 nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2015-2016 khu vực Đồng bằng Bắc Bộ.

Trong các tháng mùa khô năm 2016, Tập đoàn đã huy động tối đa các nhiệt điện than, khí và cả các nguồn chạy dầu nhằm giữ nước các hồ thủy điện đảm bảo cấp nước hạ du, nhờ đó đáp ứng đầy đủ nhu cầu nước hạ du của các địa phương khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Mặt khác, việc vận hành lưới điện truyền tải đáp ứng được yêu cầu truyền tải điện và nhu cầu sử dụng điện tại các khu vực.

Đặc biệt, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT ) đã đảm bảo truyền tải điện từ miền Bắc, miền Trung cấp cho miền Nam trên 15,8 tỷ kWh, tương đương khoảng 18% nhu cầu điện của miền Nam với công suất truyền tải lớn nhất trên giao diện Bắc-Trung là 2.253MW và Trung-Nam đạt gần 3.900MW.

Theo ông Đặng Hoàng An, đến cuối năm 2016 có 73 nhà máy trực tiếp tham gia thị trường điện với tổng công suất đặt là 17.929MW, chiếm 46% tổng công suất đặt toàn hệ thống và tăng 2.820 MW so với năm trước đó.

Việc triển khai thị trường bán buôn đã thực hiện theo đúng chỉ đạo của Bộ Công Thương và Cục Điều tiết điện lực. Hệ thống hạ tầng Công nghệ thông tin và Viễn thông đáp ứng yêu cầu vận hành hệ thống điện và thị trường điện.

Đánh giá của EVN cũng cho thấy do phân bố nguồn điện không cân bằng giữa các vùng miền, diễn biến bất lợi của thời tiết và cơ cấu nguồn điện huy động bất lợi hơn so với kế hoạch; trong đó tổng sản lượng huy động nhiệt điện dầu lên tới gần 1,2 tỷ kWh, tăng 1,9 lần so với kế hoạch đã ảnh hưởng đến tình hình tài chính của Tập đoàn.


Hệ thống truyền tải Bắc-Nam tiếp tục giữ vai trò quan trọng

Cũng tại hội nghị, Tổng Giám đốc EVN Đặng Hoàng An cũng nhận định, tổng công suất các nguồn điện trên toàn hệ thống hiệ đạt hơn 42.000MW, tổng công suất các nguồn điện mới dự kiến đưa vào vận hành trong năm nay là 3.647MW.

Công trình thủy điện Lai Châu trước ngày khánh thành. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Cuối năm 2016 các hồ thủy điện cơ bản tích nước đầy hồ. Tập đoàn đã hoàn thành đưa vào vận hành nhiều công trình lưới điện truyền tải và phân phối điện quan trọng tại các địa bàn trọng điểm từ cuối năm trước để đảm bảo cho sản xuất và cung ứng điện năm​ nay.

Hệ thống truyền tải Bắc-Nam tiếp tục giữ vai trò quan trọng, đặc biệt phải đảm bảo cho hệ thống điện miền Nam tiếp nhận khoảng 25% nhu cầu điện từ miền Bắc và miền Trung với sản lượng cả năm khoảng 20 tỷ kWh.

Mặc dù vậy, việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm nay của Tập đoàn vẫn gặp nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt là sản lượng điện sản xuất của EVN chỉ chiếm khoảng 43,5%, do đó việc đảm bảo cung ứng điện cho toàn quốc phụ thuộc rất lớn vào các nhà máy điện ngoài EVN.

Trong khi đó, vấn đề đảm bảo nhiên liệu cho phát điện, nhất là đảm bảo cấp khí cho các nhà máy điện khu vực Tây Nam Bộ sau khi nhà máy xử lý khí GPP Cà Mau đưa vào vận hành từ tháng ​Tư tới đây cũng là khó khăn lớn.

Cũng theo ông Đặng Hoàng An, năm ​nay dự kiến Tập đoàn sẽ phải huy động nguồn điện chạy dầu khoảng 2,2 tỷ kWh sẽ là thách thức lớn đối với tình hình tài chính của Tập đoàn trong năm.

Một số yếu tố chi phí đầu vào của sản xuất điện đã tăng liên tục từ năm 2015 nhưng chưa được đưa vào cân đối trong giá điện hiện hành như biến động tỷ giá, giá than, khí cho sản xuất điện, thuế tài nguyên nước, chi phí môi trường rừng và từ tháng 12/2016, giá than tiếp tục tăng khoảng 7%.

Theo EVN​, năm ​nay, EVN đặt mục tiêu sản xuất và mua 197,2 tỷ kWh, tăng 11,4% so với năm ​ngoái; đồng thời sẵn sàng chuẩn bị đáp ứng cho khả năng nhu cầu điện tăng cao hơn.

Để đạt mục tiêu này, Tập đoàn sẽ p hối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Khí Việt Nam và các đơn vị phát điện để đảm bảo nhiên liệu cho phát điện.

Đồng thời, Tập đoàn cũng phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Cơ quan Khí tượng Thủy văn quốc gia, ​Ủy ban Nhân dân các tỉnh có hồ thủy điện để xây dựng kế hoạch phối hợp chi tiết, cụ thể về vận hành và điều tiết nước các hồ thủy điện.

Mặt khác, kiểm tra, đánh giá toàn bộ các hồ, đập thủy điện để có biện pháp xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn các hồ đập trong mùa mưa lũ năm nay.

Đối với Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, có nhiệm vụ theo dõi cập nhật các yếu tố về sản xuất điện và nhu cầu phụ tải, điều hành giao dịch thị trường phát điện đúng quy định; phối hợp chặt chẽ với Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia và các Tổng công ty Điện lực để có các phương án vận hành hệ thống lưới điện 500-220-110kV an toàn, tin cậy nhất là hệ thống điện miền Nam.

Đồng thời, Trung tâm cũng điều hành tối ưu các nhà máy thủy điện, tận dụng tài nguyên nước, đáp ứng các yêu cầu cấp nước hạ du cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.

Các đơn vị phát điện, ngoài việc đảm bảo vận hành các tổ máy phát điện, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu huy động của Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia còn nâng cao độ tin cậy vận hành, khả năng phát điện của các nhà máy, nhất là các nhà máy nhiệt điện mới vào vận hành như Duyên Hải 1, Vĩnh Tân 2 và Duyên Hải 3.

Mặt khác, chuẩn bị đầy đủ hạ tầng tiếp nhận than để đáp ứng nhu cầu than cho sản xuất điện và cơ số dự phòng trong các điều kiện thời tiết bất thường đối với các Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1, 3, Vĩnh Tân 2,4.

Đối với các Công ty thủy điện làm việc cụ thể với chính quyền các địa phương vùng hạ du để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước của các hồ thủy điện phát điện trong mùa khô và cấp nước cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, đẩy mặn tại các địa phương, vận hành đúng qui trình hồ chứa và liên hồ được phê duyệt; Phối hợp tốt với các địa phương để điều tiết nước, xả lũ đúng quy định.

Về phía Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, EVN yêu cầu đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy hệ thống truyền tải 220-500kV, đặc biệt là hệ thống 500kV Bắc-Nam trong điều kiện truyền tải cao cho miền Nam. Bên cạnh đó, đưa vào vận hành đúng tiến độ các công trình đường dây và trạm biến áp trong kế hoạch năm nay.

EVN cũng yêu cầu các Tổng công ty Điện lực theo dõi và cập nhật nhu cầu phụ tải trên địa bàn, xây dựng kế hoạch cung cấp điện hàng tháng cho các Công ty Điện lực và thông báo cho chính quyền địa phương. Chuẩn bị các phương án ứng phó với khả năng thiếu điện cục bộ do sự cố.

Riêng Tổng công ty Điện lực Miền Trung có trách nhiệm rà soát công tác đầu tư xây dựng các công trình và các phương án đảm bảo cấp điện phục vụ Hội nghị cấp cao lần thứ 25 của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC 2017) tại Đà Nẵng.

Ngoài ra, các Tổng công ty Điện lục cũng thực hiện các thủ tục cấp điện cho các khách hàng theo quy trình nâng cao chỉ số tiếp cận điện năng, tạo điều kiện tốt nhất cho các khách hàng lĩnh vực sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục